Nông dân huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh thu hoạch lúa Hè Thu. Ảnh: Thanh Hoà/TTXVN
Lúa gạo nội địa rục rịch tăng giá
Theo ông Võ Trường Giang, Giám đốc Trung tâm Phát triển vùng nguyên liệu thuộc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex), hiện ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch xong vụ lúa Hè Thu và chuẩn bị bước sang vụ Thu Đông. Tuy nhiên, do lũ trên các sông về lớn đã ảnh hưởng đến nhiều diện tích gieo trồng lúa vụ này, khiến năng suất, chất lượng lúa bị giảm đáng kể. Bên cạnh đó, những thông tin dự báo thị trường sẽ sôi động hơn trong 3 tháng cuối năm, nhất là việc Philippines chuẩn bị tổ chức đấu thầu nhập khẩu gạo đã khiến giá lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long rục rịch tăng giá trong thời gian gần đây.
Trong đó, chủng loại gạo trắng thông dụng có xu hướng tăng giá nhiều nhất, do diện tích gieo trồng lúa IR50404 ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong năm nay là không nhiều. Loại lúa này lại không thích hợp với điều kiện thời tiết sản xuất trong vụ Hè Thu nên năng suất, sản lượng khá thấp. Trong khi đó, nhu cầu thị trường lại đang yêu cầu nhiều loại gạo này. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp tìm mua mà không có hàng.
Bà Trần Thu Ba, Doanh nghiệp tư nhân Tấn Tài (tỉnh Tiền Giang) cũng cho biết, hầu hết các loại gạo có đặc tính khô, cứng và nở nhiều như IR50404 trong vài tuần gần đây có xu hướng tăng giá so với trước đó ít nhất từ 100-200 đồng/kg. Đặc biệt, gạo thu hoạch trong vụ Đông Xuân vẫn được thị trường chào đón và lùng mua nhiều nhất. Nhóm gạo thơm như OM5451, Đài thơm 8 được trồng nhiều trong vụ Thu Đông này lại ít tăng giá hơn do nhu cầu thấp.
Đáng chú ý, không chỉ nhóm gạo trắng thông dụng tăng giá, mà gạo nếp cũng đang khan hiếm hàng. Theo bà Đặng Thị Liên, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thực phẩm Long An, trong vòng 10 ngày trở lại đây, giá lúa nếp tươi tại ruộng hiện có giá 5.500 đồng/kg, tăng 500-700 đồng/kg so với trước đó. Ngay tại vựa nếp Thạnh Hoá (tỉnh Long An), nguồn cung gạo nếp cũng không còn nhiều.
Lý giải nguyên nhân khan hiếm nếp, một doanh nghiệp chuyên chế biến, xuất khẩu nếp ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, từ giữa năm 2017 đến nay, giá cả gạo nếp lên xuống thất thường do phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc nên diện tích trồng nếp ở Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng thu hẹp lại, sản lượng nếp không nhiều như hai năm trước đó.
Mặt khác, mặc dù năm nay xuất khẩu nếp sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, do tồn kho nếp của nước này vẫn còn nhiều và ảnh hưởng từ chính sách tăng thuế nhập khẩu lúa gạo. Tuy nhiên, thị trường lại xuất hiện một số thương nhân người Thái sang Việt Nam thu mua gạo nếp, sau đó xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới Lào và đưa về Thái Lan tiêu thụ. Điều này đã giúp tiêu thụ đáng kể lượng tồn kho nếp trong năm nay.
Thị trường bắt đầu vào thời điểm sôi động
Thị trường xuất khẩu gạo đang có nhiều tín hiệu tích cực, nhờ nhu cầu phục hồi ở một số thị trường truyền thống. Ảnh minh họa: Thanh Hoà/TTXVN
Theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), thị trường xuất khẩu gạo đang có nhiều tín hiệu tích cực, nhờ nhu cầu phục hồi ở một số thị trường truyền thống.
