Giải quyết tranh chấp về đất đai

18/04/2023 - 05:49

 - Theo phản ánh của bà Trần Thị Việt (sinh năm 1946, ngụ xã Phú Hữu, huyện An Phú), sau khi chuyển nhượng một phần diện tích đất cho người khác, khi nhận lại “giấy đỏ” mới thì bị mất 2.548m2 đất. Bà cho rằng có sự cấu kết chiếm đất của bà.

Bà Trần Thị Việt cho biết, ngày 9/3/2012, bà được UBND huyện An Phú cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) với diện tích 16.756m2, liền kề phần đất của người em chồng. Về sau, người em chồng bán đất cho ông Hồ Văn N. Tháng 8/2012, bà chuyển nhượng 10.000m2 đất và giao GCNQSDĐ cho ông Hồ Văn M. để tách diện tích. Đến năm 2017, bà nhận lại GCNQSDĐ mới nhưng diện tích chỉ còn 4.208m2 đất, mất 2.548m2 đất.

Bà Việt khiếu nại, cho rằng cán bộ UBND xã Phú Hữu cắt xén đất của mình, bán cho ông Hồ Văn M. và hộ liền kề là ông Hồ Văn N. Như vậy, hành vi của cán bộ đó có phải là cố ý chiếm đoạt tài sản của gia đình bà? Theo quy định của pháp luật, sẽ xử lý ra sao? Trường hợp này, UBND xã Phú Hữu giải quyết như thế nào để đảm bảo quyền lợi cho người dân, địa phương có làm đúng quyền hạn và trách nhiệm của mình chưa?

Đơn khiếu nại của bà Trần Thị Việt

Thông qua Báo An Giang, trả lời phản ánh của bà Trần Thị Việt, luật sư Phan Văn Được (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, Điều 228 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định hành vi vi phạm các quy định về sử dụng đất đai: “Người nào lấn chiếm đất, chuyển QSDĐ hoặc sử dụng đất trái với các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 50-500 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp có tổ chức, phạm tội 2 lần trở lên, tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng”.

Nếu không đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự, theo Nghị định 102/2014/NĐ-CP của Chính phủ (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai), đối với hành vi lấn, chiếm đất ở, phạt tiền từ 5-10 triệu đồng. Ngoài mức phạt tiền nói trên, người có hành vi lấn, chiếm đất còn bị áp dụng thêm biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm; buộc trả lại đất đã lấn, chiếm.

Nếu bà Trần Thị Việt có đầy đủ căn cứ chứng minh hành vi của các cá nhân lừa đảo hoặc lấn chiếm đất trái với quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này (chưa xóa án tích mà còn vi phạm) thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai” theo quy định tại Điều 228. Tuy nhiên, theo hồ sơ có được cho thấy, trường hợp bà Việt nêu không thể hiện yếu tố cấu thành tội phạm, vi phạm pháp luật về đất đai.

Luật Đất đai năm 2013 quy định về hòa giải tranh chấp đất đai, nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải ở cơ sở. Các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất để hòa giải. Chủ tịch UBND xã có trách nhiệm tổ chức hòa giải tranh chấp. Quá trình thực hiện phải phối hợp với UBMTTQVN cấp xã và các tổ chức thành viên của MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội khác có liên quan. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương thực hiện không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp.

Trong trường hợp của bà Việt và 2 bên gia đình có đất ở liền kề, có thể thương lượng, hòa giải. Nếu không thể tự hòa giải được thì UBND xã là cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành hòa giải tranh chấp. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho mình, đương sự phải gửi đơn đến UBND xã Phú Hữu yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai. Trong 45 ngày kể từ ngày nhận đơn, Chủ tịch UBND xã phải xem xét giải quyết. Nếu không giải quyết hoặc có hòa giải nhưng không hòa giải được thì Chủ tịch UBND xã lập thành biên bản hòa giải (có chữ ký của các bên) và có xác nhận (hòa giải thành hoặc hòa giải không thành) của UBND cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp.

Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì UBND cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT). Với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau, gửi đến Sở TN&MT. Theo đó, Phòng TN&MT, Sở TN&MT trình UBND cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất; cấp mới GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Theo hồ sơ cho thấy, bà Trần Thị Việt nhiều lần yêu cầu địa phương giải quyết tranh chấp đất đai. Đến tháng 10/2022, UBND xã Phú Hữu tiếp tục hòa giải về việc bà Việt yêu cầu đo lại đất thực tế của ông Hồ Văn M. sử dụng, nhưng hòa giải không thành. Do đất của 2 bên đều có GCNQSDĐ, nếu không đồng thuận, một bên tranh chấp có thể khởi kiện vụ việc đến Tòa án nhân dân huyện An Phú xem xét, giải quyết theo quy định.

N.R