Đưa Quy hoạch tổng thể quốc gia vào đời sống

01/06/2023 - 04:49

 - Xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia nhằm đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, tiếp tục phát huy thành tựu, khắc phục hạn chế trong phát triển, tổ chức không gian phát triển đất nước thời gian qua; phù hợp xu thế phát triển quốc tế.

Cơ hội, động lực phát triển

Ngày 9/1/2023, Nghị quyết 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ra đời. Nghị quyết nêu rõ, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam là nước phát triển, thu nhập cao, có thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; quản trị xã hội trên nền tảng xã hội số hoàn chỉnh.

Giai đoạn 2021 - 2030, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước bình quân khoảng 7%/năm. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD. Trong đó, vùng ĐBSCL phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 6,5 - 7%/năm (5 vùng còn lại từ 7 - 9%/năm).

Hình thành, phát triển vùng động lực ĐBSCL (bao gồm TP. Cần Thơ, các địa bàn cấp huyện của tỉnh An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp) gắn với khu vực kết nối các tuyến đường cao tốc (cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Vĩnh Long, cao tốc An Hữu - Cao Lãnh, cao tốc Bắc - Nam phía Tây từ Cao Lãnh đến Rạch Sỏi) và TP. Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang); TP. Cần Thơ là cực tăng trưởng. Giai đoạn sau năm 2030, tiếp tục mở rộng phạm vi của vùng động lực gắn với cảng biển Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng).

Quy hoạch tổng thể quốc gia mở ra cơ hội, động lực phát triển mới để đạt mục tiêu, khát vọng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định (đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao). Quá trình lập Quy hoạch tổng thể quốc gia được thực hiện đúng Luật Quy hoạch, huy động sự tham gia của bộ, ngành, địa phương, viện nghiên cứu, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước… thông qua nhiều hội thảo khoa học, hội nghị tham vấn tổ chức quốc tế, tham khảo kinh nghiệm quốc tế.

Đồng thời, được hoàn thiện trên cơ sở nghiêm túc tiếp thu Kết luận 45-KL/TW, ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia; tiếp thu, giải trình ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Thông báo 1882/TB-TTKQH, ngày 22/12/2022 và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, đây là căn cứ pháp lý, công cụ quan trọng giúp nhà nước hoạch định, kiến tạo động lực, không gian phát triển, bảo đảm tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh. Hay nói cách khác, Quy hoạch tổng thể quốc gia là căn cứ để lập Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Quy hoạch ngành quốc gia, Quy hoạch vùng, Quy hoạch địa phương. Đồng thời, loại bỏ quy hoạch chồng chéo, cản trở phát triển, gây khó khăn cho việc huy động nguồn lực của doanh nghiệp, người dân; phát huy tối đa nguồn lực đầu tư, phát triển với tầm nhìn dài hạn, tổng thể.

Hiểu để đồng thuận

Chỉ khi hiểu rõ, đồng thuận với ý nghĩa, tầm quan trọng của Quy hoạch tổng thể quốc gia, cán bộ, đảng viên, nhân dân mới tham gia tích cực, trách nhiệm vào quá trình triển khai quy hoạch; cùng chính quyền, cơ quan nhà nước các cấp xử lý vấn đề phát sinh. Hệ thống tuyên giáo từ Trung ương đến địa phương đã xây dựng hướng dẫn tuyên truyền về nội dung lớn này.

Theo Ban Tuyên giáo Trung ương, không tuyên truyền Quy hoạch tổng thể quốc gia một cách riêng lẻ, mà phải gắn với tuyên truyền nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, tiến độ triển khai chương trình, dự án quan trọng quốc gia, quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia, quy hoạch địa phương; góp phần giám sát việc thực hiện, bảo đảm thống nhất với Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Cụ thể, tuyên truyền về quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển, nhiệm vụ trọng tâm, các định hướng phát triển, giải pháp thực hiện của Quy hoạch tổng thể quốc gia. Trong đó, tập trung tuyên truyền 5 quan điểm phát triển (nhất là về phát triển nhanh, bền vững, dựa chủ yếu vào khoa học - công nghệ; phát huy tối đa lợi thế của quốc gia, vùng, địa phương; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, là yếu tố quyết định…). Đồng thời, tuyên truyền 5 quan điểm về tổ chức không gian phát triển, 13 giải pháp phát triển; giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch…

Tại An Giang, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị Huyện, Thị, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy quán triệt, tuyên truyền Quy hoạch tổng thể quốc gia tới cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên bằng hình thức phù hợp. Phải xem đây là nhiệm vụ quan trọng, cần được nhận thức đầy đủ, thực hiện nghiêm túc trong nhiệm vụ chuyên môn. Từng sở, ngành, đơn vị, địa phương, cơ quan báo chí giữ trọng trách tuyên truyền khác nhau, nắm bắt dư luận xã hội xung quanh việc triển khai quy hoạch.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Thành Sĩ nhấn mạnh, ngoài chủ động thông tin chính thống, tích cực, góp phần định hướng tư tưởng, dư luận, ngành chức năng cần rà soát, xử lý nghiêm trường hợp đăng tải thông tin sai chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về quy hoạch; hoặc phản ánh không đúng bản chất, sự thật, tình hình thực hiện quy hoạch của bộ, ngành, địa phương.

Quy hoạch tổng thể quốc gia là nhiệm vụ chính trị quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, cơ bản, lâu dài, nhưng cũng là vấn đề rất rộng lớn, rất mới, rất khó, rất nhạy cảm, chưa có tiền lệ; là quy hoạch quy mô lớn, bao trùm mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội và được lập cho 10 năm, thể hiện “Tư duy mới - Tầm nhìn mới - Cơ hội mới - Giá trị mới”.

AN KHANG