Đồng hành cùng phụ nữ khởi nghiệp

28/09/2022 - 07:16

 - Từ ý tưởng của các chị em hoặc những mô hình nhen nhóm ở quy mô nhỏ, nhận thấy tiềm năng phát triển, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) đã tiếp sức cho hội viên bằng nhiều cách để tạo cơ hội cho các chị khẳng định năng lực, vai trò của mình trong gia đình và xã hội.

Năng động làm kinh tế

Vốn chỉ làm nội trợ, nhưng cuộc sống chật vật đã thôi thúc chị Phan Thị Kim Tuyến (xã Tân Trung, huyện Phú Tân) tìm việc làm để chia sẻ gánh nặng kinh tế với chồng. Chị nhận làm thuê nhiều công việc nông vụ, song chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Được Hội LHPN xã Tân Trung giới thiệu học may công nghiệp và hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, chị Tuyến đầu tư máy may, nguyên vật liệu và gia công quần áo tại nhà.

Sự nỗ lực của chị đã đổi lại thành quả xứng đáng, khi cơ sở không chỉ hoạt động thuận lợi, mà còn mở rộng để nhận thêm 12 thợ may, gia công trọn gói cho các công ty tại TP. Hồ Chí Minh. Hiện tại, cơ sở thu nhập bình quân khoảng 100 triệu đồng/tháng, trừ chi phí còn lợi nhuận 40 triệu đồng.

Sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ Phú Tân

Bên cạnh dạy học, chị Hồ Thị Thu Hương (ấp Trung 1, thị trấn Phú Mỹ) còn phát triển thêm “nghề tay trái” bằng mô hình trồng rau thủy canh theo hướng an toàn. Tự đầu tư một nhà lưới nhỏ, với diện tích 80m2, chị Hương trồng các loại cải ngọt, cải xanh, cải thìa, xà lách... Qua giới thiệu của Hội LHPN thị trấn Phú Mỹ, chị Hương vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Nhà lưới được lắp đặt hệ thống ống nuôi cây, phun sương tự động, không tốn nhiều công chăm sóc.

Đều đặn mỗi ngày, chị thu hoạch 6-12kg rau các loại bán cho khách lẻ, thu nhập từ 300.000-400.000 đồng. Dù trồng trong nhà lưới, không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, nhưng định kỳ 6 tháng, chị Hương đều đem rau đi kiểm nghiệm 1 lần. Giờ đây, “nghề tay trái” giúp chị “bỏ túi” từ 7-8 triệu đồng/tháng.

Thời gian qua, được tuyên truyền, học tập, tiếp cận khoa học - kỹ thuật, không kể độ tuổi nào, hội viên phụ nữ đều tự tin tham gia khởi sự kinh doanh. Có chị bắt đầu với mô hình mua bán nhỏ, được trợ vốn xoay sở để khấm khá dần.

Có chị dựa vào nghề truyền thống, đầu tư thêm máy móc, nhạy bén kết nối thị trường để làm chủ cơ sở sản xuất, như: Nghề làm cốm (xã Phú Xuân), nghề làm bánh kẹp (thị trấn Phú Mỹ). Số hội viên khác gắn bó với nghề làm nông, được chuyển giao khoa học - kỹ thuật cũng làm kinh tế hiệu quả không kém, như: Nuôi lươn (xã Long Hòa), sản xuất rau màu, chuyển đổi cây trồng (xã Bình Thạnh Đông)…

Hỗ trợ thiết thực

Toàn huyện Phú Tân hiện có 2.256 hộ nghèo, trong đó phụ nữ chủ hộ nghèo 937 hộ; hộ phụ nữ cận nghèo, khó khăn 2.955 hộ. Với tinh thần “Trao cần câu hơn cho con cá”, các cấp hội LHPN trên địa bàn huyện Phú Tân từng bước thay đổi nhận thức, khơi dậy tinh thần, tiềm năng, sức sáng tạo, giúp hội viên, phụ nữ khởi nghiệp ngày càng hiệu quả.

Theo Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Tân Nguyễn Thanh Kiều, thời gian qua, các cấp hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ nâng cao nhận thức, hành vi trong sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng sạch, khơi dậy phong trào phụ nữ khởi nghiệp, tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ...

Các hình thức đa dạng, phong phú được tổ chức ở cơ sở, như: Thông qua sinh hoạt chi tổ hội, các mô hình, câu lạc bộ, tổ, nhóm. Đặc biệt, Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 được truyền thông mạnh, tập trung trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong mua bán, sản xuất - kinh doanh và ý tưởng khởi nghiệp.

Các cấp hội phụ nữ quan tâm hỗ trợ phụ nữ có ý tưởng, nhu cầu khởi nghiệp, các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp mới thành lập do phụ nữ làm chủ. Trong hành trình khởi sự nghề nghiệp, Hội LHPN huyện ưu tiên hỗ trợ phụ nữ thuộc hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ sống tại địa bàn vùng sâu vùng xa...

Đầu năm 2022 đến nay, Hội LHPN các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phú Tân đã phối hợp khai giảng 11 lớp nghề (may công nghiệp, kỹ thuật trồng rau màu an toàn, kỹ thuật làm vườn, nuôi heo…) cho 275 học viên tham gia, giới thiệu việc làm cho 176 hội viên.

Bên cạnh đó, thành lập 47 tổ liên kết, tổ hợp tác do phụ nữ quản lý, như: Mua bán tạp hóa, tổ may gia công, tổ đan giỏ bằng lục bình, trồng rau màu, tổ làm bánh, trồng hoa… Các cấp hội còn hướng dẫn hỗ trợ 35 phụ nữ khởi nghiệp với các ngành nghề: May đồ gia công tại nhà, nuôi ốc kết hợp trồng vườn, may thảm, trồng rau thủy canh, làm cốm, đan gia công ghế nhựa, ươm cây xanh, sản xuất nhang…

Để trợ vốn cho hội viên khởi nghiệp, Hội LHPN huyện đã tổ chức giải ngân nguồn vốn vay cho 14 hội viên có hoàn cảnh khó khăn, với tổng số tiền 74 triệu đồng. Hội LHPN các xã, thị trấn hỗ trợ hội viên, phụ nữ tiếp cận nguồn vốn phát triển kinh tế qua Ngân hàng Chính sách xã hội, hoạt động tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) theo Nghị định 55/NĐ-CP với số tiền trên 12,4 tỷ đồng. Các sản phẩm của hội viên phụ nữ sản xuất còn được giới thiệu, quảng bá qua nhiều kênh để khẳng định chất lượng, thương hiệu, tiếp cận khách hàng, nhất là tại ngày hội “Phụ nữ An Giang khởi nghiệp”; các gian hàng trưng bày nhân sự kiện lớn trên địa bàn huyện Phú Tân...

MỸ HẠNH