Gần 39.800 ha cây trồng bị ngập úng do ảnh hưởng mưa bão

26/07/2024 - 08:30

Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Đến 16 giờ ngày 25/7, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ có 39.772,7 ha cây trồng bị ngập úng, tăng 16.614,2 ha so với ngày 24/7.

Chú thích ảnh

Tận dụng nước vừa rút, người dân xã Nghĩa An (Nam Trực, Nam Định) dặm, cấy lại lúa để bảo đảm khung thời vụ. Ảnh: Công Luật/TTXVN

Địa phương có diện tích cây trồng bị ngập úng lớn như: Hà Nội 14.534 ha, Nam Định 12.781 ha, Thái Bình 3.350 ha, Hà Nam 5.933,7 ha, Hưng Yên 1.826 ha, Ninh Bình 1.034 ha, Bắc Giang 274 ha, Điện Biên 40 ha.

Theo Cục Thủy lợi, các địa phương đã vận hành 602 trạm với 2.492 máy bơm, 27 cống để tiêu úng. Hiện mực nước hạ du sông Hồng vẫn ở mức cao do các hồ thủy điện vận hành xả lũ, làm ảnh hưởng đến hiện quả tiêu úng của các cống tiêu vùng ven biển. Dự kiến, các công trình thủy lợi vận hành sẽ giảm diện tích ngập úng trong vài ngày tới, sau khi đợt mưa lớn kết thúc.

Ngày 25/7, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký ban hành Công điện số 5329/CĐ-BNN-ĐĐ gửi Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình về việc đóng 1 cửa xả đáy hồ thủy điện Hòa Bình.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình đóng 1 cửa xả đáy hồ thủy điện Hòa Bình vào hồi 18 giờ ngày 25/7.

Cùng ngày, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản số 5330/BNN-ĐĐ gửi UBND các tỉnh, thành phố: Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình.

Để đảm bảo an toàn cho công trình và các hoạt động ven sông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh các tỉnh, thành phố nêu trên thông báo đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông biết thông tin để chủ động các biện pháp đảm bảo an toàn và điều chỉnh hoạt động cho phù hợp; không để người dân đến những khu vực có nguy cơ sạt lở, công trình đang thi công, tránh những thiệt hại đáng tiếc.

Theo Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 còn gây thiệt hại 44 ha thuỷ sản; 44 con gia súc, trên 7.700 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 54 công trình thuỷ lợi bị hư hỏng, ảnh hưởng…

Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai cũng cảnh báo, mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục lên và đạt mức 6,5m, dưới báo động (BĐ) 1 là 3 vào sáng ngày 26/7. Mực nước các sông suối tại tỉnh Sơn La, Hòa Bình sẽ xuống dần; mực nước trên các sông nhỏ thuộc tỉnh Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam và thành phố Hà Nội tiếp tục lên và dao động ở mức BĐ1-BĐ2, khu vực cửa sông ven biển có khả năng đạt mức BĐ1-BĐ2; thượng nguồn sông Mã (tỉnh Thanh Hóa) có khả năng lên mức BĐ1.

Trước tình hình ngập úng trên, Cục Thủy lợi đề nghị ngành nông nghiệp các tỉnh, thành phố trực thuộc khu vực tổ chức khoanh vùng, xác định diện tích có nguy cơ bị ngập lụt, úng và có phương án ứng phó cụ thể phù hợp với đặc điểm địa hình, dự báo tình hình mưa và năng lực công trình tiêu úng; lưu ý chuẩn bị kỹ phương án tiêu úng phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cây trồng.

Các đơn vị theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo mưa, lũ, vận hành hồ chứa thủy điện của các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền để thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, phòng, chống ngập lụt, úng cho sản xuất nông nghiệp.

