Dòng kênh không chỉ chảy bằng nước

13/07/2025 - 13:27

 - Câu chuyện từ kênh Vĩnh Tế và một khởi đầu mới cho tỉnh An Giang sau ngày hợp nhất Kiên Giang và An Giang

Có những dòng nước chảy qua đất, có những dòng kênh chảy qua lòng người

Chiều hôm đó, ngồi bên bờ kênh Vĩnh Tế, khi nắng rớt nhẹ xuống những tàu đước già xòa bóng bên mé bờ, kênh lặng như không muốn đi nhanh, ột người đàn ông đứng câu cá, chiếc xe đạp cũ dựng bên bờ. Xa xa, ngôi chùa Khmer ẩn mình sau hàng dừa, mấy đứa trẻ nhỏ chèo xuồng, tay vẫy sóng với khách qua đường.

Chẳng ai nói gì về lịch sử. Cũng chẳng có biển chỉ dẫn hoành tráng. Nhưng chỉ cần lắng nghe con kênh, sẽ nghe được tiếng của một thời mở đất.

Kênh Vĩnh Tế mùa nước nổi

Kênh Vĩnh Tế, cái tên mộc mạc, giản dị mà nặng sâu. Không phải tên vua, tên quan. Mà là tên một người đàn bà.

Người xưa thật lạ. Họ không gọi tên bằng quyền lực mà gọi bằng lòng người. Không xây cột cờ thật lớn mà âm thầm dựng những dấu tích nhỏ, để thời gian tự nói thay.

Dòng kênh ấy đã nối đất - giờ đây nối lòng

Khi An Giang và Kiên Giang hợp nhất thành một tỉnh mới mang tên An Giang, kênh Vĩnh Tế bỗng hiện lên như một biểu tượng lặng lẽ, bền bỉ và bao dung. Không phải vì nó nằm giữa hai tỉnh, mà vì nó chính là hình ảnh đẹp nhất để nói về sự gắn kết, về một không gian chung vượt qua địa giới hành chính.

Ngày xưa, kênh Vĩnh Tế được đào để nối Châu Đốc với Hà Tiên.

Hôm nay, hợp nhất hai tỉnh, cũng là để nối đồng bằng với biển, đảo.

Không phải nối bằng cuốc xẻng, mà nối bằng tư duy mới.

Không phải để dẫn nước, mà để dẫn niềm tin.

Không phải để quản lý tốt hơn, mà để phát triển hài hoà hơn.

Hợp nhất tỉnh không chỉ là gom đất mà là gom lại những gì tốt đẹp nhất của nhau

Từ đỉnh núi Cấm nơi mây trắng quấn lấy vai người, đến ghềnh đá Hà Tiên nơi sóng vỗ rì rào như kể chuyện phương Nam, mỗi vùng có một dáng vẻ riêng. An Giang trầm mặc, tín ngưỡng, sâu lắng. Kiên Giang rộng mở, biển cả, thương hồ. Chính sự khác biệt ấy lại là điểm gặp gỡ. Giống như nước kênh và nước sông, có lúc trong, có lúc đục, nhưng chung dòng là gặp nhau.

An Giang không mất đi bản sắc, Kiên Giang không lùi lại phía sau. Cả hai cùng tiến lên, như hai nhánh sông hội tụ tạo nên dòng chảy lớn, chở phù sa về cho cả vùng đất Tây Nam bộ.

Một không gian phát triển mới được khơi từ dòng kênh xưa

Dòng kênh Vĩnh Tế từng dẫn nước về ruộng, dẫn ghe xuồng nối thương nhân từ Châu Đốc tới Hà Tiên, dẫn lòng tin của dân phu dù mệt, dù khổ vẫn gánh từng gánh đất để giữ vững đất nước.

Tỉnh An Giang mới cũng cần có những dòng chảy như thế: Dẫn hạ tầng kinh tế dọc hành lang biên giới, từ Tịnh Biên đến Hà Tiên, tạo trục logistics, xuất khẩu, du lịch xuyên biên. Dẫn nông nghiệp sinh thái từ vùng Thoại Sơn - Tri Tôn đến các mô hình nuôi biển bền vững ở Hòn Tre, Hòn Nghệ. Dẫn tinh thần đoàn kết từ chùa Khmer, thánh đường Hồi giáo, đình làng Kinh - để kết nối con người, văn hóa, tâm thức.

