Giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công

05/07/2024 - 07:22

 - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2023 của tỉnh An Giang đạt 41,85 điểm, xếp hạng 35/63 tỉnh, thành phố cả nước (tăng 9 bậc so năm 2022), nằm trong nhóm các tỉnh đạt điểm trung bình thấp; xếp hạng 3/13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL. Để nâng cao kết quả xếp hạng Chỉ số PAPI năm 2024, UBND tỉnh đề ra nhiều giải pháp cải thiện chất lượng quản trị và hành chính công từ tỉnh đến cơ sở, đáp ứng sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước.

Giải quyết đúng hạn hồ sơ thủ tục hành chính là một trong những giải pháp quan trọng nâng cao sự hài lòng của người dân

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước yêu cầu, việc nâng cao Chỉ số PAPI tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC,VC) các cấp, ngành và địa phương; huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của các cấp chính quyền. Do đó, cần triển khai kế hoạch thực hiện các giải pháp nâng cao Chỉ số PAPI trong toàn ngành, địa phương, tạo chuyển biến tích cực và hiệu quả nhất của CB,CC,VC, nhất là với cấp chính quyền cơ sở.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh An Giang, các địa phương đã xây dựng kế hoạch thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công năm 2024, chủ động triển khai có hiệu quả những nhiệm vụ thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, những quy định mới của Trung ương, của tỉnh trong Nhân dân bằng nhiều hình thức, như: phổ biến qua các cuộc hội nghị, họp giao ban, thông tin tuyên truyền qua Cổng thông tin điện tử, hệ thống đài truyền thanh cấp huyện, cấp xã và các hình thức phổ biến khác. Qua đó, giúp người dân dễ dàng tiếp cận và thực hiện các quy định của pháp luật liên quan.

Tỉnh tăng cường chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công, những quy định của pháp luật liên quan đến việc cung ứng dịch vụ công, thủ tục hành chính (TTHC) công... để nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân. Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về các nội dung liên quan đến Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Phòng, chống tham nhũng và các nội dung khác của Chỉ số PAPI.

Sở Nội vụ An Giang cho biết, sẽ tổ chức bồi dưỡng nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, kiến thức về kỹ năng hành chính; văn hóa, đạo đức công vụ; kỹ năng nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công cho CB,CC,VC. Thực hiện tốt các quy định về công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý CB,CC,VC; thực hiện nghiêm các quy định về công tác tổ chức, cán bộ. Trình UBND tỉnh khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong thực hiện các giải pháp nâng cao thứ hạng Chỉ số PAPI của tỉnh.

Đồng thời, phối hợp UBMTTQVN tỉnh, các sở, ngành và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền ý nghĩa, tác động của cải cách hành chính gắn với các nội dung Chỉ số PAPI. Đặc biệt, kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của CB,CC,VC; tham mưu xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu trong thực thi công vụ và cung ứng các dịch vụ hành chính công cho người dân, tổ chức.

Văn phòng UBND tỉnh đôn đốc công bố, công khai danh mục TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Đôn đốc sở, ban, ngành tỉnh nhập, đăng tải công khai TTHC vào Cơ sở dữ liệu quốc gia sau khi công bố, công khai các khoản phí, lệ phí liên quan việc thực hiện các TTHC tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp. Công khai tiến độ, kết quả giải quyết TTHC của người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Tham mưu UBND tỉnh thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”.

UBND TP. Long Xuyên cho biết, để nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ công trực tuyến năm 2024, TP. Long Xuyên đã đề ra nhiều giải pháp, chỉ tiêu cần hoàn thành, như: Tỷ lệ thanh toán trực tuyến tại Cổng dịch vụ công quốc gia trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công đạt tối thiểu 45%; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trên tổng số hồ sơ tiếp nhận, giải quyết TTHC đạt tối thiểu 50%; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt tối thiểu 100%... Đồng thời, phát huy vai trò tổ công nghệ số tại cộng đồng trong tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp cách thức đăng ký, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến...

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp doanh nghiệp, nhà cung cấp gia tăng nhiều ứng dụng, dịch vụ trên môi trường Internet đến người dùng, kết nối Internet tại nhà, hỗ trợ điện thoại thông minh, máy tính bảng, giúp người dân dễ dàng tiếp cận thông tin qua Internet, tạo tiền đề tốt hướng đến triển khai chính quyền điện tử, chính quyền số. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp thực hiện các giải pháp phòng ngừa, ứng phó phù hợp, kịp thời các vấn đề bức xúc, nhạy cảm và cấp bách về môi trường và đất đai trên địa bàn...

Chỉ số PAPI là công cụ đánh giá mức độ cải thiện của các cấp chính quyền, phản ánh tiếng nói của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý Nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp. Các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường vai trò, trách nhiệm trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, lấy người dân làm trung tâm phục vụ, nhất là ở cơ sở... góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, minh bạch, liêm chính, kiến tạo, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì Nhân dân phục vụ.

HẠNH CHÂU