Đặc biệt chú trọng tổ chức bơm tiêu nước đệm trong hệ thống công trình thủy lợi phù hợp với thông tin dự báo mưa, diễn biến mực nước thủy triều khi có mưa lớn nguy cơ gây ngập lụt, úng phải khẩn trương vận hành công trình thủy lợi để tiêu nước.

Do ảnh hưởng của cơn bão số 2, tại Hà Nội đã xảy ra mưa to đến rất to, lượng mưa lớn nhất đo được tại huyện Ứng Hòa đạt 231 mm. Mưa lớn đã khiến mực nước sông Đáy (đoạn cầu Ba Thá, xã Viên An, huyện Ứng Hòa) đạt báo động lũ cấp I; sông Tích (đoạn huyện Quốc Oai và Thạch Thất) đạt báo động lũ cấp III; sông Bùi (đoạn huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức) đạt báo động lũ cấp III; sông Nhuệ (đoạn quận Hà Đông) đạt mức 5,44 m...

Một người ở huyện Quốc Oai tử vong vì lũ cuốn trôi khi đi qua tràn Vai Trại (xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai); 600 m đê Bùi 2 (đoạn xã Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ) bị tràn; 20 m bờ kênh Cổ Đô - Vạn Thắng (huyện Ba Vì) bị sụt lún; trạm bơm Vân Đình (huyện Ứng Hòa) và Nhân Lý (huyện Chương Mỹ) bị sự cố về điện...

Bên cạnh đó, nhiều tuyến phố, khu dân cư ven các sông Nhuệ, Bùi, Tích, Đáy thuộc địa bàn các quận, huyện Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Trì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ... bị úng ngập. Mưa lũ lớn còn làm 5.257 ha lúa, 1.184 ha rau màu, 124 ha cây ăn quả bị úng ngập, 460 ha nuôi trồng thủy sản bị tràn bờ, 1.300 gia cầm bị ảnh hưởng...

Chương Mỹ là địa phương bị ảnh hưởng nặng trong đợt mưa lũ này, khi có tới 10 thôn, xóm bị úng ngập, ảnh hưởng 94 hộ dân với 773 nhân khẩu bị ngập lụt, 25km giao thông nông thôn bị úng ngập, 105 m tường bao bị đổ, sạt lở...

Ông Đỗ Hoàng Anh Châu, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, huyện đã huy động 2.005 người, 62 phương tiện, 1.615 m3 đất, cát và 20.500 bao tải bảo vệ đê, hỗ trợ người dân di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn.

Các công ty thủy lợi thành phố Hà Nội đã vận hành 203 trạm bơm với 761 tổ máy tiêu úng; trong đó, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ vận hành 5-7 tổ máy bơm... Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội vận hành các trạm bơm tiêu: Yên Sở, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế; mở phai các hồ điều hòa: Thiền Quang, Bảy Mẫu, Tân Mai, Đống Đa...

Để ứng phó với mưa to gây ngập úng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã phối hợp các đơn vị kiểm tra, chỉ đạo vận hành hệ thống tiêu úng cho lưu vực sông Nhuệ tại các trạm bơm: Yên Nghĩa, Cầu Ngà, cống Đìa…

Đối với lưu vực sông Nhuệ, Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ theo dõi chặt chẽ mực nước sông, vận hành tối đa tổ máy để giảm mực nước sông Nhuệ, kéo giảm tình trạng úng ngập khu dân cư ven đô. Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội vận hành linh hoạt Trạm bơm tiêu Yên Sở, đập Thanh Liệt...

Ông Nguyễn Anh Sơn, Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Đông cho biết, đơn vị đã chủ động vận hành các tổ máy Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa ngay khi có thông tin về dự báo mưa lớn… Hiện xí nghiệp đang tập trung nhân lực, vận hành tối đa công suất trạm bơm khi đủ điều kiện.

Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ thông tin, đơn vị đang vận hành 106 trạm bơm với 468 tổ máy bơm để giảm úng ngập cho lưu vực sông Nhuệ.

Theo TTXVN