Đồng hành để tăng cơ hội phát triển

23/11/2023 - 06:42

 - Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm phát huy sản phẩm đặc trưng của địa phương, nâng cao thu nhập của người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới. Tại An Giang, OCOP lan tỏa rộng khắp, từng bước khẳng định chất lượng trên thị trường, góp phần chuyển đổi sản xuất nông nghiệp từ nhỏ lẻ sang liên kết chuỗi giá trị.

Khách hàng tin tưởng chọn lựa sản phẩm OCOP

Từ làng xã ra thị trường rộng lớn

Chương trình OCOP nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là vai trò của sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh. Thông qua đó, các địa phương thấy được tiềm năng, thế mạnh để có chính sách, giải pháp phù hợp phát triển sản phẩm OCOP, đặc biệt là bảo tồn, phát triển ngành nghề truyền thống. Đến nay, toàn tỉnh An Giang có 71 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang Lê Trung Hiếu đánh giá: “OCOP là sản phẩm được sinh ra từ làng, dựa vào nguồn nguyên liệu tại địa phương, tay nghề và truyền thống gia đình. Chủ thể sản phẩm dành cả tâm huyết, công sức và kinh nghiệm, huy động nguồn lực của gia đình, dòng họ để xây dựng. Sản phẩm không chỉ có chất lượng, mà còn chứa tình yêu quê hương, đất nước, xứng đáng được người tiêu dùng tiếp nhận trên mọi phương diện. Chúng tôi luôn trăn trở để sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh được quảng bá, giới thiệu rộng rãi đến người tiêu dùng; làm thế nào để người tiêu dùng hiểu rõ, nhận biết được các sản phẩm này, tin tưởng lựa chọn”.

Đằng sau mỗi sản phẩm OCOP là một câu chuyện rất dài về tâm huyết, về lịch sử của gia đình, của người kế thừa công việc kinh doanh. Điển hình như chuyện của mắm chao cá mè vinh. Trước năm 1945, nguồn lợi thủy sản ở TX. Tân Châu dồi dào, lượng cá đổ về quá nhiều, dùng không hết, mọi người phải mang làm mắm.

Một mẻ mắm ngon phải hội đủ yếu tố: Hương thơm đặc trưng, thịt cá bùi thơm, xương hom cá mềm, màu mắm vàng sánh như mật ong, có vị vừa ăn, không quá mặn hay quá ngọt. Mắm chao (đảo trộn các nguyên liệu với nhau, trong đó có cơm rượu) trở thành đặc sản khó quên của xứ đầu nguồn. Hộ kinh doanh Ba Lộc (phường Long Châu, TX. Tân Châu) biến món ăn dân dã ấy trở thành sản phẩm OCOP 3 sao, vươn xa khỏi địa phương.

Hay nghề dệt chiếu Uzu hình thành hơn chục năm nay, góp phần làm nên diện mạo mới cho nghề dệt chiếu truyền thống. Để tạo ra sản phẩm, phải trải qua các công đoạn: Lựa chọn Uzu, nhuộm màu, phơi nắng, dệt, xông khói, phơi thêm 1 ngày, vệ sinh sạch sẽ và ép thành phẩm. Bà Lê Thị Phương Thảo (chủ hộ kinh doanh Tân Phú Hưng, thị trấn An Phú, huyện An Phú) cho biết: “Hiện cơ sở có khoảng 20 - 30 thợ dệt, thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng. Để làng nghề dệt chiếu Uzu ngày càng phát triển, mỗi người thợ không ngừng học hỏi, nâng cao tay nghề, tạo ra sản phẩm khác từ chiếu, góp phần phát triển du lịch tại chỗ”.

Đi xa cùng nhau

Thời gian qua, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh phối hợp tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm đến các vùng miền và nước ngoài. Hành trình này rất gian khó, do sản phẩm hầu hết nhỏ lẻ, chưa có tên tuổi trên thị trường. Nhưng bù lại, tính chất vùng miền trở thành đặc trưng thu hút người tiêu dùng. Gần đây, sự kiện “Sản phẩm OCOP và đặc sản tỉnh An Giang đồng hành cùng người tiêu dùng” là hoạt động thiết thực, hiệu quả, được tổ chức lần thứ II sau thành công của lần đầu.

76 gian hàng của doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, hợp tác xã, cơ sở làng nghề truyền thống của tỉnh An Giang và các tỉnh, thành phố cùng tham gia. Sự kiện được thiết kế thành các khu: 40 gian hàng sản phẩm OCOP của tỉnh; 30 gian hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm đặc sản nông nghiệp; 6 gian hàng ẩm thực (tập trung quảng bá món ăn đã được các tổ chức kỷ lục công nhận)…

Trong 4 ngày diễn ra, nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc được lồng ghép, như: Biểu diễn nhạc ngũ âm Khmer, múa sạp Tây Bắc, trò chơi dân gian, biểu diễn món ăn đặc sản An Giang, gameshow “Tìm hiểu về sản phẩm OCOP”, hội thi ẩm thực “Hương vị đặc sắc An Giang”…

Sự kiện thu hút DN của 12 tỉnh, thành phố, như: TP. Hồ Chí Minh, tỉnh An Giang, Lào Cai, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp. Từ đây, các sản phẩm OCOP, tiềm năng OCOP trong và ngoài tỉnh có sân chơi ý nghĩa, thêm cơ hội để chủ thể OCOP tỉnh An Giang nghiên cứu, tìm hiểu, học tập bao bì, nhãn mác của DN khắp mọi miền.

Sản phẩm tham gia sự kiện phải là sản phẩm OCOP, đặc sản, sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ, quà lưu niệm, sản phẩm du lịch - dịch vụ, được hội đồng thẩm định xét duyệt tham gia. “Biết thông tin này, gia đình tôi quyết định tham quan các gian hàng, yên tâm mua sắm, không phải mất nhiều thời gian đắn đo xem xét nguồn gốc, xuất xứ, thương hiệu của sản phẩm. Các gian hàng đều cho dùng thử, trải nghiệm thực tế sản phẩm, áp dụng chương trình khuyến mại, quà tặng tri ân… càng khiến khách hàng thêm lý do chọn lựa” - bà Nguyễn Thị Cúc (ngụ xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới) hài lòng.

Ông Nguyễn Quốc Khánh (Giám đốc Công ty TNHH MTV Vườn Bà Ba, xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú) chia sẻ: “Bất kỳ DN nào cũng mong muốn tiếp cận được với người tiêu dùng. Bên cạnh khả năng chủ động tiếp cận thị trường, hoàn thiện chất lượng sản phẩm của cơ sở, các sự kiện được tỉnh tổ chức càng giúp tạo sự tin tưởng của khách hàng đối với cơ sở, thu hút nhiều khách hàng hơn. Con số doanh thu tại sự kiện không lớn bằng việc khách hàng biết đến sau sự kiện, đồng hành cùng DN trong thời gian tới”.

“Thông qua sự kiện “Sản phẩm OCOP và đặc sản tỉnh An Giang đồng hành cùng người tiêu dùng”, các DN sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành công, ký kết được nhiều hợp đồng mới, mở rộng quan hệ hợp tác kinh doanh giữa DN, nhằm phát triển thị trường” - ông Lê Trung Hiếu khẳng định.

GIA KHÁNH