Dùng y dược cổ truyền để phòng COVID-19

19/10/2021 - 17:43

 - Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định 4539/QĐ-BYT về việc hướng dẫn tạm thời sử dụng y dược cổ truyền để phòng, chống dịch COVID-19. Quyết định kèm tài liệu hướng dẫn được áp dụng cho tất cả cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc.

Theo y học cổ truyền, tác nhân gây bệnh COVID-19 xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp trên, giai đoạn đầu tập trung chủ yếu ở vùng mũi họng. Vì vậy, việc sử dụng một số phương pháp y học cổ truyền kết hợp với các phương pháp phòng bệnh khác theo quy định sẽ hạn chế lây nhiễm và phòng ngừa bệnh. Khi không dùng thuốc, người dân có thể tập thở bụng theo nhịp điệu: êm, nhẹ, đều, chậm, sâu, dài; thở ngực theo nhịp điệu êm, nhẹ, đều, chậm, sâu, dài và hít vào ngực nở, bụng lép, thở ra ngực lép, bụng hơi phồng.

Ngoài ra, người dân có thể tự xoa bóp toàn thân (tập hàng ngày 10-15 phút/lần, 2-3 lần/ngày vào sáng, chiều, tối): ngồi xếp bằng, hoa sen, trên ghế; lưng thẳng; mặt nhìn thẳng; xát nóng 2 lòng bàn tay với nhau và dùng 2 tay xoa bóp cơ thể, làm từ trên xuống dưới theo hướng dẫn. Trong trường hợp đang dùng thuốc, người dân có thể dùng sả, chanh, bạc hà, húng quế, gừng, tỏi, lá bưởi, kinh giới, tía tô, tràm gió… để xông phòng ở, nơi làm việc...

Theo hướng dẫn, người dân có thể dùng 1 loại dược liệu hoặc phối hợp nhiều loại dược liệu, mỗi loại 200-400gr, tùy theo diện tích phòng. Cho dược liệu vào nồi, đổ nước ngập dược liệu, đậy nắp nồi, đun sôi lăn tăn, mở nắp để hơi nước bão hòa tinh dầu khuếch tán ra không gian phòng, tiếp tục để nhỏ lửa đun sôi thêm 30 phút, đóng cửa phòng khoảng 20 phút. Ngày làm 2 lần, sáng và chiều. Hoặc có thể sử dụng tinh dầu, hương sả, chanh, bạc hà, hương nhu, bưởi, tràm, quế... đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành. Tùy theo diện tích phòng (10-40m2) lấy lượng tinh dầu phù hợp (2-4ml), hòa tan tinh dầu trong ethanol 75%, lắc đều, cho vào bình xịt phun sương, xịt quanh phòng, đóng cửa phòng khoảng 20 phút, ngày xịt 2-3 lần.

Bộ Y tế cũng lưu ý, không được xông trực tiếp vào người; không xông tinh dầu trong phòng ngủ có trẻ em dưới 30 tháng tuổi, trẻ em có tiền sử co giật do sốt cao, động kinh, người có dị ứng với tinh dầu. Hướng dẫn trên cũng không áp dụng đối với trẻ em. Riêng đối với phụ nữ mang thai, trong quá trình điều trị cần chú ý những thay đổi sinh lý khi mang thai. Để phòng bệnh bằng y học cổ truyền, có thể sử dụng dung dịch nguồn gốc dược liệu (tác dụng tuyên phế lợi họng, thuốc cổ truyền) để súc họng, xịt mũi họng, xông mũi họng nhằm làm sạch đường hô hấp trên. Hoặc lựa chọn sử dụng một số dược liệu, thuốc cổ truyền nhằm bồi bổ chính khí, nâng cao thể trạng, như: hoài sơn, trần bì, hoàng kỳ, bạch linh, bạch biển đậu, đảng sâm, thái tử sâm, ý dĩ nhân, cam thảo… Ngoài ra, Bộ Y tế còn lưu ý người có bệnh lý nền cần tuân thủ theo tư vấn và chỉ định của thầy thuốc. Với những người có thể trạng béo, bệu thì phải dùng kiện tỳ trừ thấp.

Theo quan niệm của y học cổ truyền, bệnh COVID-19 là “ôn dịch” của học thuyết “Ôn bệnh học”, có tên “Cảm mạo ôn bệnh”. COVID-19 là một loại bệnh ngoại cảm có tính truyền nhiễm, lây lan mạnh trong cộng đồng. Nguyên nhân chủ yếu do cảm thụ các yếu tố “dịch lệ”, thường xuất hiện theo mùa (thời hành dịch độc), vào cuối đông, đầu xuân. Ngoài ra, thời tiết bất thường cũng là điều kiện thuận lợi phát sinh bệnh. Theo nguyên lý y học cổ truyền, cùng với các biểu hiện lâm sàng, cận lâm sàng của bệnh, cho thấy vị trí gây bệnh của COVID-19 là ở tạng “phế, tỳ” (hô hấp, tiêu hóa), thuộc tính của nguyên nhân gây bệnh là “thấp độc” (các yếu tố dịch bệnh trong môi trường ẩm thấp).

Tùy theo chính khí của mỗi người hoặc phối hợp thêm các nguyên nhân, như: nhiệt, thấp, đàm... mà thời gian phát bệnh, nhiều thể bệnh và mức độ bệnh lý nặng, nhẹ khác nhau trên lâm sàng. Phòng, chống dịch COVID-19 theo quan niệm y học cổ truyền là một phần không thể tách rời của hệ thống y tế Việt Nam. Y học cổ truyền luôn thể hiện vai trò của mình trong việc phòng và hỗ trợ điều trị viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra. Với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, mỗi người dân cần nâng cao sức khỏe của bản thân và vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ.

Hiện nay, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều địa phương trên cả nước. Vì vậy, để phòng, chống dịch bệnh, bên cạnh thực hiện nghiêm túc khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế, các bác sĩ y học cổ truyền khuyên người dân nên áp dụng kiến thức, phương pháp y học cổ truyền để duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình. Ngoài ra, việc triển khai nhân rộng tiêm chủng vaccine COVID-19 là giải pháp hiệu quả để phòng ngừa dịch bệnh lây nhiễm trong cộng đồng.

K.N