Ghép tạng Việt Nam đạt nhiều thành tựu lớn

03/01/2020 - 08:37

Từ một quốc gia "chậm tiến" so với thế giới trong lĩnh vực ghép tạng, đến nay, sau hơn 27 năm kể từ ca ghép tạng đầu tiên, kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam đã tiệm cận với thế giới. Mỗi năm, ngành Ghép tạng Việt Nam lại xác lập thêm được nhiều thành tựu mới, khẳng định bước tiến vượt bậc trong kỹ thuật chuyên sâu ngang tầm thế giới.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao bằng khen cho Bệnh viện Việt Đức trong việc thực hiện thành công 15 ca ghép tạng từ ngày 12/8-18/8/2019. Ảnh: P.A

Làm chủ nhiều kỹ thuật ghép

Chia sẻ tại Hội nghị khoa học ghép tạng Việt Nam lần thứ VI năm 2019, Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam GS.TS Phạm Gia Khánh cho biết, ghép tạng là một thành tựu y học của nhân loại trong thế kỷ 20. Việt Nam đang dần làm chủ được kỹ thuật lấy, ghép mô, tạng và đây là “thời điểm vàng” cho lĩnh vực ghép tạng. Đặc biệt, số ca được ghép tạng tại Việt Nam đã tăng rất nhanh trong 4 năm gần đây, số ghép năm sau nhiều hơn năm trước khoảng 100 ca.

Lịch sử ngành Ghép tạng Việt Nam được đánh dấu bằng sự kiện ca ghép thận cho bệnh nhân Vũ Mạnh Đoan (40 tuổi) bị suy thận giai đoạn cuối vào ngày 4/6/1992 ở Bệnh viện Quân y 103 từ người hiến là em trai ruột 28 tuổi. Sự kiện này đánh dấu bước phát triển mới của nền y học nước nhà, đồng thời mở cánh cửa hồi sinh cho những bệnh nhân suy thận đang khắc khoải giành sự sống.

Liên tiếp các năm sau đó, Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện thành công các ca ghép tạng, mang đến niềm tự hào lớn cho ngành Y Việt Nam. 

5 tháng sau ca ghép thận đầu tiên, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) cũng tiến hành ca ghép thận, hiện bệnh nhân sống khỏe mạnh. Năm 2004, bé gái Nguyễn Thị Diệp (10 tuổi, ở Nam Định) trở thành bệnh nhi đầu tiên được ghép gan tại Bệnh viện Quân y 103, người cho một phần gan là bố đẻ em (31 tuổi). 

Năm 2007, Bệnh viện Việt Đức thực hiện ca ghép gan người lớn đầu tiên ở Việt Nam sau khi Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác có hiệu lực (từ ngày 1/7/2007). Một bước ngoặt quan trọng khác trong lịch sử ghép tạng Việt Nam là ca ghép tim đầu tiên cũng được tiến hành thành công tại Bệnh viện Quân y 103 vào ngày 17/6/2010. 

Ngày 11/1/2017, y - bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy lần đầu tiên thực hiện thành công ca ghép thận trao đổi chéo, cứu sống 2 cô gái được cha mẹ cho thận.

Một trong những thành tựu được coi là “đặc biệt” của ngành Ghép tạng Việt Nam là thực hiện điều phối ghép tạng quốc gia bằng vận chuyển hàng không dân dụng, khi thực hiện 7 ca ghép tạng xuyên Việt thành công, trong khi hầu như không có nước nào sử dụng hàng không dân dụng để vận chuyển tạng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn rất nhiều kỹ thuật ghép tạng khác chưa được triển khai như ghép tụy, ghép tử cung hay ghép gan từ người sống cho người suy gan cấp.

Năm 2018, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã ghi thêm một “mốc son” trong ngành Ghép tạng Việt Nam khi lần đầu tiên thực hiện thành công ca ghép phổi từ người cho chết não, cùng với sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài. Không riêng gì Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, năm 2019, Bệnh viện Trung ương Huế cũng đã thực hiện thành công đồng thời 2 ca ghép tạng xuyên Việt (1 ghép tim và 1 ghép gan) từ một người cho chết não tại Hà Nội. Tại Bệnh viện Việt Đức, lần đầu tiên cũng đã thực hiện chia gan từ người cho chết não để ghép cho hai người bệnh suy gan và ung thư gan.

Tháng 8/2019, một kỷ lục mới được xác lập tại Bệnh viện Việt Đức khi chưa đầy một tuần (từ 12/8 tới 18/8), có 15 ca ghép tạng được thực hiện thành công tại đây. Các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức đã lập kỳ tích khi thực hiện tới 10 ca mổ ghép tạng từ người cho chết não, gồm ghép một phổi, hai tim, ba gan, bốn thận với nguồn hiến đa tạng từ hai ca người chết não hiến tạng tại Bệnh viện Việt Đức và một ca tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng thực hiện năm ca ghép tạng theo chương trình từ người cho sống, gồm ghép một gan, bốn thận.

