Bệnh sốt chikungunya do muỗi Aedes (muỗi vằn) truyền bệnh. (Nguồn: wikipedia)
Các chuyên gia từ Viện Đa khoa Quốc gia Mexico (IPN) phối hợp với các đồng nghiệp từ các trường đại học Oxford và Texas, đã thử nghiệm thành công trên người vaccine ChAdOx1 Chik ngừa bệnh sốt chikungunya do muỗi Aedes (muỗi vằn) truyền bệnh.
Theo phóng viên TTXVN tại Mexico City, Tổng giám đốc IPN Arturo Reyes Sandoval cho biết với các kết quả thu được, ChAdOx1 Chik hiện là ứng cử viên hàng đầu trong số 4 loại vaccine duy nhất được thực hiện tới giai đoạn thử nghiệm lâm sàng sau hơn 50 năm virus gây bệnh được phân lập và nhận dạng.
Đã có nhiều nỗ lực nghiên cứu phát triển vaccine ngừa căn bệnh truyền nhiễm này song đều chưa thành công.
Vaccine ChAdOx1 Chik sử dụng vector là virus adeno, công nghệ đã được Oxford và AstraZeneca sử dụng để phát triển vaccine ngừa COVID-19.
Kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy, các tình nguyện viên chỉ cần một liều vaccine thấp nhất cũng có thể tạo ra mức kháng thể cao khoảng 14 ngày sau tiêm, và lượng kháng thể vẫn duy trì ở mức cao trong 6 tháng tiếp theo.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí danh tiếng Nature Communications và được đánh giá là một trong 50 công bố quan trọng nhất trong lĩnh vực vi sinh vật học và bệnh truyền nhiễm.
Tương tự như Zika và sốt xuất huyết, bệnh sốt chikungunya chủ yếu lây truyền qua muỗi Aedes.
Bệnh nhân sốt cao đột ngột, đau nhức dữ dội các khớp cổ tay, bàn tay và bàn chân khiến cho người bệnh không thể đi thẳng được.
Căn bệnh này phổ biến ở những vùng nóng ẩm của Mexico, cũng như Trung và Nam Mỹ. Tại Việt Nam, bệnh chikungunya đã được phát hiện từ năm 1975.
Theo TTXVN