Cụ thể, Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines (NFA) vừa thông báo mời thầu cung cấp 250.000 tấn gạo trắng hạt dài 25% tấm theo hình thức đấu thầu mở quốc tế (G2P) vào ngày 18/10 tới đây. Mức giá tham chiếu được Philippines đưa ra là 431,2 USD/tấn (giá CIF) giao tại kho chỉ định của Philippines, nằm trong bán kính 30km từ cảng dỡ hàng và giao hàng đến ngày 30/11/2018.
Khối lượng gạo mời thầu đợt này nằm trong tổng số 750.000 tấn gạo đã được cơ quan này phê chuẩn để nhập khẩu trong năm nay. Nước này cũng thông qua hạn ngạch nhập khẩu 1 triệu tấn gạo cho năm 2019 và vẫn cho phép tư nhân nhập khẩu gạo theo chương trình MAV (số lượng tiếp cận tối thiểu). Đây được xem là một trong những yếu tố thị trường quan trọng thúc đẩy xuất khẩu gạo của Việt Nam sôi động hơn trong thời gian tới.
Dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho thấy, thị trường lúa gạo sẽ khởi sắc trong quý IV/2018, do nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước như Philippines, Indonesia… tăng để bù đắp sản lượng thiệt hại bởi thiên tai và nhu cầu tiêu thụ thường tăng vào các tháng cuối năm.
Trước đó, Việt Nam cũng vừa trúng thầu cung cấp 90.000 tấn gạo thơm Jasmine với giá 540 USD/tấn cho Iraq theo thỏa thuận tư nhân với một công ty liên doanh giữa Iraq và Việt Nam. Tháng 9/2018, một doanh nghiệp Việt Nam cũng trúng thầu cung cấp trên 12.000 tấn gạo cho Hàn Quốc…
Như vậy, sau hơn 1 quý rơi vào trầm lắng, xuất khẩu gạo Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Việc thị trường khởi sắc trở lại cùng với nguồn cung khan hiếm trong nước không chỉ đẩy giá lúa gạo nội địa lên cao mà cũng khiến giá một số loại gạo xuất khẩu tăng theo, nhất là dòng gạo trắng thông dụng.
Theo nguồn tin từ các doanh nghiệp, hiện giá trắng 5% tấm đang được chào bán ở mức 410 - 420USD/tấn, cao hơn gạo Thái Lan cùng chủng loại từ 15-20 USD/tấn. Giá gạo nếp xuất khẩu cũng đang được chào bán ở mức 455 USD/tấn, tăng đáng kể trên 50USD/tấn so với thời điểm giữa năm 2018.
Mặc dù thị trường có nhiều tín hiệu tích cực, tuy nhiên, với tình hình giá lúa nội địa và xuất khẩu tăng cao như hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ ít có cơ hội cạnh tranh hơn so với đối thủ. Bởi lẽ, nhu cầu thị trường, nhất là Philippines từ nay đến cuối năm chủ yếu vẫn là dòng gạo trắng thông dụng.
Nếu các doanh nghiệp Việt Nam bỏ thầu, chào bán với giá thấp sẽ không có lãi, nhưng nếu bỏ thầu với giá cao sẽ khó cạnh tranh với các doanh nghiệp Thái Lan, Ấn Độ… Đây cũng là tình huống các doanh nghiệp Việt Nam đã “trắng tay” trong phiên đấu thầu cung cấp 250.000 tấn gạo cho Philippines hồi tháng 5/2018.
Hiện ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang chuẩn bị bước vào thu hoạch vụ lúa Thu Đông. Tuy nhiên, do tình hình lũ lớn, các tỉnh, thành trong khu vực chỉ xuống giống vụ Thu Đông 2018 khoảng 700.000 ha, giảm 45.000 ha so với diện tích kế hoạch. Theo VFA, việc diện tích lúa vụ Thu Đông giảm cùng với những thiệt hại về lúa do lũ sớm ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ khó có đủ sản lượng đáp ứng mục tiêu xuất khẩu 6,5 triệu tấn gạo đầu năm.
Theo H.CHUNG (Báo Tin Tức)