“Việc thực hiện thành công 15 ca ghép tạng trong vòng một tuần là sự kiện rất đột xuất và là một kỷ lục lần đầu tiên được ghi nhận tại Bệnh viện Hữu nghị Việt  Đức - cơ sở y tế đầu ngành về lấy và ghép đa tạng. Sự kiện này cho thấy kỹ thuật ghép tạng của bệnh viện có sự tiến bộ nổi bật, dẫn đầu cả nước về số lượng các ca ghép khó”, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ.

Những thành công trong ghép tạng là thành tích nổi bật của hệ thống khám, chữa bệnh của Việt Nam. Phẫu thuật ghép tạng đã trở thành thường quy tại một số trung tâm ngoại khoa đầu ngành của Việt Nam với đầy đủ trang thiết bị hiện đại mà giá thành chỉ bằng 1/3 chi phí trên thế giới. 

Thực hiện ghép tạng tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: BVCC

Giành lại sự sống cho nhiều người

Sự thành công của việc ghép tạng mở ra triển vọng điều trị cho những người bệnh có các tạng bị suy giai đoạn cuối và góp phần thúc đẩy phát triển nhiều chuyên ngành y học khác. Sự trưởng thành của nền y học Việt Nam đang mang lại cho bệnh nhân những hy vọng, cùng cơ hội lớn vượt qua các căn bệnh hiểm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Mặc dù khởi đầu chậm so với các nước trên thế giới, nhưng hiện nay, Việt Nam đã có 19 trung tâm ghép tạng và đạt được những tiến bộ vượt bậc cả về kỹ thuật lấy, ghép mô, tạng. Số liệu thống kê, từ ca ghép đầu tiên đến tháng 9/2019, cả nước đã thực hiện được hơn 4.200 ca ghép tạng, trong đó ghép thận là gần 4.000 ca, ghép tủy gần 600 ca, còn lại là ghép gan, tim, phổi và các loại mô, tạng khác. Riêng trong năm nay, tính đến đầu tháng 11, tổng số ca ghép tạng là 521 ca.

Mặc dù số người được ghép mô, tạng ở nước ta ngày càng tăng, kỹ thuật ghép tạng không ngừng phát triển, nhưng theo các chuyên gia, khó khăn lớn nhất với ngành Ghép tạng của nước ta hiện nay vẫn là thiếu nguồn mô, tạng để có thể thực hiện được cấy ghép.

Theo Trung tâm điều phối ghép tạng, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 10.000 người chết vì tai nạn giao thông, trong đó, một tỷ lệ không nhỏ là người chết não. Tạng của họ có thể cứu sống rất nhiều người khác. Tuy nhiên đến nay, việc ghép tạng ở Việt Nam vẫn chủ yếu từ người cho sống và rất ít khi được ghép từ người chết não. Đây là điều nghịch lý so với ở nước ngoài, khi hầu hết các ca ghép tạng đều từ người chết não.

Ở các nước phát triển, có tới hơn 90% nguồn cung cấp mô, tạng là từ các bệnh nhân chết não, chết tuần hoàn, thì ở Việt Nam, nguồn mô, tạng chủ yếu vẫn từ người cho sống, mặc dù số lượng đăng ký hiến tạng đã gấp đôi so với năm 2016, nhưng so với hơn 90 triệu dân thì đây vẫn là con số còn rất bé nhỏ. Theo thống kê của Trung tâm điều phối quốc gia về ghép tạng, tính toàn bộ quá trình phát triển của ngành ghép tạng nước ta đến tháng 8/2019, số ca hiến tạng từ người cho chết não, chết tuần hoàn mới chỉ khoảng 223 trường hợp.

Theo các chuyên gia trong ngành, nguyên nhân của tình trạng này là do suy nghĩ tâm linh của nhiều người là khi qua đời, hiến tạng thì sẽ không trọn vẹn thân thể, một số mặc cảm và sợ mang tiếng. Để thay đổi được những suy nghĩ này cần có sự ủng hộ của xã hội và các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ về bản chất của việc hiến tạng và ý nghĩa to lớn của nghĩa cử cao đẹp này. Mỗi người cũng nên nhận thức rằng, nếu ai đó quyết định hiến tặng mô, tạng khi không may qua đời, họ sẽ mang lại cơ hội sống cho nhiều người bệnh khác. Khi một người mất đi với ý định hiến tặng mô, tạng cho đời thì người đó sẽ sống mãi trong niềm yêu thương của mọi người.

Giám đốc Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia Trịnh Hồng Sơn cho biết, mục tiêu đến năm 2020 và những năm tiếp theo, các trung tâm ghép tạng trên cả nước sẽ triển khai nghiên cứu, ứng dụng và phát triển đồng bộ các kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người (như ghép được chi thể, ruột, tử cung...), đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân

Hiện, Việt Nam đã sẵn sàng cho những ca ghép tạng khó, tiến tới chinh phục nhiều kỹ thuật mới trong ghép tử cung, ghép chi... Những thành tựu ghép tạng ở Việt Nam chưa thể nói là sánh ngang thế giới, nhưng có những ca ngang tầm thế giới, như ghép nhiều tạng cùng lúc mà không phải trung tâm nào trên thế giới cũng làm được. Đây là điều rất đáng tự hào.

Theo Thanh Tra