Giá gà thịt hôm nay tại miền Bắc: Cao nhất đạt 82.00 đồng/kg
Ông Phạm Thi Phương, chủ một trại gà ở Tam Dương (Vĩnh Phúc) cho biết, hiện giá gà ta thả vườn vẫn chưa thể tăng thêm do nhu cầu tiêu thụ thấp, đạt quanh mức 65.000 đồng/kg; gà mía Sơn Tây có giá cao nhất, đạt khoảng trên dưới 82.000 đồng/kg.
"Những ngày này thương lái gọi hỏi mua gà vịt ít lắm, việc tiêu thụ của bà con gặp nhiều khó khăn", ông Phương buồn rầu nói.
Theo ông Phương, dù giá gà chưa tăng thêm nhưng bà con chăn nuôi vẫn phải chủ động xuất bán khi đàn vật nuôi đã đủ tuổi.
"Chúng tôi chăn nuôi đã xác định rõ, một khi gà đủ ngày, đủ trọng lượng là xuất bán. Dù giá thấp cũng phải xuất, vì càng để nuôi thêm càng tiêu tốn thức ăn, thua lỗ càng nặng hơn", ông Phương chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Tính, lái buôn gà ở khu vực Hưng Yên, Bắc Ninh cho hay: Do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 đã khiến cho sức tiêu thụ mặt hàng gia cầm nói chung giảm mạnh.
"Trước đây, mỗi ngày tôi thu mua gà rồi bán buôn cho các nhà hàng, trường học trên địa bàn các tỉnh hàng tấn, nhưng giờ mọi đầu mối đều tạm ngừng nên chúng tôi phải giảm mua và kén hàng hơn để đưa ra các chợ mổ bán lẻ", bà Tính chia sẻ.
Giá vịt thịt hôm nay 19/3: Khó vượt mốc 35.000 đồng
Khảo sát nhanh của PV, tại các chợ đầu mối ở miền Bắc, miền Nam, giá vịt thịt hôm nay vẫn chỉ quanh mức từ 27.000 đồng đến 35.000 đồng/kg.
Giá vịt thịt thương lái thu mua tại chuồng theo đó chỉ ở mức từ 25.000 đồng đến 26.000 đồng/kg. Ngoài ra, giá ngan thịt hiện đang ở mức từ 39.000 đồng đến 55.000 đồng/kg, tùy loại non, già.
Thời điểm này lái buôn đang thu mua vịt thịt tại các hộ ở các địa phương với mức giá từ 25.000 đồng đến 26.000 đồng/kg.
"Nhiều ngày nay giá vịt thịt chững lại, việc tiêu thụ cũng khá chậm do các quán ăn vỉa hè, hàng nước mua cầm chừng hơn trước", ông Nguyễn Ngọc Nam, một lái buôn vịt ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) tiết lộ.
Mới đây, ông Phạm Văn Thọ, một chủ trại vịt ở Xuân Lộc (Đồng Nai) xuất bán đàn vịt hơn 2.000 con với giá 26.000 đồng/kg. Tính ra, gia đình ông phải chịu lỗ hơn 6.000 đồng/kg.
Nhưng điều lạ là vừa chịu lỗ nặng lứa vịt cũ, ông Thọ đã vội vàng dồn vốn còn lại mua hơn 3.000 con vịt bơ (vịt super) giống đưa về nuôi tiếp. Hỏi chuyện thì ông nói: "Ở quê sống dựa vào làm nông nghiệp, không chăn nuôi, trồng trọt thì không biết làm việc gì khác. Có thể lứa vịt đầu năm bị lỗ nhưng chúng tôi rất hy vọng đến lứa tới này bán sẽ có lãi".
Chăn nuôi thua lỗ là bình thường?
Ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho hay: "Thời điểm trước, trong và nhất là sau Tết Nguyên đán, do dịch virus corona (Covid-19), các lễ hội, sự kiện đầu năm đều bị huỷ nên đã gây ảnh hưởng nhất định đến nhu cầu thịt gia súc, gia cầm, trong khi nguồn cung lại tăng, dẫn đến giá các mặt hàng này giảm. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của tôi, giá các mặt hàng vịt, gà, ngan giảm không nhiều và sẽ hồi phục dần trong thời gian tới".
"Theo quy luật của thị trường, việc tăng giảm giá sản phẩm chăn nuôi là hết sức bình thường, chúng ta phải xác định trong chu kỳ sản xuất, chăn nuôi gia cầm trong năm bao giờ cũng có lỗ, có lãi. Thậm chí 1 năm có 8 tháng bà con thu lãi, 4 tháng phải chịu lỗ là bình thường", ông Dương khẳng định.
Khuyến cáo thêm với người chăn nuôi, ông Dương lưu ý, trong thời gian tới, bà con và các địa phương vẫn nên sản xuất bình thường và không chủ quan lơ là trước dịch bệnh, nhất là dịch cúm A/H5N6. Bà con nên điều chỉnh về quy mô chăn nuôi, áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học để bảo đảm an toàn, bền vững cho đàn vật nuôi và thu nhập.
"Bà con chăn nuôi cũng lưu ý làm sao chúng ta phải nuôi rải vụ ra và tập trung tăng sản phẩm vào các tháng mùa thu, mùa đông và giảm về mùa hè. Đặc biệt là vào mùa hè tới, chúng ta phải chủ động ngay từ bây giờ để điều chỉnh sao cho hợp lý nhịp đẻ của gia cầm, tránh dư thừa sản phẩm gây ra khủng hoảng về giá", ông Dương nhấn mạnh.
Theo Dân Việt