Giá nhiên liệu tăng, đời sống người dân bị ảnh hưởng

19/07/2022 - 07:05

 - Sau nhiều lần điều chỉnh, giá xăng hiện nay đang ở mức dưới 30.000 đồng/lít. Tuy nhiên, đây là mức giá khá cao, khiến đời sống người dân bị ảnh hưởng. Đặc biệt, giá xăng tăng khiến cho giá nhiều loại hàng hóa, nhu yếu phẩm, dịch vụ khác… cũng tăng theo, gây khó khăn trong chi tiêu của người dân, đặc biệt là người lao động nghèo.

Giá xăng hiện vẫn ở mức cao khiến chi tiêu người dân bị ảnh hưởng

Người lao động ảnh hưởng

Đợt điều chỉnh gần đây nhất, giá xăng giảm 3.000 đồng/lít, giá dầu giảm dao động từ 2.000-3.022 đồng/lít. Theo đó, giá bán lẻ xăng dầu trong nước cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 27.788 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 29.675 đồng/lít; dầu diesel không quá 26.593 đồng/lít; dầu hỏa không quá 26.345 đồng/lít và dầu mazut không quá 17.712 đồng/kg. Dù đã giảm sâu, nhưng mức giá này cũng khá cao, khiến cho sinh hoạt người dân bị ảnh hưởng, đặc biệt đối với người làm nghề vận chuyển, người có nhu cầu di chuyển hàng ngày…

Do tính chất công việc nên anh Kiều Thanh Xuyên (xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), nhân viên kinh doanh của một công ty sữa thường xuyên di chuyển một đoạn đường khá xa, từ quê nhà đến thị trấn Núi Sập (huyện Thoại Sơn) để công tác. Theo tính toán của anh Xuyên, với 60km quãng đường cả đi lẫn về, mỗi tuần chi tiêu khoảng 250.000-300.000 đồng tiền xăng.

Anh Xuyên chia sẻ: “Nếu như trước đây, mỗi tháng tôi phải chi 800.000 đồng tiền xăng, thì hiện nay, số tiền tăng đến 1,2-1,3 triệu đồng. Mức tăng thêm không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập, nhưng nó ảnh hưởng đến kế hoạch mua sắm hàng tháng của gia đình. Tình trạng này kéo dài, sẽ là một áp lực lớn đối với định mức chi tiêu của tôi”.

Cũng thường xuyên phải di chuyển như anh Xuyên, anh N.N.T. (huyện Chợ Mới) gắn bó với nghề giao hàng được hơn 3 năm. Mỗi ngày, anh phải di chuyển nhiều nơi của xã Hòa An (huyện Chợ Mới) để giao hàng cho khách.

Anh T. cho biết, trong bối cảnh giá xăng tăng cao như hiện nay, việc di chuyển nhiều khiến chi phí tăng cao, thu nhập của anh bị ảnh hưởng đáng kể. Hiện nay, mỗi tuần anh T. phải chi khoảng 350.000 đồng chi phí xăng. Bình quân mỗi tháng, anh T. phải chi trên 1,4 triệu đồng tiền xăng. “Giá xăng tăng cao nên thu nhập cũng bị ảnh hưởng. Công ty đang có chính sách hỗ trợ một phần tiền xăng cho nhân viên. Mức hỗ trợ đã giúp tôi giảm bớt một phần chi phí vận chuyển hàng ngày” - anh T. chia sẻ.

Ngoài ra, giá xăng dầu đang ở mức cao gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, thương mại, vận tải... Nhiều đơn vị phải điều chỉnh lại giá cước, mức phí dịch vụ để tránh bị thua lỗ.

Các mặt hàng khác tăng theo

Không chỉ ảnh hưởng mạnh tới các ngành sử dụng nhiều xăng, dầu như vận tải mà còn tác động trực tiếp đến giá hàng hóa, nhu yếu phẩm trong khâu lưu thông. Bởi xăng, dầu là chi phí đầu vào của hầu hết các ngành sản xuất hàng hóa và dịch vụ, nên khi giá xăng tăng có tác động rất lớn đến mặt bằng giá cả thị trường.

Thời điểm này, giá gas cũng trên đà "bật tăng" và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nếu thời điểm cuối năm 2021, bình gas loại 12kg có giá bán dao động từ 370.000-420.000 đồng/bình (tùy hãng cung cấp) thì hiện nay, giá bán gas đã tăng thêm khoảng 100.000 đồng/bình, dao động từ 460.000-500.000 đồng/bình.

Ngoài gas, giá nhiều loại hoàng hóa, dịch vụ, nhu yếu phẩm tăng theo. Khảo sát tại một số chợ, giá thực phẩm những ngày này liên tục leo thang. Nhiều nhóm hàng rau, củ, trái cây hiện đã tăng từ 3.000-5.000 đồng/kg so thời điểm cách đây 1 tháng. Nhiều loại nông sản có giá tăng gần gấp đôi so thời điểm cuối năm 2021. Giá nhiều mặt hàng tăng khiến cho nhiều hộ gia đình phải thắt chặt chi tiêu, điều chỉnh thói quen tiêu dùng.

Chị Thái Thị Diệu (công nhân tại Khu công nghiệp Bình Hòa, xã Bình Hòa, huyện Châu Thành) cho biết, chị cùng chồng đang ở tại một nhà trọ. Thu nhập của 2 vợ chồng khoảng 10 triệu đồng/tháng. Trước đây, mỗi tháng chị tiết kiệm được 2 triệu đồng gửi về cho gia đình. Khi giá các loại nhu yếu phẩm tăng, số tiền tiết kiệm không còn được như trước. Gia đình chị buộc phải cân đối lại các khoản chi tiêu…

Việc giá xăng, dầu liên tục tăng kéo theo giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng đã tác động không nhỏ đến đời sống của người dân, sản xuất - kinh doanh của nhiều DN nên họ phải "gồng mình" thích ứng. Trước diễn biến phức tạp theo đà tăng của giá xăng, dầu, người dân cần phải tính toán và có kế hoạch chi tiêu hợp lý để đảm bảo cuộc sống trước những thay đổi như hiện nay. Về lâu dài, người dân và DN đang kỳ vọng các biện pháp trợ giá, bình ổn giá xăng, dầu của nhà nước, để đời sống và hoạt động sản xuất - kinh doanh bớt khó khăn hơn…

ĐÌNH ĐỨC