Kênh Vĩnh Tế góp phần cung cấp phù sa, tôm cá cho đồng ruộng

Một ngày không xa, kênh Vĩnh Tế có thể hồi sinh như một “trục văn hoá thủy”, nơi người dân và du khách ngồi xuồng đi dọc kênh, ghé làng nghề, lắng nghe những câu chuyện được kể bằng tiếng sóng, mùi bùn và lòng người.

Và những hình ảnh biểu tượng khác cùng dẫn lối kết nối

Núi Cấm - biển Hà Tiên: Một bên là đỉnh trời Tây Nam, một bên là cửa biển phương Nam. Kết nối mây trắng và sóng bạc là mở ra không gian du lịch tâm linh - sinh thái -  biển đảo toàn vùng.

Chợ Châu Đốc - chợ đêm Phú Quốc: Một nơi đậm chất văn hóa bản địa, một nơi mang khát vọng hội nhập quốc tế. Kết nối hai “chợ” là kết nối sản phẩm địa phương với chuỗi giá trị toàn cầu.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ - lễ hội Nghinh Ông Hòn Sơn: Niềm tin của dân sông với dân biển. Cùng thờ thần, cùng tin vào đất trời. Gợi mở khả năng hợp nhất lễ hội trong không gian văn hóa du lịch tâm linh đa dân tộc.

Cánh đồng Tà Pạ -  rừng phòng hộ Hòn Đất: Không gian sinh thái đa dạng từ canh tác bản địa đến bảo tồn ven biển. Là nền tảng cho chiến lược tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thoại Ngọc Hầu - Mạc Cửu: Hai người khai mở đất. Hai tầm nhìn vì dân, vì biên cương, vì phát triển bền vững. Là cảm hứng để kiến tạo một tỉnh mới với tinh thần vì nhân dân mà phục vụ.

Dẫn một dòng kênh là dẫn cả tư duy đổi mới

Ngày xưa, người ta dẫn kênh bằng sức người. Ngày nay, cần dẫn tỉnh mới bằng sức dân, sức trí và sức liên kết.

Hợp nhất tỉnh là thách thức. Nhưng nếu biết dẫn đúng hướng, nếu cán bộ không vướng vào ranh giới “ai cũ - ai mới”, nếu người dân không bị đặt vào thế “ai mất - ai được”, thì sự hợp nhất sẽ không làm ai bị bỏ lại, mà làm tất cả cùng tiến tới.

Nông dân xã Hòn Đất, tỉnh An Giang thu hoạch tôm. Ảnh: THÙY TRANG

Mỗi cán bộ ở tỉnh An Giang mới cần học cách lắng nghe như dòng kênh Vĩnh Tế lặng lẽ. Không cần làm lớn, chỉ cần làm đúng, làm tử tế, làm vì dân.

Kênh Vĩnh Tế vẫn còn chảy và lòng người vẫn còn mở

Không rõ bà Châu Thị Vĩnh Tế, người phụ nữ mà cả một dòng kênh mang tên, có từng nghĩ rằng công trình của bà sẽ trở thành biểu tượng cho sự kết nối hơn 200 năm sau không. Nhưng chắc chắn, nếu còn sống đến hôm nay, bà sẽ mỉm cười khi thấy người ta không chỉ nhắc đến kênh như một công trình thủy lợi, mà như một câu chuyện khơi dậy tinh thần khai mở, tinh thần kết nối và tinh thần dân tộc.

Tỉnh An Giang mới, nếu biết kể câu chuyện của mình bằng lịch sử, bằng văn hóa, bằng những điều chân thành nhất, thì sẽ đi xa. Không phải vì gom đất, mà vì gom được lòng người. Không phải vì quản lý hiệu quả, mà vì phát triển hài hoà. Không phải vì phải thay đổi, mà vì muốn cùng nhau tốt hơn.

Một ngày, khi đứng bên dòng kênh ấy, sẽ thấy rõ hơn con đường phía trước:

Người đo có nhớ quê mình

Nhớ kênh Vĩnh Tế, nhớ tình người xưa

LÊ MINH HOAN