Giá xăng tiếp tục giảm mạnh từ ngày 21/7?

17/07/2022 - 14:11

Lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu dự báo, giá bán lẻ xăng dầu có thể tiếp tục giảm mạnh trong kỳ điều hành ngày 21/7.

Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, giá xăng, dầu thành phẩm trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 13/7 tiếp tục giảm mạnh so với kỳ trước. Cụ thể, xăng RON 92 là 112,74 USD/thùng, xăng RON 95 là 118,02 USD/thùng, dầu hỏa 136,9 USD/thùng, dầu diesel 139,9 USD/thùng và dầu madut 468,4 USD/tấn. Mức giá này giảm khá mạnh so với ngày 8/7.

Trên thị trường thế giới, dù giá dầu đã phục hồi phần nào trong phiên giao dịch 15/7, tính chung cả tuần, dầu WTI vẫn giảm 6,9% và dầu Brent giảm 5,5%.

Giá xăng trong nước được dự báo tiếp tục giảm mạnh vào ngày 21/7.

Dự báo tiếp tục giảm giá xăng 

Chia sẻ với VTC News ngày 17/7, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu nói, khả năng giá các mặt hàng này tiếp tục được điều chỉnh giảm trong kỳ điều hành ngày 21/7.

“Mức giảm phụ thuộc vào biến động giá dầu thành phẩm những ngày tới, trước kỳ điều hành giá và việc điều hành quỹ Bình ổn giá (BOG). Tuy nhiên, với diễn biến giảm của giá dầu thế giới, giá xăng dầu trong nước khả năng tiếp tục giảm”, vị này nói.

Cũng theo lãnh đạo doanh nghiệp trên, trong kỳ điều hành giá ngày 21/7, Liên bộ Công Thương - Tài chính có thể tiếp tục trích lập quỹ BOG để có dư địa điều hành bình ổn giá xăng dầu cho giai đoạn các tháng cuối năm, khi thị trường xăng dầu vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn. Tuy vậy, mức trích lập sẽ không nhiều, để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân.

Tại kỳ điều hành giá ngày 11/7, Liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giảm mạnh giá xăng dầu, thực hiện đồng bộ với việc áp dụng điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường. Theo đó, xăng E5RON92 có giá 27.788 đồng/lít, sau khi giảm 3.103 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành. Xăng RON95-III giá 29.675 đồng/lít, sau khi giảm 3.088 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành.

Dầu diesel 0.05S có mức giá 26.593 đồng/lít, giảm 3.022 đồng/lít; dầu hỏa có mức giá 26.345 đồng/lít, sau khi giảm 2.008 đồng/lít; dầu madut 180CST 3.5S có mức giá 17.712 đồng/kg, sau khi giảm 2.010 đồng/kg.

Nhà điều hành đã thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá với các loại xăng ở mức 950 đồng/lít và dầu diesel ở mức 550 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 800 đồng/lít, dầu madut ở mức 950 đồng/kg. Đồng thời thực hiện dừng chi sử dụng quỹ bình ổn giá.

Liên Bộ cho hay, thị trường xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành vừa qua chịu tác động của các yếu tố kinh tế, chính trị. Giá xăng dầu diễn biến tăng giảm đan xen nhưng xu hướng chung là giảm. Việc giá xăng dầu diễn biến tăng giảm đan xen như trên do lo ngại về nguồn cung tiếp tục gặp trở ngại vì các lệnh cấm vận.

Tuy nhiên, việc ổn định sản xuất của OPEC+ và việc Mỹ thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với Iran khiến giá xăng dầu có xu hướng tăng. Bên cạnh đó, những dự báo và lo ngại về suy giảm kinh tế toàn cầu cùng với việc biến chủng mới của dịch bệnh COVID-19 có dấu hiệu diễn biến phức tạp tại một số quốc gia đã tác động đến nhu cầu xăng dầu nên giá xăng dầu có xu hướng giảm.

Có cần giảm thêm thuế?

Nhiều ý kiến cho rằng, giá xăng dầu dù đã giảm mạnh nhưng vẫn neo cao và có thể sớm tăng trở lại do giá dầu thế giới diễn biến khó lường nên vẫn cần giảm thêm thuế để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất.

Theo ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng (Hải Phòng), giá xăng giảm hơn 3.000 đồng/lít đã giúp doanh nghiệp bớt khó khăn sau thời gian dài bị “bóp nghẹt” giữa hai gọng kìm dịch bệnh COVID-19 và “bão giá” nhiên liệu.

“Doanh nghiệp nói chung và ngành vận tải nói riêng có thể tiết kiệm được rất nhiều chi phí và hoạt động tốt hơn trong bối cảnh vẫn đang nỗ lực phục hồi kinh doanh sau đại dịch COVID-19. Việc giảm sâu giá xăng dầu cho thấy cách điều hành, quản lý giá mặt hàng chiến lược này đã có những chuyển biến tích cực và hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp, người dân”, ông Hải nói.

Tuy nhiên, ông Hải kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu để góp phần giảm thêm giá nhiên liệu thời gian tới. "Mức giảm 3.000 đồng/lít xăng, dầu như hiện nay mới chỉ giảm khoảng 10%, trong khi đó, so với cuối năm ngoái, giá xăng dầu đã tăng đến trên 50%", ông Hải tính.

Ông Đỗ Quốc Huy, lãnh đạo một doanh nghiệp vận tải chuyên tuyến Thái Bình - Hà Nội, Thái Bình - Quảng Ninh nêu quan điểm, mức giảm hơn 3.000 đồng/lít xăng tuy rất quý và tác động tích cực nhưng vẫn không như kỳ vọng bởi theo tính toán, giá xăng có thể giảm được 4.500 - 5.000 đồng/lít, giá dầu có thể giảm ít nhất 4.000 đồng/lít nếu không thực hiện trích lập quỹ bình ổn.

Trong khi đó, theo giới chuyên gia, khi giá dầu thế giới tiếp tục biến động phức tạp, trong các kỳ điều hành tới, giá bán lẻ xăng dầu trong nước chịu áp lực tăng rất lớn. Trong bối cảnh quỹ bình ổn đã cạn kiệt, giải pháp khả thi hơn cả để điều tiết giá xăng dầu là giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng.

Chuyên gia kinh tế, TS Bùi Trinh, phân tích, ngoài việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn, cơ quan quản lý cần sớm giảm thêm các sắc thuế khác như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT… Có như vậy mới làm “nguội” bớt sức nóng của giá mặt hàng chiến lược quan trọng này.

“Trường hợp giá dầu thế giới tiếp tục diễn biến tiêu cực, việc tính toán giảm thêm các loại thuế là cần thiết để giữ ổn định giá bán lẻ xăng dầu trong nước”, ông Trinh nói.

Theo HÒA BÌNH (VTC News)