Giảng dạy bậc tiểu học trong tình hình dịch bệnh

16/11/2021 - 06:28

 - Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) An Giang, sau nhiều tuần thực dạy ở cấp tiểu học, đến nay, các trường đã dần thích ứng, từng bước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức dạy học. Sở GD&ĐT tiếp tục hướng dẫn triển khai các hoạt động giáo dục, trong đó có các hình thức dạy và học linh hoạt, phù hợp với diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Theo ghi nhận sau nhiều tuần thực dạy đối với cấp tiểu học, đến nay, các trường dần đạt được mục tiêu giáo dục, từng bước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức dạy học đối với cấp tiểu học. Chị Loan (ngụ phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) cho biết: “Thời gian đầu thì việc học của con cũng khó khăn, việc kết nối mạng bị trục trặc… Mấy tuần nay, việc học dần ổn định, ý thức học tập nâng lên. Con tự giác làm bài, vào lớp trước giờ học, chăm chú lắng nghe và tham gia phát biểu”.

Nhằm thực hiện chủ trương “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, đồng thời thực hiện tốt “mục tiêu kép” trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Sở GD&ĐT đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hướng dẫn các cơ sở giáo dục triển khai các hoạt động giáo dục, trong đó có các hình thức dạy và học linh hoạt, phù hợp với diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Nhiều cơ sở giáo dục trong tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp với chỉ đạo của ngành và điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị. Nhiều trường đã thực hiện khảo sát và đề ra các giải pháp nhằm hỗ trợ giáo viên, học sinh, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trực tuyến.

Ảnh: TRÚC PHA

“Trên cơ sở nội dung do nhà trường cung cấp, giáo viên truyền tải thêm những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm bổ ích khác của bản thân nhằm giúp học sinh biết được các kỹ năng giữ an toàn cho bản thân khi tham gia học trực tuyến. Phối hợp phụ huynh khuyến cáo sử dụng thiết bị học, hệ thống điện, quản lý giờ và điều kiện học tập, sạc pin điện thoại đầy trước khi học, không vừa sạc điện thoại vừa sử dụng... nhằm kịp thời phát hiện và khắc phục các sự cố bất thường, phòng tránh tai nạn thương tích” - cô Anh Thư (giáo viên dạy tiểu học ở huyện An Phú, tỉnh An Giang) chia sẻ.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang Nguyễn Quốc Khanh vừa ký công văn yêu cầu các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện đa dạng các hình thức dạy học phù hợp với tình hình thực tế khi học sinh chưa thể đến trường do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19: dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình (ATV, MyTV và các kênh truyền hình giáo dục khác…), giao bài tự học, đăng tải video bài giảng hoặc nội dung tóm tắt bài học trên website của nhà trường, nhất là các môn chưa thực hiện dạy học trực tuyến… theo hướng chủ động, linh hoạt, lựa chọn nội dung trọng tâm, cốt lõi để giảng dạy, rèn luyện các kỹ năng cơ bản cần thiết cho học sinh để làm cơ sở đánh giá theo quy định.

Theo đó, nội dung, chương trình, môn học, thời lượng dạy học khi lên lớp được các trường chủ động, linh hoạt nhưng phải đảm bảo khoa học, vừa sức của học sinh, không để các em tiếp xúc nhiều thời gian trên máy tính điện thoại. Nền tảng của nội dung dạy học vẫn là cung cấp các kỹ năng nghe - nói - đọc - viết, tính toán cần thiết, lồng ghép giáo dục đạo đức (đối với học sinh lớp 1, 2) và kỹ năng viết đúng chính tả, khả năng luyện từ, đặt câu, cách viết đoạn văn, bài văn, làm toán đúng và lồng ghép giáo dục đạo đức (đối với học sinh lớp 3, 4, 5).

Ngoài ra, tùy tình hình thực tế của các trường, có thể bổ sung một số hoạt động vui chơi, giải trí và hoạt động bổ trợ hình thành kỹ năng, như: âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục thể chất giúp học sinh cảm thấy không nhàm chán khi tham gia học trực tuyến. Đặc biệt, quan tâm hướng dẫn học sinh các bài thể dục thư giãn về mắt, tư thế ngồi học đúng cách, giữ gìn vệ sinh cá nhân, phòng, chống dịch bệnh… Tiếp tục phối hợp quay video ngân hàng bài giảng đảm bảo chất lượng về nội dung, kỹ thuật, phù hợp với đặc trưng của từng môn học và hoạt động giáo dục, đáp ứng yêu cầu sử dụng chung cho các địa phương trong tỉnh.

Sở GD&ĐT An Giang yêu cầu tăng cường liên hệ với phụ huynh học sinh, tranh thủ sự đồng thuận, cảm thông, đồng hành, chia sẻ của phụ huynh với những khó khăn của nhà trường trong giai đoạn hiện nay. Thống nhất với phụ huynh một số khung giờ dạy học phù hợp để phân hóa lớp học theo điều kiện sinh hoạt của học sinh và phụ huynh trong ngày.

Hiệu trưởng các trường tiểu học có biện pháp khảo sát nắm tình hình về chất lượng, hiệu quả sau thời gian tổ chức dạy học (mức độ đạt được của học sinh về kiến thức và kỹ năng). Tiếp tục nghiên cứu góp ý cho dự thảo hướng dẫn tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh, chuẩn bị các điều kiện, phương án để tổ chức kiểm tra trực tuyến đảm bảo khách quan, công bằng khi học sinh chưa thể trở lại trường học trực tiếp do dịch bệnh còn phức tạp kéo dài.

HỮU HUYNH