Bạn sinh ra trong một gia đình không có điều kiện, phải chịu nhiều áp lực để có thể vươn lên?
Đừng buồn! Những đứa trẻ con nhà giàu rất khó khăn trong việc rèn luyện ý chí. Chúng có của cải cha mẹ để sẵn. Chúng có điều kiện và đôi khi đã quen với việc được hưởng thụ. Chúng quen với những ưu thế tạo ra từ vật chất. Điều kiện để chúng rèn luyện bản lĩnh và ý chí vốn dĩ là ít hơn bạn. Đó chính là sự cân bằng của cuộc sống.
Khi bạn khóc, bụt sẽ không hiện ra. Vì vậy, bạn cần phải mạnh mẽ. (Ảnh minh họa: B.T)
Bạn bước vào làm ăn và gặp thất bại trong lần đầu. Đừng buồn! Khôn ngoan của con người chỉ có thể học được qua một vài cú ngã. Ngã càng đau, những trải nghiệm càng khắc sâu vào trí nhớ.
Vươn lên trong đời đâu dễ dàng gì. Những điều vững bền đâu ngẫu nhiên mà xảy đến với ai. Vậy thì tại sao phải buồn khi bạn “thất bại” hay “vấp ngã”? Tại sao bạn phải buồn trước những điều mà bản thân hiển nhiên phải trải qua trên bước đường đời?
Đừng buồn khi bạn là người không được chọn. Trong tình cảm, công việc hay quan hệ cũng thế. Đời này tồn tại thứ gọi là “nhân duyên”. Có đôi khi ta rất yêu thích hoặc quý mến một người, một thứ, nhưng cũng chỉ đi cùng con người hay sự việc đó được một thời. Huống chi là một công việc hay một tâm hồn còn xa lạ.
Người ta không chọn bạn, chính là để bạn đến với một nhân duyên khác. Người ta đang giúp bạn nhận ra bản thân mình tốt hơn, tìm thấy những thứ phù hợp hơn.
Chẳng có gì phải buồn cả. Ở đời, may mắn hay không may mắn; chuyện đáng buồn hay đáng mừng, tất cả phần lớn là do cách nghĩ. Như ban đầu đã nói: cuộc đời này rất cân bằng! Kẻ hạnh phúc là kẻ đã từng đi qua và nếm trải rất nhiều khổ đau. Kẻ đột phá là kẻ đã dấn thân và trải nghiệm nhiều nỗi cay đắng.
Cuộc đời này nghiệt ngã là thế, công bằng là thế, bạn buồn thì được gì? Bạn buồn thì liệu cuộc đời nó có thương cảm và dành sự ưu tiên cho bạn.
Con người nhiều khi không chết vì khó khăn mà chết vì tư duy cô Tấm. Không! Khi bạn nức nở khóc, bụt sẽ không hiện ra. Chính vậy mà chúng ta cần mạnh mẽ!
Theo BẢO BẢO (Lao Động Thủ Đô)