Giá vàng hôm nay 16/8: Thế giới lao dốc, trong nước tăng dựng đứng

16/08/2023 - 08:01

Giá vàng hôm nay 16/8 trên thị trường quốc tế tiếp tục giảm do đồng USD tăng. Tuy nhiên, giá vàng trong nước vọt lên ngưỡng 67,6 triệu đồng/lượng do đồng VND suy giảm mạnh trong vài phiên gần đây.

Giá vàng trong nước

Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/8, giá vàng 9999 trong nước được SJC và Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết theo thứ tự mua vào và bán ra như sau:

SJC Hà Nội: 67.000.000 đồng/lượng - 67.620.000 đồng/lượng
Doji Hà Nội:  66.900.000 đồng/lượng -  67.650.000 đồng/lượng
SJC TP.HCM: 67.000.000 đồng/lượng - 67.600.000 đồng/lượng 
Doji TP.HCM: 67.000.000 đồng/lượng -  67.500.000 đồng/lượng

Giá vàng quốc tế

Đêm 15/8 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.902 USD/ounce. Vàng giao tháng 12 trên sàn Comex New York ở mức 1.937 USD/ounce.

Giá vàng thế giới đêm 15/8 cao hơn khoảng 4,3% (78 USD/ounce) so với đầu năm 2023. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 55,6 triệu đồng/lượng, đã bao gồm thuế và phí, thấp hơn khoảng 12 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều phiên 15/8.

Đầu phiên, có lúc giá vàng trên thị trường thế giới có lúc xuống dưới ngưỡng 1.900 USD/ounce trong bối cảnh USD tăng mạnh.

Đồng USD trên thị trường quốc tế tăng vọt vài ngày qua trong bối cảnh sức ép tỷ giá có xu hướng gia tăng ở khu vực châu Á trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ và có thể tăng lãi suất thêm 1 lần nữa (lần thứ 12) trong cuộc họp tháng 9 tới.

Nền kinh tế Mỹ vẫn khá mạnh mẽ và đây là cơ sở để ngân hàng trung ương nước này tăng lãi suất để kéo lạm phát (ở mức khoảng 4-5% như hiện tại) về mục tiêu 2%.

Giá vàng thế giới giảm, trong nước tăng mạnh. (Ảnh: KC)

Trong khi đó, nhiều nước châu Á đảo chiều chính sách tiền tệ để hỗ trợ hồi phục nền kinh tế, vốn bị ảnh hưởng bởi một chuỗi các biến cố, từ đại dịch Covid-19 cho tới xung đột tại Ukraine cũng như xuất khẩu sụt giảm do các nước phương Tây giảm tiêu dùng.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) sáng 15/8 đã bất ngờ hạ lãi suất chủ chốt với mức mạnh nhất kể từ năm 2020 trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới phục hồi chậm chạp, tỷ lệ thấp nghiệp tăng cao. Kinh tế có dấu hiệu giảm phát. 

Đồng Nhân dân tệ (NDT) và lợi suất trái phiếu ngay lập tức giảm mạnh. NDT xuống còn 7,273 NDT đổi 1 USD, mức thấp nhất trong 10 tháng qua.

Trên thế giới, đồng USD tăng khá nhanh với chỉ số DXY (đo lường biến động của đồng bạc xanh so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới) đã lên 103,1 điểm.

Ở chiều ngược lại, giá vàng trong nước lại tăng vọt lên hơn 67,6 triệu đồng/lượng (giá bán ra) do đồng USD tăng mạnh so với VND. Giá vàng quy đổi được tính theo giá USD trên hệ thống ngân hàng.

Ngày 15/8, đồng USD trên hệ thống ngân hàng tiếp tục tăng mạnh và nhiều nơi đã vượt ngưỡng 24.000 đồng/USD (bán ra), trong khi đó Ngân hàng Nhà nước công bố giá bán USD ở mức lịch sử.

Tính tới 11h20 sáng 15/8, tỷ giá USD/VND của Ngân hàng Vietcombank được niêm yết ở mức 23.695 đồng/USD (mua) và 24.035 đồng/USD (bán). So với sáng 14/8, giá bán USD của Vietcombank đã 125 đồng, tương đương mức tăng 0,52%.

Dự báo giá vàng

Giá vàng thế giới trong ngắn hạn được dự báo vẫn được hỗ trợ bởi một đồng USD mạnh lên khi mà nhiều đồng tiền châu Á vẫn chịu áp lực đi xuống. Đồng NDT khá yếu khi mà nền kinh tế Trung Quốc chưa có dấu hiệu hồi phục. Thị trường bất động sản nước này vẫn chìm trong tình cảnh ảm đạm.

Đồng bạc xanh cũng được hỗ trợ khi các tín hiệu cho thấy Fed sẽ tăng lãi suất tiếp trong cuộc họp tháng 9.

Tuy nhiên, về dài hạn, đồng USD được cho là khó thoát khỏi xu hướng đi xuống do Fed đảo chiều chính sách tiền tệ và sức mạnh thanh toán của đồng bạc xanh suy giảm khi mà nhiều nước lớn, trong đó có Trung Quốc và Nga đang loại dần đồng USD ra khỏi các giao dịch.

Theo Vietnamnet