Gặp cựu tử tù Côn Đảo duy nhất vượt ngục thành công

30/04/2024 - 06:06

 - Gần 90 tuổi, ông Trần Văn Nhiệm (Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh) vẫn hào hứng tham gia các chuyến về nguồn, dọc theo chiều dài đất nước. Đến nơi mới, gặp những người mới, ông lại một lần nữa kể về cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Mọi sự kiện, chi tiết chưa hề cũ, mà vẫn mới nguyên trong ký ức. Làm sao ông quên được một thời khói lửa, thời mang trên vai án tử, thời bị đày ra địa ngục trần gian: Côn Đảo!

Mới đây nhất, ông cùng đồng đội rong ruổi hành trình về nguồn tại tỉnh An Giang. Giữa Tức Dụp nắng gió, hiền hòa, ông kể tôi nghe chuyện đời mình. Thật ra, tên cúng cơm của ông là Trần Văn Bộ. Còn tên Trần Văn Nhiệm (và rất nhiều tên khác) được ông đổi liên tục, nhằm trốn tránh tai mắt địch. Thời học sinh, sinh viên của ông là những tháng ngày sôi nổi tham gia ủng hộ cách mạng. Người con ở tỉnh Bến Tre này xông xáo giữ chức vụ Bí thư Chi đoàn Trường Trung học tư thục Bình Hòa (Giồng Trôm), vừa bí mật hoạt động cách mạng.

Khi trường bị đánh phá, mọi người tản đi khắp nơi. Ông tham gia Đội quyết tử quân Sài Gòn - Gia Định, mang sẵn tâm thế “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Ngày bị bắt, kết án “tử hình vắng mặt”, ông chỉ mới 27 tuổi. Bị đày qua nhiều nhà tù ở Sài Gòn, “điểm cuối” ông bị đưa đến là nhà tù Côn Đảo (năm 1965). Tròn 20 tháng ở “địa ngục”, mỗi ngày ông đều nung nấu ý định vượt ngục, nhưng luôn ẫn nhẫn chờ thời cơ chín muồi.

May mắn nhất của ông là được đưa về Chi khu Bến Đầm. So với nhiều khu vực khác, nơi đây được coi là một trong những địa chỉ khá “dễ thở” dành cho tù nhân, đặc biệt là tù chính trị. Bọn lính không hề biết ông là tử tù, chỉ nghĩ ông nằm trong nhóm học sinh, sinh viên “phản động” như đa số tù nhân trên chuyến tàu ra đảo đợt này.

Chiếm được lòng tin của chúng, ông phụ trách gỡ lưới đánh cá. Tuần đầu tiên, ông quan sát, nắm vững địa thế khu vực giam giữ mình. Biết chi khu trang bị xuồng nan lẫn xuồng phao để tiện đánh bắt cá, ông bàn với Nguyễn Văn Mừng và Nguyễn Văn Bừng - hai người em cách mạng thân thiết - thực hiện kế hoạch táo bạo vô cùng.

Ông Trần Văn Nhiệm thắp hương liệt sĩ tại đồi Tức Dụp

Thời cơ đến, khi phần lớn lính trong chi khu (là người dân tộc thiểu số Khmer) tổ chức ăn Tết Chol Chnam Thmay tưng bừng. Cả ba người tù hùn tiền, mua rượu và thịt chó đãi bọn lính, còn xương thì… quăng đánh lạc hướng con chó canh giữ xuồng. Trăng 19 âm lịch, lính say khướt, chó mải mê theo thức ăn, chỉ còn 3 người tỉnh táo. Gió chướng vẫn còn, thổi từ biển về Cà Mau.

Mọi tính toán đều “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, họ đẩy xuồng ra khơi, mọi sự trông vào may rủi của số phận. Chiếc xuồng nan 6 người khiêng mới xuể, trong khi họ chỉ có 3 người. Cái khó ló cái khôn, người khỏe nhất đứng phía sau, 3 người đứng theo hình tam giác. Sức mạnh tinh thần thôi thúc họ tìm đường thoát thân thành công.

Nhưng tất cả chỉ mới khởi đầu. Ông nhẩm tính, quãng đường chưa đầy 100km, theo ngọn gió chắc chỉ 1 đêm tới đất liền, nên không chuẩn bị lương khô đem theo. Không ngờ, đi cả đêm rồi mà Côn Đảo vẫn nhìn thấy sau lưng, còn trước mặt bạt ngàn biển khơi. Ghé đảo hoang, họ không tìm thấy nước, chỉ thấy cái trứng chim. Cái trứng ấy, cộng với trận mưa bất chợt đã cứu đói, cứu khát cho 3 người.

