Đừng đánh mất cơ hội vì thiếu tự tin

30/04/2018 - 14:33

Nhiều sinh viên từ quê mới lên thành phố, thường tự ti, sợ bị xem thường nên không dám bắt chuyện, không dám kết nối cũng như xây dựng mối quan hệ. Từ đó đánh mất nhiều cơ hội trong học tập lẫn cuộc sống.

Nhiều sinh viên tự tin ra công viên kết nối với người nước ngoài để học tiếng Anh - Ảnh: HOA NỮ

'Sợ bị coi là quê mùa'

Nguyễn Thị Quỳnh Như, sinh viên (SV) Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, tâm sự: “Mình là một cô gái nhà quê, chưa thay đổi bản thân để hiện đại như các bạn thành phố, nên mình rất sợ sẽ bị coi là quê mùa khi bắt chuyện. Cũng chính vì từ năm nhất mới bước chân vào giảng đường, mình thường mang tâm lý đó nên không dám kết bạn hay trò chuyện với ai cả”.

Nhưng rồi Như nhận ra: “Cuộc sống mà như thế là tự mình làm hại bản thân mình. Nhất là năm nhất mới vừa xa gia đình, phải cần nhiều bạn bè để trò chuyện và chia sẻ cho khuây khỏa. Nhưng thật sự lúc đó mình không thoát ra được sự tự ti của bản thân, rồi nhút nhát, rụt rè đủ thứ. Suốt ngày chỉ biết về phòng khóc một mình vì nhớ nhà".

Cũng giống tâm trạng của Như, Hoàng Thị Minh Nguyệt, SV Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, chia sẻ: “Nếu cho em được quay lại từ đầu thì em sẽ không bao giờ thiếu tự tin vào bản thân như vậy. Nhưng em nghĩ đấy là tâm lý chung của rất nhiều sinh viên từ tỉnh lẻ mới lên thành phố. Đặc biệt là những bạn “quê” đúng chất “quê” như em”.

Nguyệt nhớ lại: “Em chưa bao giờ dám đưa tay phát biểu vì sợ đứng lên nói giọng địa phương thì các bạn sẽ chọc. Lúc đó mới vào thành phố, em chưa thay đổi để nói được giọng phổ thông. Chính vì thế, nhiều khi có thắc mắc em cũng không mạnh dạn hỏi giảng viên. Rồi những buổi tụ tập đi chơi cùng lớp, em cũng ngại đi vì sợ mình quê mùa, không bắt kịp được những trò chơi hay phong cách ăn chơi của các bạn thành phố”.

Chưa biết cách tạo lập mối quan hệ

Đây cũng là vướng mắc mà nhiều SV năm nhất trăn trở. Trương Minh Châu, SV Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, tâm sự: “Bản thân từ lúc mới vào trường đến bây giờ là gần được một học kỳ nhưng em chưa thể nào kết nối được với các anh chị khóa trên để học hỏi kinh nghiệm hay có bài tập gì có thể trao đổi, nhờ giúp đỡ. Em nghĩ đây là cách tự học tốt nhất nhưng lúc nào cũng ngần ngại khi mở lời với các anh chị đi trước. Không biết làm sao để em tự tin hơn”.

“Xã hội bây giờ thì làm việc gì cũng cần năng động, tự tin và có nhiều mối quan hệ. Thế nhưng, mình thấy bản thân chẳng có một chút năng khiếu nào về giao tiếp. Nhiều bạn đã có thể kết nối được với các doanh nghiệp từ lúc còn năm 2, năm 3, rồi đi làm thêm lấy kinh nghiệm. Như thế khi ra trường cơ hội việc làm sẽ rộng mở, thậm chí được tuyển thẳng vào làm tại các doanh nghiệp đó. Mình rất ngưỡng mộ những bạn SV năng động như vậy”, Đặng Nguyễn Tuấn Phát, SV Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, chia sẻ.

"Biến mình thành thỏi nam châm”

Theo chuyên viên tâm lý Chế Dạ Thảo, muốn thu hút và kết nối mối quan hệ thì phải tự biến mình thành thỏi nam châm hút mọi người lại vì không phải ai sinh ra cũng có sự thu hút. Đôi khi việc thu hút một ai đó thì chỉ cần một việc làm nhỏ như lượm một cây bút, một cái gật đầu chào thân thiện, một nụ cười… cũng có thể kết nối được mối quan hệ.

“Quan trọng hơn để tự tin khi kết nối quan hệ là biết mình mạnh chỗ nào. Mạnh ngoại hình, mạnh giọng nói, đặc biệt phải biết tạo dấu ấn riêng bằng những câu nói cho bản thân. Chúng ta nên cần khắc phục, triệt tiêu những điều cản trở mỗi khi muốn bắt chuyện với ai đó. Như vậy cũng đủ để chúng ta kết nối dễ dàng hơn với người khác”, bà Thảo khuyên.

Còn theo thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An, giảng viên tâm lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, rụt rè là tâm lý chung vì các bạn trẻ mới hòa nhập vào môi trường mới thì ít nhiều cần có thời gian để thích nghi.

“Các bạn phải tập làm quen với môi trường học đại học, với thầy cô và bạn bè. Nếu rụt rè trong học tập, các bạn không dám chủ động phát biểu ý kiến cá nhân,... năng lực cá nhân không được phát huy tối đa, hiệu quả học tập sẽ bị ảnh hưởng. Khi có vấn đề không hiểu trong học tập SV rụt rè không kết nối được với thầy cô để được hỗ trợ những điều không hiểu thì lại là một thiệt thòi”, ông An nhận định.

Ông An cũng nói thêm: “Chúng ta không thể sống, làm việc một mình mà cần có sự kết nối và đừng đánh mất cơ hội vì thiếu tự tin. Thời đại 4.0 đòi hỏi bạn trẻ phải có bản lĩnh, khả năng, chính vì vậy người trẻ muốn kết nối tốt cần phải trau dồi cho mình kỹ năng thiết lập mối quan hệ, kỹ năng giao tiếp và làm chủ bản thân. Phải loại bỏ tư tưởng nhà quê trong suy nghĩ, tư tưởng này là bức tường lớn cản trở quá trình kết nối. Thích nghi với môi trường mới, các bạn cần tham gia các khóa học về kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thiết lập mối quan hệ,... thông qua các lớp này để trau dồi thêm các kỹ năng sống cần có và quan trọng hơn là tự tin hơn trong cuộc sống”.

Theo Thanh Niên