Dư địa phát triển cho đất “Chín Rồng”

08/06/2022 - 06:36

Đó là nhận định của Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương trong thảo luận Tổ 4 (kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân, liên quan dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Kết nối, đồng bộ và mấu chốt

Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận, xem xét tờ trình về chủ trương đầu tư 5 dự án xây dựng công trình đường bộ, gồm: Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1); đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh.

Đối với dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có điểm đầu kết nối với Quốc lộ 91 (TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) và điểm cuối tại cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng), tổng chiều dài toàn tuyến hơn 188km. Trong đó, đoạn tuyến qua tỉnh An Giang là 56,7km, TP. Cần Thơ là 37,7km, tỉnh Hậu Giang là 37,7km và tỉnh Sóc Trăng là 56,1km.

Theo thiết kế, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư dự kiến trên 44.690 tỷ đồng, quy mô 4 làn xe, bố trí làn xe dừng khẩn cấp không liên tục. Ước tính, nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 1.205ha với khoảng 1.200 hộ dân bị ảnh hưởng.

Theo Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương, việc triển khai 5 đường cao tốc này đặt ra thách thức rất lớn cho Chính phủ lẫn các địa phương có đường cao tốc đi qua, đòi hỏi phải có sự quyết tâm lớn hơn nữa. Ngoài việc kết nối, còn tạo sự đồng bộ, là mục tiêu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Dự án tạo sự phát triển hài hòa cho các vùng kinh tế trọng điểm, khó khăn.

ĐBSCL có tiềm năng, lợi thế, nhưng chưa được khai thác hết, đời sống bà con còn nhiều khó khăn, bởi mấu chốt quan trọng là hệ thống hạ tầng giao thông. Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giải quyết mấu chốt này, tạo động lực, dư địa, không gian mới cho sự phát triển của ĐBSCL. Nếu như đường cao tốc trở thành hiện thực, bà con được rút ngắn khoảng 12km, thời gian vận chuyển được rút ngắn khoảng 2 giờ đồng hồ. Đây là điều rất quý, được đo đếm hiệu quả kinh tế rõ nét, bằng minh chứng cụ thể.

“Về hướng tuyến, phạm vi, địa điểm đầu tư, tôi thống nhất cao theo dự án Chính phủ đã trình. Hình thức đầu tư công phù hợp nhất trong thời điểm hiện nay, không vướng luật. Khi Quốc hội biểu quyết thông qua, cần quan tâm đặc thù ĐBSCL có nền đất rất yếu, thời tiết mưa lũ... ảnh hưởng tiến độ triển khai dự án. Ngoài xác định tiến độ, lộ trình, thời gian, cần có sự kết nối của các địa phương, bộ, ngành. Đối với việc đầu tư quy mô, 6 làn xe phù hợp hơn dự tính 4 làn xe ban đầu” - bà Trần Thị Thanh Hương bày tỏ.

Tâm thế vào cuộc của An Giang

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trình Lam Sinh khẳng định, nhân dân ĐBSCL đặc biệt quan tâm, hết sức mong muốn dự án được thông qua tại kỳ họp, để phát triển kinh tế khu vực trọng điểm về nông nghiệp, cây ăn trái, thủy sản cả nước. Nếu dự án phát triển thêm cảng biển nước sâu Trần Đề thì càng tuyệt vời, tăng hiệu quả thương mại Việt Nam - Campuchia - Thái Lan, rất mong Chính phủ nghiên cứu để kết nối vào.

Tại kỳ họp chuyên đề gần đây, HĐND tỉnh An Giang đã ban hành nghị quyết phân bổ kinh phí 1.380 tỷ đồng (từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách địa phương do cấp tỉnh quản lý) để tham gia thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Cụ thể, bố trí 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng chung.

Phần còn lại giảm từ phần vốn ngân sách tỉnh đối ứng thực hiện dự án xây dựng hệ thống hồ trữ ngọt gắn với hạ tầng thủy lợi phục vụ liên kết sản xuất tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên (230 tỷ đồng); giảm từ phần vốn ngân sách tỉnh bố trí thực hiện dự án Bệnh viện Mắt -  Tai Mũi Họng - Răng Hàm Mặt tỉnh An Giang (150 tỷ đồng). Tiến độ bố trí vốn năm 2022 là 380 tỷ đồng; năm 2023 là 1.000 tỷ đồng. Trường hợp tăng tổng mức đầu tư (so với quyết định chủ trương đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt), tỉnh An Giang sẽ bố trí đủ số vốn tăng thêm tương ứng từ nguồn ngân sách địa phương.

“An Giang xác định rõ trách nhiệm cùng Chính phủ, bộ, ngành Trung ương tham gia triển khai dự án mang tầm quốc gia. Là tỉnh được thụ hưởng dự án, không có lý gì, chúng tôi không huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành trong tỉnh. Tỉnh chỉ đạo huyện, thị xã, thành phố có đường cao tốc đi qua, phải cam kết nâng cao trách nhiệm; giữ nguyên hiện trạng phục vụ công tác giải tỏa, đền bù. Với kinh nghiệm thực hiện các dự án trước đó, rất mong Trung ương đảm bảo đẩy nhanh tiến độ, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, hướng dẫn và tạo điều kiện cho các địa phương (chủ dự án thành phần) hoàn thành nhiệm vụ được giao” - bà Trần Thị Thanh Hương khẳng định.

Trình bày tờ trình về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1), Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, việc sớm đầu tư 3 dự án là hết sức cấp thiết, nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng cao, giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phát huy tiềm năng, khai thác lợi thế của vùng Tây Nguyên, vùng ĐBSCL.

GIA KHÁNH