Gấp rút hoàn thiện Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi)

07/03/2024 - 08:40

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đẩy nhanh nhất tiến độ xây dựng nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi), nếu kịp tiến độ, Bộ sẽ cùng với Bộ Xây dựng đề nghị Quốc hội cho Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm.

Chiều 6/3, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị Triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024 theo hình thức trực tiếp tại Bộ TN&MT và kết nối trực tuyến tới 500 điểm cầu tại các 63 tỉnh, thành phố và cả cấp huyện trên cả nước. 

Nhiều điểm mới mang tính đột phá

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đặng Quốc Khánh cho biết, ngày 18/1/2024, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Đất đai (Luật số 31/2024/QH15) gồm 16 chương với 260 điều. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu những đổi mới về chính sách, pháp luật đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “Về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. 

Theo Bộ trưởng, Dự án Luật Đất đai đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị rất trách nhiệm, kỹ lưỡng, công phu qua nhiều vòng, nhiều bước, được trình Quốc hội cho ý kiến tại 4 kỳ họp, điều đó cho thấy tinh thần cẩn trọng của các cơ quan trong hoạt động lập pháp, luôn đề cao chất lượng và hiệu quả. 

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh, quá trình xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) thể hiện ý chí thống nhất cao từ Trung ương tới địa phương, nỗ lực của các cơ quan chuyên môn, ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương và các tổ chức, doanh nghiệp. Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là đợt sinh hoạt chính trị pháp lý sâu rộng, đã thu hút trên 12 triệu lượt ý kiến đóng góp.

Chú thích ảnh

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu tại hội nghị.

Người đứng đầu Bộ TN&MT cho rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua với nhiều nội dung mới mang tính đột phá, quan trọng góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất như: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; đăng ký đất đai, cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý, sử dụng đất đai…

Ngày 5/3/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 222/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai trong đó giao trách nhiệm cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật Đất đai. 

“Tôi tin tưởng rằng với sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương, Luật Đất đai sẽ sớm đi vào cuộc sống, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế sâu rộng, từng bước hiện thực hóa mục tiêu cuộc cách mạng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đề ra; kịp thời đáp ứng mong mỏi và nguyện vọng của Nhân dân”, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định.

Đáp ứng được yêu cầu thực tế, tháo gỡ cho địa phương

Giới thiệu các điểm mới của Luật Đất đai 2024, theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, Luật Đất đai đã trải qua 9 lần sửa đổi, Luật là đạo luật quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ với nhiều quy định khác của pháp luật. 

Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, Luật Đất đai (Luật số 31/2024/QH15) gồm 16 chương, 260 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai năm 2013 và bổ sung mới 78 điều.

Về nội dung được nhiều người quan tâm là vấn đề thu hồi đất, trưng dụng đất (gồm 13 điều, từ Điều 78 đến Điều 90), Điều 79 của Luật đã quy định cụ thể 31 trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp này phải là các dự án: Xây dựng công trình công cộng; xây dựng trụ sở cơ quan Nhà nước, công trình sự nghiệp; các trường hợp khác, bao gồm nhiều nhóm tiêu chí như: nhà ở, khu sản xuất, phát triển quỹ đất, khoáng sản, công trình ngầm và các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để đấu giá, đấu thầu nhằm tăng thu ngân sách... 

“Với 31 trường hợp cụ thể Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đã cơ bản bao quát các trường hợp cần thiết phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Tuy nhiên, để bảo đảm cho trường hợp thực sự cần thiết thu hồi đất phát sinh nhưng chưa có trong quy định của Luật này, tại khoản 32 Điều 79 đã quy định trường hợp khác thì Quốc hội sửa đổi, bổ sung các trường hợp thu hồi đất của Điều này theo trình tự, thủ tục rút gọn”, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết.

Luật cũng quy định cụ thể căn cứ, điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; bổ sung, quy định cụ thể hơn một số trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai; bổ sung một số trường hợp thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất cho đầy đủ như thu hồi đất do bị thu hồi rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, thu hồi đất trong trường hợp chấm dứt dự án đầu tư... Quy định cụ thể trường hợp thu hồi đất liên quan đến quốc phòng, an ninh

Đồng thời, phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất để sử dụng vào mục mục quốc phòng, an ninh, để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng mà không phân biệt theo đối tượng sử dụng đất như Luật Đất đai năm 2013. Quy định trường hợp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là tài sản công thuộc các trường hợp thu hồi đất theo quy định của Luật này thì không phải thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Tại Điều 87 Luật Đất đai cũng đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng với nhiều điểm mới, bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật; vì sự phát triển bền vững, văn minh và hiện đại của cộng đồng, của địa phương. Quy định rõ hiệu lực của thông báo thu hồi đất là 12 tháng tính từ ngày ban hành thông báo thu hồi đất để người dân biết, chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất tại Chương VII của Luật đã kế thừa các quy định đã được thực tiễn chứng minh là phù hợp đồng thời sửa đổi bổ sung các quy định. “Một trong những điểm mới là Luật sửa đổi, bổ sung nguyên tắc bồi thường theo hướng đa dạng các hình thức bồi thường về đất, hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi được bồi thường bằng đất có cùng mục đích với đất bị thu hồi hoặc bằng tiền, bằng đất khác hoặc bằng nhà ở phù hợp với nhu cầu của người có đất bị thu hồi và quỹ đất của từng địa phương”, Thứ trưởng Lê Minh Ngân nhận định.

