Gắn sao OCOP trong lòng người tiêu dùng

12/12/2023 - 06:26

 - Sau 5 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, toàn tỉnh An Giang có 92 sản phẩm OCOP (2 sản phẩm 5 sao – cấp quốc gia; 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 15 sản phẩm 4 sao; 72 sản phẩm 3 sao) của 62 chủ thể kinh tế. Chương trình góp phần xây dựng, phát triển thương hiệu, gia tăng giá trị sản phẩm nông sản có lợi thế, nâng cao thu nhập người dân, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Khẳng định thương hiệu

Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh An Giang đã khẳng định được vị thế và chỗ đứng trên thị trường, nhiều hợp đồng liên kết, tiêu thụ sản phẩm được ký kết. Đặc biệt, với những nỗ lực không ngừng trong việc nâng cao chất lượng, nhiều sản phẩm OCOP đã đem lại giá trị cũng như niềm tin của người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Tiêu biểu trong số đó là 2 sản phẩm OCOP được gắn 5 sao - cấp quốc gia của Công ty TNHH MTV Lương thực Thoại Sơn (gạo thơm đặc sản Thiên Vương và gạo ngon Tiến vua Tiên Nữ); 3 sản phẩm OCOP 4 sao của Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco): Cá linh kho mía, mắm cá linh chưng, bắp non đóng hộp...

Tổng Giám đốc Công ty Antesco Nguyễn Hoàng Minh chia sẻ: “OCOP là một chương trình rất độc đáo, mang người tiêu dùng đến với những sản phẩm đặc trưng vùng miền. Công ty có 3 sản phẩm về mắm cá đạt 4 sao. Tại phòng trưng bày của Antesco, công ty không chỉ trưng bày các sản phẩm riêng của Antesco, mà chúng tôi trưng bày tất cả các sản phẩm của tỉnh An Giang và khu vực ĐBSCL”.

Trước thắc mắc của khách hàng tại sao Antesco đang xuất khẩu mà lại tập trung làm một số sản phẩm OCOP, ông Nguyễn Hoàng Minh giải thích: “Chúng tôi đang tiến hành làm 2 sản phẩm với tiêu chuẩn 4 sao để tham gia OCOP, mà 2 sản phẩm này khi ra thế giới họ đều biết tới Antesco, đó là bắp non và đậu nành rau. Thế giới dùng được thì chúng tôi muốn đem những sản phẩm chất lượng này đến với người tiêu dùng của Việt Nam”.

Quảng bá sản phẩm OCOP

Đánh thức lợi thế nông thôn

Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, đến nay, Chương trình OCOP ở An Giang đã có những tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường. Khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị”, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch.

Thông qua Chương trình OCOP, nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, đặc biệt là bảo tồn và phát triển nhiều làng nghề truyền thống. Hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền. Sản phẩm OCOP đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu thị trường.

Sự khác biệt rõ rệt, nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP so những sản phẩm khác là ở chỗ, mỗi sản phẩm là câu chuyện hấp dẫn, thú vị về sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và chủ thể trong việc khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Các sản phẩm OCOP còn hàm chứa giá trị văn hóa, giá trị nhân văn thấm đẫm, là những đổi mới, sáng tạo trong tư duy, phương thức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của chủ thể.

Bác sĩ Vũ Minh Tú (Giám đốc Công ty TNHH MTV TM&DV Thái Minh Nguyên, huyện Chợ Mới) chia sẻ: “Công ty chúng tôi chuyên trồng và sản xuất trà kim ngân hoa. Để gắn sao trong lòng người dân, chúng tôi đã đầu tư, sản phẩm có bước tiến vượt bậc, hoàn thiện mẫu mã bao bì và chất lượng sản phẩm đạt các chứng nhận về an toàn thực phẩm, OCOP, ISO, FDA, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực phía Nam, tăng độ tin cậy với người tiêu dùng”.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Tú, người tiêu dùng chưa am hiểu về chất lượng sản phẩm OCOP, nên còn e ngại. Mặt khác, kim ngân hoa là sản phẩm dược liệu dùng làm thuốc y học cổ truyền lâu đời, nhưng là sản phẩm mới trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe chủ động, nên cần đầu tư để quảng bá hình ảnh, tính năng, đặc biệt cần có cơ sở khoa học chứng minh kim ngân hoa trồng tại An Giang có dược tính hỗ trợ điều trị bệnh.

Mang tâm huyết quảng bá sản phẩm OCOP còn có sự đồng hành tích cực của các doanh nghiệp, như: Siêu thị Tứ Sơn (TP. Châu Đốc), chuỗi cửa hàng nông sản an toàn Phan Nam của Công ty TNHH MTV TMDV Phan Nam (TP. Long Xuyên); cửa hàng thuộc Công ty Antesco, cửa hàng thuộc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp tỉnh...

Khắc phục hạn chế

Bên cạnh kết quả đạt được, Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho rằng, cần nhìn nhận thẳng thắn những khó khăn, tồn tại và có giải pháp khắc phục để phát triển sản phẩm OCOP bền vững. Thực tế cho thấy, triển khai thực hiện OCOP không thể nóng vội, phải bền bỉ và kiên trì thực hiện liên tục theo chu trình, để thúc đẩy sự sáng tạo liên tục của người dân.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả Chương trình OCOP, theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, cần tăng cường tuyên truyền, chuyển đổi tư duy và nâng cao năng lực cho các chủ thể OCOP. Hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP dựa trên lợi thế và theo yêu cầu của thị trường. Tập trung cho các sản phẩm là lợi thế, thế mạnh của địa phương, đặc biệt là thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu, văn hóa và tri thức bản địa. Triển khai hiệu quả xây dựng các mô hình thí điểm, tăng cường xúc tiến thương mại, nâng cao chất lượng đánh giá, phân hạng và kiểm tra, giám sát sản phẩm OCOP. Từ đó, nâng cao chất lượng các sản phẩm, khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và du lịch nông thôn...

HẠNH CHÂU