Ròng rã 2,5 ngày và 3 đêm lênh đênh trên biển, họ mới tấp về Rạch Gốc (tỉnh Cà Mau). Lại thêm hành trình từ sáng đến trưa mải miết trong rừng, sắp kiệt sức thì họ nghe tiếng đốn gỗ, thấy dấu chân người. Tuy nhiên, người dân e ngại cả 3 là biệt kích trên tàu địch thả xuống, bỏ chạy ngay lập tức. Có 2 đứa bé chạy không kịp, ông nắm tay chúng lại để mọi người dừng chân. Rồi ông xưng tên tuổi, nói rõ nguyên nhân mình lưu lạc đến đây, xin ngụm nước uống cầm hơi.

Mọi người thống nhất đưa nhóm của ông ra khỏi rừng, về nơi an toàn, với điều kiện phải bị bịt mắt. Ông hiểu, quy chế an ninh của vùng cách mạng bắt buộc như thế, cần chấp hành theo. Từ xã, cả nhóm được đưa về huyện, ngủ tạm nhà dân 1 tuần, trong khu vực “làng rừng”. Sau đó, họ tiếp tục bị bịt mắt, còng chân, cho nằm trên xuồng máy đưa về căn cứ huyện. Đến nơi, lại bị giam giữ chung với vài người thuộc thành phần mật thám, chỉ điểm của địch.

Những ngày kế tiếp, ông liên tục bị mang ra chất vấn về cuộc vượt ngục, với vai trò người đứng đầu. Cán bộ của ta vẫn còn giữ định kiến “biệt kích do tàu địch thả lên”, không tin bản tường trình của ông. Kể  từ khi chiếc xuồng nan của ông chạm đất liền, 3 người đi tìm người dân như thế nào, đều được du kích theo sát. Họ thấy rằng, sau khi tàu lớn của địch rời đi, chiếc xuồng nan của ông Nhiệm trôi vào bờ, một sự trùng hợp ngẫu nhiên khó tin. Hơn nữa, trên xuồng nan còn có xuồng phao, loại xuồng của biệt kích thường dùng. 

Gặp cách mạng đất liền, niềm vui chưa trọn, họ đối mặt với sự nghi ngờ, chất vấn, đối xử như kẻ thù của chính đồng đội mình. Ông luôn khẳng định với tổ chức: “Chúng tôi là người yêu nước, là đảng viên, đoàn viên, dùng mọi cách để vượt ngục trở về với cách mạng, với Nhân dân. Cán bộ phải xác minh, cũng nhằm bảo vệ bí mật căn cứ, bảo vệ cách mạng. Chỉ mong, quá trình xác minh nhanh chóng, sớm trả tự do cho chúng tôi, để còn trở về cơ sở tiếp nối hoạt động”. Cuối cùng, mọi sự sáng tỏ, khi thực nghiệm lại chứng minh rằng, tàu địch và xuồng nan cùng trên một trục thẳng. Ở tầm nhìn khá xa, du kích chứng kiến lại không đầy đủ thị lực, trông như ông vừa được thả xuống từ tàu lớn. Ông và đồng đội được trở về Sài Gòn.

Sau cuộc đào thoát ngoạn mục, từ cõi chết ấy, người thanh niên cách mạng Trần Văn Nhiệm chưa từng chùn bước, vẫn hăng hái tham gia chiến dịch Mậu Thân 1968, chiến thắng 30/4/1975. Đến khi tóc phai, sức giảm, ông vẫn một lòng sôi nổi với đất nước, với đoàn thể, với đồng đội xung quanh mình.

Bước chân ông khó nhọc chạm đến vùng cách mạng Tức Dụp, đôi tay ông run run thắp nhang cho anh hùng liệt sĩ, nhưng lòng ông hạnh phúc vô cùng. “Tôi từng nghe nói tù Côn Đảo Tôn Đức Thắng, rất ngưỡng mộ nhưng chưa gặp được ông. Mãi đến giờ, tôi mới có dịp về thăm quê An Giang, thắp cho Bác Tôn nén nhang, được đến các địa điểm lịch sử vùng Bảy Núi. Xem như, tôi hoàn thành ước mong của mình rồi!” - ông bày tỏ.

GIA KHÁNH