Cụ thể hóa nguyên tắc “có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” thông qua quy định tiêu chí khu tái định cư về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, địa điểm thực hiện tái định cư... Khu tái định cư có thể bố trí cho một hoặc nhiều dự án. Khi Nhà nước thu hồi đất mà phần diện tích còn lại của thửa đất sau khi thu hồi nhỏ hơn diện tích tối thiểu, nếu người sử dụng đất đồng ý thu hồi đất thì Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất và thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, quản lý diện tích đất này theo quy định của pháp luật.

Quy định cụ thể và mở rộng về thành phần Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định với sự tham gia của đại diện Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, đại diện của người sử dụng đất có đất bị thu hồi... để đảm bảo sự khách quan, minh bạch, sự tham gia của các bên liên quan trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Quan tâm đến đối tượng chính sách xã hội, đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp; các bước thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất đảm bảo nguyên tắc có sự tham gia của người dân ở các giai đoạn, đảm bảo nguyên tắc người có đất bị thu hồi được bồi thường, tái định cư trước khi thu hồi đất... để người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn. Luật cũng đã quan tâm để chủ sở hữu tài sản mà không đồng thời là chủ sử dụng đất, người bị ảnh hưởng bởi việc thu hồi đất được biết khi Nhà nước thu hồi đất.

Đóng góp ý kiến trực tuyến tại hội nghị, Phó Bí Thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn cho biết, Luật Đất đai là đạo luật hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện Luật Đất đai 2013, những năm qua, công tác quản lý sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng, nhất là các công trình giao thông, xây dựng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thi hành Luật cũng bộc lộ hạn chế, tồn tại, thiếu đồng bộ, dẫn đến nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ và bền vững, chưa phù hợp thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và yêu cầu phát triển đất nước, đặc biệt có nhiều văn bản còn chồng chéo, còn chưa thống nhất.

Luật Đất đai 2024 đã thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng và tháo gỡ cơ bản các vướng mắc, tồn tại khi thi hành Luật Đất đai 2013. “Tôi tin tưởng rằng Luật 2024 sẽ đáp ứng được yêu cầu thực tế, tháo gỡ vướng mắc ở địa phương”, ông Sơn nói. Ông Sơn cũng đề nghị sớm ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật để địa phương thực hiện đảm bảo sự thống nhất.

Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, với hiệu ứng Luật Đất đai và luật liên quan, 2 tháng đầu năm 2024, số hồ sơ nhà đất cần giải quyết tăng hơn 18.000 hồ sơ so với năm 2023, nguồn thu thuế tăng 45% so với cùng kỳ, góp phần tổng thu của thành phố tăng khoảng 13%.

Cũng theo ông Cường, thành phố sẽ tập trung góp ý vào các Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành và mong muốn sớm ban hành các Nghị định và khẳng định địa phương sẽ ban hành các Văn bản theo thẩm quyền được giao trong Luật Đất đai 2024. Ông Cường kiến nghị Bộ sớm tổ chức các đoàn công tác, tập huấn về những nội dung mới của Luật.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Quách Tất Liêm cho rằng, trong quá trình xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ TN&MT đã lắng nghe và tiếp thu ý kiến của các địa phương và khi được ban hành, Luật có nhiều đổi mới nhất là về phân cấp thẩm quyền, cải cách hành chính. Phó Chủ tịch mong muốn các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật cần quy định cụ thể các nội dung Luật chưa nêu rõ thì hướng dẫn cần làm rõ hơn, cụ thể hơn các đối tượng và đặc biệt tài chính về đất đai để minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện và sớm ban hành để Luật đi vào cuộc sống.

Ông Liêm đề xuất xây dựng văn bản dưới Luật làm sao nội dung trong luật không nêu rõ được thì hướng dẫn cần làm rõ hơn, cụ thể hơn các đối tượng và đặc biệt tài chính về đất đai để minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện hơn.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, Quyết định 222/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã giao đầy đủ các nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phương. Để triển khai thi hành Luật, Bộ TN&MT được giao xây dựng trình Chính phủ 6 Nghị định, ban hành theo thẩm quyền 4 Thông tư, hiện nay Bộ đang khẩn trương xây dựng các Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành và lấy ý kiến các địa phương để hoàn thiện.

Bộ trưởng đề nghị các địa phương khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ theo Quyết định 222 của Thủ tướng Chính phủ nhất là việc chỉ đạo rà soát và ban hành theo thẩm quyền các quy định của UBND, Hội đồng nhân dân được giao trong Luật Đất đai 2024. Trong đó tập trung vào nhiệm vụ xây dựng bảng giá đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không giấy tờ; công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai; rà soát đất nông lâm trường… để khi Luật có hiệu lực đảm bảo sự đồng bộ, giải quyết các tồn tại, vướng mắc. 

“Với quyết tâm của Bộ Tài nguyên & Môi trường, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ không những Luật Đất đai có hiệu lực từ 1/1/2025 thì mới xong nghị định thông tư mà hiện nay Bộ đang đẩy nhanh nhất tiến độ xây dựng nghị định và thông tư hướng dẫn và báo cáo Chính phủ là nếu kịp thì cùng với Bộ Xây Dựng sẽ đề nghị Quốc hội cho Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm, có hiệu lực trong tháng 7/2024 nếu Quốc hội cho phép”, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết.

Theo TTXVN