Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết thời gian tới, ngành công nghiệp "không khói" Việt Nam sẽ tập trung gắn phát triển du lịch với phát triển xanh, bền vững theo phương châm lấy trải nghiệm của du khách làm trung tâm; gắn việc phát triển du lịch với phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc…
Đặc biệt, nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm phục hồi hoạt động toàn ngành hậu COVID-19 nên giờ đây, du lịch nước nhà cơ bản đã lấy lại tốc độ tăng trưởng như trước khi xảy ra đại dịch, trở thành điểm sáng của nền kinh tế-xã hội.
Sản phẩm độc đáo gắn với văn hóa bản địa
Sau tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, để phục hồi và thúc đẩy phát triển du lịch, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, ngành du lịch đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.
Nhờ đó, năm 2023, tổng số khách du lịch quốc tế đến đạt 12,5 triệu lượt khách, vượt mục tiêu đề ra (8 triệu lượt), đạt mục tiêu đã điều chỉnh; khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt khách, vượt 5,8% so với kế hoạch năm. Tổng thu từ du lịch ước đạt 672 nghìn tỷ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch.
Tính chung 7 tháng năm 2024, tổng lượng khách quốc tế đạt gần 10 triệu lượt (tăng 51% so với cùng kỳ năm 2023) và tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2019; lượng khách nội địa ước khoảng 79,5 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước khoảng hơn 513 nghìn tỷ đồng.
Du lịch Việt Nam nhận giải thưởng “Điểm đến hàng đầu châu Á 2023” và “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á 2023” do tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (WTA) trao tặng. Đây là lần thứ 5 Việt Nam được bình chọn là “Điểm đến hàng đầu châu Á,” điều đó cho thấy sức hút và hấp dẫn của điểm đến Việt Nam…
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, những kết quả đã đạt được là tổng hòa các yếu tố: Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành địa phương trong công tác quản lý nhà nước, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật dịch vụ, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá du lịch; Sự chủ động, sáng tạo của các địa phương, doanh nghiệp trong xây dựng sản phẩm mới, nhất là các sản phẩm trải nghiệm văn hóa đặc sắc của Việt Nam; khai thác hiệu quả các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, khám phá thiên nhiên, sinh thái, du lịch lễ hội, cộng đồng ở tất cả các vùng miền; Chú trọng chất lượng tăng trưởng và tính chuyên nghiệp của ngành du lịch.
Đáng chú ý, toàn ngành đã xây dựng, làm mới và phát triển được các loại hình sản phẩm, dịch vụ du lịch đa dạng, độc đáo với 4 dòng sản phẩm chính: du lịch nghỉ dưỡng, biển đảo; du lịch văn hóa, di sản; du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn; và du lịch đô thị, trên cơ sở lợi thế về tự nhiên, bản sắc văn hóa của từng vùng, miền theo phương châm “Mỗi địa phương một sản phẩm du lịch đặc sắc.”
Điểm sáng của bức tranh kinh tế - xã hội
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa diễn ra tuần qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đánh giá các địa phương như Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Thuận, Khánh Hòa, Cần Thơ... đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo, gắn với giới thiệu sản phẩm OCOP, ẩm thực đường phố, văn hóa nghệ thuật, biểu diễn âm nhạc đường phố… tạo ấn tượng với khách du lịch.
Đây là kết quả đạt được sau khi Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Đề án Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm và hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, phù hợp với thực tiễn của địa phương mình.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhận định du lịch Việt Nam đang phục hồi tích cực sau đại dịch, được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước và đề nghị trong thời gian tới, ngành du lịch cần chú trọng chất lượng tăng trưởng và tính chuyên nghiệp, tăng cường liên kết vùng, liên kết giữa du lịch với các ngành khác trong chuỗi phát triển du lịch.
Theo định hướng của lãnh đạo ngành, du lịch Việt thời gian tới sẽ tập trung gắn phát triển du lịch với phát triển xanh, bền vững theo phương châm “lấy trải nghiệm của du khách làm trung tâm,” phấn đấu năm 2024 Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ chú trọng chất lượng tăng trưởng và tính chuyên nghiệp của ngành du lịch; tăng cường liên kết vùng, liên kết giữa du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị… và đặc biệt chú trọng phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc./.
Chính phủ ban hành nhiều chính sách phát triển du lịch
Đối với lĩnh vực du lịch, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành theo thẩm quyền hơn 20 văn bản để cụ thể hóa Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; cụ thể hóa Luật Du lịch năm 2017 và nhiệm vụ được Quốc hội giao để phục hồi và phát triển ngành du lịch Việt Nam sau đại dịch Covid-19.
“Đến nay, cơ bản hệ thống pháp luật về du lịch và các chính sách trong lĩnh vực này đã bảo đảm minh bạch, khả thi và đáp ứng yêu cầu phát triển,” Phó Thủ tướng Lê Thành Long khẳng định.
Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; các chính sách về miễn giảm thuế, tín dụng, nhập cảnh, quy định về mô hình quản lý các khu du lịch và các khu du lịch quốc gia; ban hành Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; chỉ đạo đổi mới nâng cao hiệu quả công tác thống kê du lịch…