Nông nghiệp kết hợp du lịch
Khi hồ Soài Chek dưới chân núi Cô Tô được xây dựng (thuộc xã Núi Tô, Tri Tôn), mục tiêu ban đầu là chống biến đổi khí hậu, cung cấp nước phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng và cung cấp một phần nước sản xuất cho diện tích ruộng trên của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer (phía dưới hồ).
Tuy nhiên, khi kết hợp cảnh quan hồ Soài Chek, vẻ đẹp tự nhiên, hùng vĩ của Phụng Hoàng Sơn và đồi Tà Pạ gần đó, lại tạo thành 1 khu du lịch với nhiều tiềm năng.
UBND huyện Tri Tôn đã tranh thủ mở rộng tuyến đường kết nối từ trung tâm huyện vào hồ Soài Chek, xây dựng sân đua bò quy mô 5ha, công viên, nhà trưng bày văn hóa Khmer, xây dựng tuyến đường lên đồi Tà Pạ, vòng qua hồ Tà Pạ (hồ trên lưng chừng núi, được hình thành sau quá trình khai thác đá), ngôi chùa cổ nổi tiếng rồi kết nối vào tuyến đường hồ Soài Chek.
Mô hình trồng thử nghiệm dưa lưới gần hồ Soài Chek
Để tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch vào khu Soài Chek, UBND huyện Tri Tôn đề xuất tỉnh quy hoạch nơi đây thành trung tâm du lịch - thể thao địa hình. Trong đó, thể thao là những môn hấp dẫn như: đua bò Bảy Núi, đua xe địa hình…
Đối với du lịch, xây dựng điểm nhấn như: biệt thự vườn, du lịch sinh thái độc đáo, giúp du khách hòa mình với thiên nhiên. Thức ăn, nước uống phục vụ khách được khai thác tại chỗ; quà lưu niệm là những sản vật được canh tác theo hướng hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Theo đó, UBND huyện Tri Tôn đã mời gọi được Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ 0207 (TP. Long Xuyên) đầu tư mô hình dưa lưới ứng dụng công nghệ cao phục vụ du lịch tại ấp Tô Hạ, xã Núi Tô (khu vực gần hồ Soài Chek).
Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ 0207 Nguyễn Văn Hợp cho biết, với mô hình thử nghiệm ban đầu 1.000m2, công ty đầu tư nhà lưới với kinh phí trên 400 triệu đồng (có thể sử dụng được 6 năm); đầu tư giống, chậu và thiết kế giàn đợt đầu trên 40 triệu đồng.
Với 2.900 dây dưa lưới, sau 2,5 tháng canh tác, công ty thu hoạch trên 4 tấn, trọng lượng bình quân mỗi trái trên 2kg. Sản phẩm được 1 doanh nghiệp (DN) ở TP. Hồ Chí Minh bao tiêu với giá 25.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, trong vụ trồng đầu tiên, công ty còn lời trên 60 triệu đồng.
“Đây là thành công ngoài mong đợi của chúng tôi. Công ty đang nghiên cứu mở rộng mô hình, vừa giúp tăng lợi nhuận cho công ty, vừa tạo thêm sản phẩm giá trị cao phục vụ du lịch như mong muốn của huyện” - ông Hợp thông tin.
Cũng tại khu vực Soài Chek, Công ty TNHH MTV Trịnh Văn Phú - DN chuyên về kinh doanh lương thực ở xã Lương An Trà (Tri Tôn), dự kiến đầu tư loại hình du lịch sinh thái, kết hợp trồng lúa hữu cơ để tạo ra loại gạo bổ dưỡng phục vụ tại chỗ và làm quà cho du khách.
Khuyến khích đầu tư
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm cho biết, đối với khu du lịch - thể thao Soài Chek, huyện đang khuyến khích các DN liên kết nông dân canh tác các loại nông sản sạch, hữu cơ để tạo ra sản phẩm phục vụ du lịch. Khi các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng phát triển, du khách có thể trực tiếp tham quan, tham gia vào quy trình canh tác, thu hoạch sản phẩm, tạo thêm tính hấp dẫn cho du lịch. Đối với các khu vực khác, huyện khuyến khích DN, nông dân đầu tư các loại cây ăn trái có giá trị cao, vừa giúp tăng thu nhập cho nông dân, vừa tạo sản phẩm đặc trưng cho huyện.
Điển hình như tại xã Tân Tuyến, từ mô hình trồng nhãn Ido của nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi Nguyễn Thành An (thường gọi Hai Tân), địa phương đã hỗ trợ thành lập Tổ hợp tác trồng cây ăn trái, thu hút đông đảo nông dân tham gia.
Ông Hai Tân cho biết, với 90ha đất nông nghiệp, trước đây ông chủ yếu trồng lúa. Tuy nhiên, nhận thấy giá trị cây lúa không cao, ông đi học tập kinh nghiệm rồi thử nghiệm mô hình trồng nhãn Ido. Ông Hai Tân đã mạnh dạn chuyển đổi 1,5ha đất lúa sang trồng nhãn. Ngay vụ thu hoạch nhãn đầu tiên (năm 2016), thương lái đã vào tận vườn thu mua với giá từ 30.000 - 35.000 đồng/kg, lợi nhuận thu về hơn 150 triệu đồng/ha.
Thấy hiệu quả, ông Hai Tân mở rộng dần diện tích lên 5ha nhãn Ido, trở thành người tiên phong chuyển đổi mô hình trồng nhãn Ido trên vùng đất phèn Tân Tuyến. Ngoài bán nhãn, ông còn chiết nhánh bán cây giống để nhân rộng cho các hộ xung quanh trồng. Đến nay, toàn xã Tân Tuyến đã có 56 hộ trồng loại nhãn này và tham gia vào tổ hợp tác trồng cây ăn trái.
Đến thăm mô hình trồng nhãn Ido của ông Hai Tân, ông Cao Quang Liêm cho rằng, đây là một trong những mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, ứng dụng tốt khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần vào sự phát triển ngành nông nghiệp của huyện.
“Huyện mong muốn có thêm những nông dân năng động, sáng tạo, mạnh dạn chuyển đổi mô hình hiệu quả để tăng giá trị canh tác trên cùng diện tích, thúc đẩy nông nghiệp của huyện phát triển” - ông Cao Quang Liêm kỳ vọng.
NGÔ CHUẨN