Gỡ khó cho xuất khẩu
Nhằm giải tỏa “cơn khát” thiếu container hiện nay, mới đây Tập đoàn Hòa Phát đã lên kế hoạch sản xuất vỏ container. Theo đó, Hòa Phát cho biết, sẽ hoàn thiện các thủ tục và khởi công xây dựng nhà máy sản xuất vỏ container ngay trong tháng 6-2021. Dự án nhà máy sản xuất container rỗng của Hòa Phát có quy mô công suất 500 nghìn TEU/năm, tập trung các sản phẩm container phổ biến, có chiều dài 20-40feet. Trong đó, modul giai đoạn 1 có công suất 180 đến 200 nghìn TEU/năm.
Dự án của Hòa Phát đang mang lại kỳ vọng rất lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu vốn đang chịu ảnh hưởng rất nặng nề bởi tình trạng thiếu container rỗng và cước tàu biển tăng mạnh thời gian vừa qua. Đơn cử, ông Nguyễn Văn Sang, Giám đốc điều hành của Furnist cho biết, nếu như trước dịch bệnh Covid-19, giá cước vận chuyển một lô hàng từ Việt Nam đến cảng Hamburg của Đức chỉ khoảng 3.000 USD thì nay tăng thêm khoảng 5.000 USD. Do bán theo hình thức FOB nên đối tác của doanh nghiệp này rất ngại chuyện đặt các đơn hàng mới, do giá vận chuyển đã bằng giá hàng. Từ đó ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh doanh của công ty.
Chưa kể, tình hình thiếu container khiến doanh nghiệp dù có muốn trả giá cao để có container cũng không dễ. Ông Sang chỉ rõ, thông thường muốn ship một container hàng thì chúng tôi phải hẹn vài lần, ảnh hưởng đến tiến độ và thời gian giao hàng.
Hoạt động xuất khẩu đang ảnh hưởng lớn bởi sự thiếu hụt container.
Tương tự, nếu tháng 11-2020, Công ty Chế biến thủy sản xuất khẩu Minh Hải phải trả khoảng 3.600 USD/container cho một chuyến tàu đi Mỹ thì đến tháng 3-2021 mức cước này đã tăng đến 7.000 USD và hiện đã chạm ngưỡng 11.500 USD/container. Do giá cước vận chuyển tăng chóng mặt, tiền lãi một container không đủ bù đắp phí vận tải nên công ty không dám xuất hàng và sản xuất hàng cho thị trường Mỹ.
Lý giải về nguyên nhân khiến mức cước tàu biển tăng cao đột biến trong thời gian qua, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, từ những tháng cuối năm 2020 đến nay đã xảy ra hiện tượng giá cước tàu biển cũng như cước thuê container đã tăng cao một cách bất thường. Điều này một phần có nguyên nhân từ việc các cảng trọng điểm khu vực châu Âu và Hoa Kỳ, Bắc Mỹ do tác động của dịch Covid-19 nên năng lực bóc gỡ cũng như xử lý hàng hóa bị suy giảm. Điều này dẫn đến tình trạng ùn tắc ở các cảng, khiến các tàu container không thể thông quan ở các cảng đó, gây thiếu hụt container trong nước và giá cước tăng cao.
Chưa kể, Việt Nam cũng có đội tàu, nhưng còn nhỏ bé, công suất nhỏ, không đủ sức để vượt đại dương nên việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu đến các thị trường xa xôi như châu Âu, châu Mỹ... phải phụ thuộc vào các hãng tàu nước ngoài.
Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, đội tàu biển vận tải mang cờ quốc tịch Việt Nam có 1.049 tàu với tổng trọng tải khoảng 9,3 triệu DWT. Trong đó, tàu hàng rời, tổng hợp có 764 tàu, còn lại là tàu chở dầu, hóa chất; tàu chuyên dụng chở khí hóa lỏng; tàu chở khách và tàu container. Số lượng tàu container chỉ có 38 chiếc.
Những tín hiệu vui
Trong bối cảnh khó khăn như vậy, việc có được các doanh nghiệp đi đầu trong sản xuất container rỗng là tín hiệu đáng mừng. Ông Vũ Đức Sính, Giám đốc Công ty CP Sản xuất Container Hòa Phát cho biết, quy mô sản xuất lớn, lợi thế chủ động hoàn toàn được nguồn nguyên liệu cùng với kinh nghiệm điều hành sản xuất của Hòa Phát là những yếu tố đảm bảo chất lượng và giá thành sản phẩm vỏ rỗng hoàn toàn có thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc. “Sản xuất container là sản phẩm giá trị gia tăng nằm trong hệ sinh thái sản xuất gang thép của Hòa Phát. Dự kiến đầu quý 2-2022, những sản phẩm container rỗng đầu tiên mang thương hiệu Hòa Phát sẽ có mặt trên thị trường", ông Vũ Đức Sính chia sẻ.
Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Trần Thanh Hải chỉ rõ, nếu như trước đây chúng ta chưa có doanh nghiệp sản xuất container quy mô lớn thì do tình trạng thiếu hụt container nên đã bắt đầu có những doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến vấn đề về sản xuất cũng như xuất khẩu container. Chúng ta không thể làm được trong ngày một ngày hai nhưng có thể trong một, hai năm tới thì có cơ hội. Đây cũng được kỳ vọng sẽ là một hướng đi mới trong sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam. Thực tế này cũng cho thấy trong khó khăn do các yếu tố dịch bệnh, doanh nghiệp vẫn tìm được cơ hội để vượt qua khó khăn, đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế.
Về phía doanh nghiệp xuất khẩu, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP nông nghiệp Công nghệ cao Trung An kỳ vọng việc có được các doanh nghiệp sản xuất container sẽ giúp tháo gỡ một phần khó khăn cho hoạt động xuất khẩu hiện nay. Ông cũng khẳng định: Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để sản xuất vỏ container, cũng có đủ sức để có được đội tàu biển vận tải hiện đại, đủ năng lực chở hàng xuất khẩu nếu như có đủ các cơ chế tạo thuận lợi từ phía Nhà nước.
Theo HÀ ANH (Báo Nhân Dân)