Đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống

09/09/2021 - 08:14

 - Nghị quyết và các văn kiện của Đại hội XIII của Đảng là sự tổng kết sâu sắc lý luận và thực tiễn, kết tinh trí tuệ, ý chí và nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Ngày 13-8-2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang cụ thể hóa và ban hành Chương trình hành động 07-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang yêu cầu các cấp ủy Đảng xác định những nội dung trọng tâm, trọng điểm cụ thể hóa nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng phù hợp với đặc điểm tình hình và điều kiện thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị, thể hiện sự quyết tâm, sáng tạo và bảo đảm tính khả thi, thiết thực, hiệu quả. Kết quả thực hiện chương trình hành động là cơ sở quan trọng để kiểm điểm, đánh giá tập thể cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị hàng năm và cả nhiệm kỳ. Đồng thời, chọn giải pháp đột phá, vấn đề nổi cộm, bức xúc cần giải quyết, xác định mục tiêu chiến lược, cụ thể hóa bằng các đề án, kế hoạch có thời gian hoàn thành, có người chủ trì, có chế độ kiểm tra, giám sát và báo cáo thường xuyên, thực hiện tinh thần “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Quá trình tổ chức thực hiện gắn với triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh và các chỉ thị, nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát; bổ sung, cập nhật chủ trương, nhiệm vụ mới đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn; đề cao tinh thần chủ động, quyết tâm, đổi mới sáng tạo, bảo đảm chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị ở từng cấp độ, từng ngành.

Phấn đấu đến năm 2025, kinh tế An Giang thuộc nhóm đầu khu vực ĐBSCL. Ảnh: THANH HÙNG

Chương trình hành động đã đề ra nhiều mục tiêu. Theo đó, tạo sự nhất thống cao về nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành, đoàn thể và cán bộ, đảng viên, nhân dân trong nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh. Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ và hiệu quả quản lý của chính quyền; phát huy dân chủ, kỷ cương; khai thác mạnh mẽ lợi thế so sánh của địa phương trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; giữ vững quốc phòng, an ninh. Phấn đấu đến năm 2025, kinh tế An Giang thuộc nhóm đầu khu vực ĐBSCL và đạt mức trung bình cả nước; đến năm 2030 đạt trên mức trung bình cả nước. Tập trung thực hiện có hiệu quả 3 khâu đột phá: đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp và du lịch; nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ; cải thiện hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhằm phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn.

Để thực hiện đạt những mục tiêu trên, chương trình hành động đề ra các nhiệm vụ, giải pháp lớn. Về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, sẽ tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ. Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội…

Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Ảnh: H.C

Song song đó, giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo công tác quân sự, quốc phòng và an ninh; củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, sẵn sàng chiến đấu cao. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và đấu tranh phòng, chống tội phạm. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Để vận dụng, triển khai nghị quyết vào cuộc sống có hiệu quả, đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu nêu cao ý thức trách nhiệm, chủ động, tự giác, phát huy tinh thần sáng tạo, tránh giáo điều, rập khuôn, máy móc. Đồng thời, phát huy sức mạnh sáng tạo to lớn của các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và của tỉnh.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết. Theo đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và nhân dân trong tỉnh phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng tham gia phòng, chống dịch, tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng, bảo vệ sức khỏe, tính mạng và chăm lo tốt nhất cho đời sống của nhân dân.

THU THẢO