Đồng Nai: Tập tành nuôi loài rắn bơi giỏi, có móng sắc nhọn, lão nông bán giá 400.000 đồng/kg

05/10/2020 - 14:21

Bỏ nuôi heo do dịch tả heo châu Phi, ông Nguyễn Văn Xá ngụ ở Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai) cải tạo chuồng heo, tập tành nuôi rắn mối. Không ngờ mối “lương duyên” này mang lại cho ông gần chục triệu đồng/tháng nhờ bán rắn mối thịt với giá 400.000 đồng/kg.

Ông Xá nhận xét, nuôi loài rắn mối có móng vuốt sắc nhọn này, tưởng là đáng sợ nhưng lại khá nhàn nhã. Ưu điểm của việc nuôi loài bò sát này là chi phí đầu tư ban đầu thấp, nhưng nếu áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, chỉ sau vài tháng đã có thể thu lợi lớn.

Nhàn nhã nuôi loài bò sát mống vuốt sắc bén, lão nông đều đặn bỏ túi tiền triệu  - Ảnh 1.

Ông Xá đang cho đàn rắn mối ăn.

Ông Xá kể, năm 2018, sau khi dẹp xong chuồng trại nuôi heo vì bị thiệt hại bởi dịch tả lợn châu Phi, ông đã tìm hiểu cách nuôi loài rắn mối.

Thời gian đầu nuôi, do chưa có kinh nghiệm nên ông không khỏi băn khoăn về cách thức cho ăn uống, vệ sinh chuồng trại cũng như tạo độ ẩm hay cách sinh đẻ của rắn mối.

Qua tìm hiểu thêm trên sách báo, phương tiện truyền thông, dần dần ông đã nắm được kỹ thuật nuôi và nhu cầu của thị trường. "Lúc đầu, tôi định bắt giống rắn mối ngoài thiên nhiên. Tôi định chọn những con khoẻ, di chuyển nhanh và không dị tật. Nhưng do giống ngoài thiên nhiên không nhiều và đồng đều nên tôi phải mua giống từ trại. Giống ở trại kích cỡ đều, khoẻ mạnh, không bị dị tật, dị hình nên quá trình nuôi tương đối thuận lợi", ông Xá chia sẻ.

Cũng theo ông Xá, rắn mối từ lúc sinh ra đến 5 tháng là trưởng thành. Khoảng  6-7 tháng là rắn mối có khả năng sinh sản.

Thời gian mang thai của rắn mối từ 70-80 ngày. Mỗi lứa rắn mối sinh sản khoảng 7-15 con. Mỗi năm, rắn mối sinh sản 2-3 lần.

"Để rắn mối sinh sản được nhiều con, nên chia tỉ lệ đực cái là 1-1 hoặc 1-2, để tăng khả năng thụ thai của rắn cái", ông Xá thổ lộ.

Về chuồng trại, ông Xá cho rằng cần thường xuyên vệ sinh để tạo môi trường sạch cho rắn mối sinh sản và phát triển tốt. Tốt nhất là 2–3 ngày dọn chuồng một lần.

Nhàn nhã nuôi loài bò sát mống vuốt sắc bén, lão nông đều đặn bỏ túi tiền triệu  - Ảnh 2.

Thu hoạch rắn mối.

Rắn mối là loài bò sát ăn tạp. Các nhóm thức ăn chính của rắn mối gồm các loại côn trùng. Các loại thức ăn có mùi tanh, như: Tôm, tép, thịt, trứng gà, ruốc, mỡ heo, thịt gà. Nhằm tạo nguồn thức ăn cho rắn mối, ông Xá nuôi thêm dế. Ấy vậy mà con dế nuôi thêm này cũng đang đem lại thêm nguồn thu nhập cho gia đình ông.

"Sau khi thu hoạch dế to, đẹp đem bán, tôi lấy dế tạp, không đạt chuẩn cho rắn mối ăn", ông Xá cho biết. Từ 1.500 con rắn mối giống ban đầu, đến nay trại của ông Xá có gần 10.000 con rắn mối.

Đều đặn mỗi tháng, ông bán cho các nhà hàng, quán ăn và các tỉnh lân cận khoảng 20kg rắn mối thương phẩm, thu nhập gần chục triệu đồng. Hiện, giá rắn mối thịt dao động khoảng 400.000 đồng/kg.

Theo ông Xá, sau khi thấy mô hình nuôi rắn mối đem lại hiệu quả kinh tế, sắp tới ông sẽ mở rộng thêm chuồng trại và tăng đàn giống để phục vụ thị trường.

Bà Phan Thị Hải Lý - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Tân đánh giá, mô hình nuôi rắn mối kết hợp nuôi dế của ông Xá đang phát triển rất hiệu quả.

Đây là hai loài vật nuôi có sức đề kháng cao, dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp, đầu ra sản phẩm dồi dào và cho thu nhập cao.

Nhàn nhã nuôi loài bò sát mống vuốt sắc bén, lão nông đều đặn bỏ túi tiền triệu  - Ảnh 3.

Tạo nguồn thức ăn cho rắn mối, ông Xá nuôi thêm dế.

"Hiện, Hội đang xem xét đánh giá để tiến tới nhân rộng mô hình cho các hộ nông dân trong xã", bà Lý cho biết.

Ở miền Tây Nam bộ, rắn mối được xem là đặc sản. Những món ăn được làm từ rắn mối, như: Chiên giòn, nướng lá cách, nấu cháo, xào nghệ, xào sả ớt, nướng chao, nướng mọi, gỏi...

Rắn mối là một loài bò sát có vảy và có bốn chân. Chúng có thể leo trèo, bơi giỏi với móng vuốt sắc bén. Loài này có thân hình gần giống kỳ nhông nhưng to mập hơn và rất thích phơi nắng.

Rắn mối phân bố ở nhiều nơi và thích sống trong vườn nhà, bụi rậm ở các vùng quê. Mặc dù là họ rắn, nhưng rắn mối không có độc và ranh nanh. Rắn mối trong tự nhiên chủ yếu kiếm thức ăn vào mùa hè và mùa đông thường sống trong hang. Mỗi năm rắn có thể sinh sản khoảng 3 lứa với khoảng 2 – 9 con mỗi lứa. Bản thân rắn sẽ lột xác khoảng 4 lần trong năm.

Theo TRẦN CỬU LONG (Dân Việt)