Gìn giữ và phát huy di sản Hội An

09/02/2025 - 08:23

Phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) không chỉ là bảo tàng sống lưu giữ giá trị kiến trúc cổ kính mà còn là một không gian văn hóa đầy sức sống. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, quần thể kiến trúc cổ đặc trưng Hội An đã bước sang trang mới. Cùng với những không gian nhà cổ quyến rũ, ẩn sâu bên trong vẻ đẹp trầm mặc của phố cổ là cả một kho tàng văn hóa được bảo tồn, phục dựng một cách sáng tạo, làm nên hồn cốt một đô thị cổ di sản.

Một góc trong phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam).

25 năm trôi qua kể từ khi Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, bằng những nỗ lực không ngừng để bảo tồn và phát huy giá trị của một trong những đô thị cổ độc đáo bậc nhất Đông Nam Á, phố cổ Hội An đã trở thành biểu tượng của sự kết hợp hài hòa giữa gìn giữ di sản và phát triển kinh tế bền vững.

Gìn giữ hồn cốt di sản

Hội An hiện đã có bốn làng nghề và một nghề truyền thống được công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia; một số nghề truyền thống khác đang làm hồ sơ đề nghị được công nhận. Hệ sinh thái các làng nghề, cộng đồng làng nghề cùng các tập quán, sinh hoạt, tín ngưỡng lâu đời của cư dân địa phương đã góp phần truyền cảm hứng, hình thành và nuôi dưỡng sự phong phú, đa dạng của nhiều loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo như: Hát bả trạo, hò khoan, hô hát bài chòi, thơ ca, hò vè, hát bội, múa nghi lễ, tạo hình dân gian…, nổi bật nhất là nghệ thuật bài chòi đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2017. Qua đó, phản ánh chân thực, sinh động những đặc điểm văn hóa-xã hội của vùng đất và trở thành một phần thiết yếu trong đời sống tinh thần của người dân Hội An.

Trong những năm qua, Hội An đã dày công chăm lo, đào tạo bồi dưỡng và thu hút những nhân tố có năng khiếu, đam mê, tham gia trực tiếp vào các chương trình trình diễn nghệ thuật, nhất là nghệ thuật dân gian. Hội An bây giờ đã có hẳn một lực lượng diễn viên, nghệ nhân biểu diễn đầy bản sắc, đậm chất Hội An, trở thành vẻ đẹp dễ nhận diện cho Hội An, khi trình diễn trong không gian đô thị cổ hay bất cứ đâu theo lời mời từ các chương trình nghệ thuật trong nước cũng như quốc tế.

Hội An đã phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể và đã thành công trong việc tạo nên các sản phẩm du lịch văn hóa, phục vụ nhu cầu thưởng lãm của du khách; đồng thời góp phần thổi hồn nghệ thuật cho di sản. Từng ngày, từng giờ, Hội An chắt chiu, gìn giữ, tiếp biến và nâng tầm các sản phẩm, phát huy nguồn nhân lực để sản phẩm đậm chất liệu dân gian, đậm đà bản sắc truyền thống của dân tộc. Đó cũng chính là cách làm hiệu quả để bảo tồn, lưu giữ và phục dựng các giá trị nghệ thuật cổ truyền, gìn giữ hồn cốt di sản.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Văn Lanh chia sẻ, Hội An là thành phố di sản, nhưng là di sản sống. Người dân bao đời nay sống trong di sản, sống cùng di sản, sống với di sản và sống vì di sản. Hơn ai hết người dân thấu hiểu điều đó cho nên phải dựa vào người dân để bảo tồn và phát huy di sản.

“Các thế hệ tiền nhân ở Hội An đã tạo dựng nên đô thị - thương cảng quốc tế một thời phồn thịnh, để lại cho con cháu đời sau những di sản vô giá. Các thế hệ cư dân Hội An tiếp nối giữ gìn và sáng tạo nên những giá trị mới, làm cho di sản ông cha đã tạo dựng thêm lung linh, tỏa sáng”, ông Nguyễn Văn Lanh nhấn mạnh.

Các thế hệ tiền nhân ở Hội An đã tạo dựng nên đô thị - thương cảng quốc tế một thời phồn thịnh, để lại cho con cháu đời sau những di sản vô giá. Các thế hệ cư dân Hội An tiếp nối giữ gìn và sáng tạo nên những giá trị mới, làm cho di sản ông cha đã tạo dựng thêm lung linh, tỏa sáng - Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố

Từ khi trở thành Di sản văn hóa thế giới, chính quyền và người dân Hội An đã có nhiều biện pháp gìn giữ, phát huy và nâng tầm giá trị di sản. Không chỉ trùng tu, tôn tạo, bảo vệ từng giá trị văn hóa vật thể, Hội An đã phát huy vai trò của văn hóa phi vật thể vốn có trong lòng di sản. Rất nhiều thành quả đạt được, song Hội An cũng không thể tránh khỏi việc đối diện với những thách thức, những tác động không mong muốn đến di sản.

Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An cho rằng, khi được công nhận Di sản văn hóa thế giới thì kinh tế Hội An phát triển, đời sống nhân dân khá lên, nhưng tất cả chỉ tập trung vào phát triển phố cổ thì sự tĩnh lặng của Hội An sẽ mất đi. Nếu Hội An náo nhiệt như những thành phố khác thì đâu còn là Hội An nữa. Vì lẽ đó, việc đặt vấn đề con người Hội An trong bảo tồn di sản bắt đầu từ văn hóa ứng xử, nếp sống là vấn đề số một. “Phố cổ có thể còn đó, nhà cổ còn đó, con đường, hội quán, đình chùa có thể còn đó, nhưng nếp sống bị phai nhạt, thậm chí bị thay đổi thì đặc trưng Hội An hiền hòa, chậm rãi, yên tĩnh, hiếu khách, lịch sự không cẩn thận sẽ chỉ còn là ký ức, mất đi hồn cốt của di sản”, ông Nguyễn Sự trăn trở.

Nhìn nhận Hội An trong chặng đường một phần tư thế kỷ qua, dẫu còn đó những thách thức, những trăn trở, song một đô thị di sản sống vẫn tiếp tục được gìn giữ. Người dân Hội An vẫn phải bắt kịp với cuộc sống hiện đại, không thể để tụt hậu, nhưng cũng không đánh mất giá trị văn hóa của di sản. Với mỗi người Hội An, di sản vẫn luôn được giữ trong tim, từ từng thực thể di tích, cho đến phần hồn cốt làm nên giá trị phi vật thể của di sản.

Phát huy giá trị di sản

Chính quyền và người dân Hội An không chỉ giữ được một bảo tàng sống của kiến trúc và lối sống đô thị biểu tượng cho sự giao thoa văn hóa Đông-Tây độc đáo, mà còn phát huy tốt những giá trị ấy vì mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững di sản này. Từ một thương cảng quốc tế sầm uất hàng trăm năm trước, Hội An hiện còn giữ được 27 di tích cấp quốc gia, 49 di tích cấp tỉnh và hơn 1.330 di tích nằm trong danh mục bảo vệ của thành phố. Tất cả tạo nên một không gian kiến trúc độc đáo, giao thoa giữa phong cách Việt, Hoa, Nhật và phương Tây.

Từ năm 2008 đến nay, có hơn 400 di tích tại phố cổ Hội An đã được tu bổ với kinh phí hơn 150 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và sự đóng góp của cộng đồng, trong đó, đã hoàn thành việc hạ giải trùng tu di tích mang tính biểu tượng của Hội An là Chùa Cầu.

Không chỉ giữ được những kiến trúc cổ kính, việc trở thành Di sản văn hóa thế giới cũng đã tạo điều kiện để Hội An bảo tồn, nuôi dưỡng những không gian văn hóa đặc sắc, từ những làng nghề nổi danh hàng trăm năm như gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng, rau Trà Quế... cho tới những phong tục, tập quán, tín ngưỡng và nghệ thuật dân gian đặc sắc như Lễ hội Nguyên tiêu, hô hát bài chòi, Tết Trung thu...

Những di sản phi vật thể, nghệ thuật dân gian đa dạng, phong phú ở Hội An đã trở thành sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Giờ đây, Hội An được xem là hình mẫu trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản nhờ sự đồng thuận, chung tay của cộng đồng người dân, doanh nghiệp và chính quyền thành phố. Những sáng kiến nổi bật như: Phố không động cơ, giảm thiểu rác thải nhựa, các tour du lịch sinh thái du khách tham gia bảo vệ môi trường… đã được triển khai hiệu quả. Việc được gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thủ công và văn nghệ dân gian cũng tạo điều kiện để Hội An tiếp tục theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững.

Kể từ ngày đô thị cổ Hội An được vinh danh Di sản văn hóa thế giới, văn hóa Hội An ngày càng được nhận diện đầy đủ hơn với tư cách là một phức hợp di sản lịch sử, văn hóa, nhân văn, kiến trúc đô thị. Quần thể kiến trúc đô thị cổ nói riêng, di sản văn hóa Hội An nói chung được quản lý, bảo tồn và phát huy ngày càng tốt hơn, có hiệu quả hơn, được UNESCO và các tổ chức quốc tế đánh giá cao, trao tặng nhiều giải thưởng. “Có được như bây giờ là sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hội An, với sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp trung ương và tỉnh Quảng Nam, các tổ chức, bạn bè quốc tế. Di sản văn hóa Hội An đã thật sự trở thành nền tảng, bệ phóng, động lực và mục tiêu của sự phát triển kinh tế-xã hội, góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành kinh tế du lịch-dịch vụ Hội An, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân”, ông Nguyễn Văn Lanh nhấn mạnh.

Từ một đô thị cổ khiêm nhường, Hội An nay đã vươn lên thành một điểm đến du lịch nổi tiếng. Nếu năm 1999, Hội An chỉ đón gần 100 nghìn lượt du khách, đến nay con số này đã vượt mốc 3 triệu lượt, thậm chí có những năm đạt hơn 5 triệu lượt khách. Thành phố cổ kính, trầm mặc này không chỉ hấp dẫn du khách bởi cảnh quan thơ mộng mà còn bởi sự chân thành, mến khách của người dân địa phương. Nhờ sự phát triển của ngành du lịch, cơ cấu kinh tế của Hội An đã thay đổi đáng kể.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu chia sẻ: Đến nay, đô thị cổ Hội An đã trải qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp, vẫn giữ được vẻ trầm mặc, cổ kính; không gian quần thể kiến trúc đô thị truyền thống được bảo tồn gần như hoàn hảo. Trong thời gian tới, Di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An sẽ tiếp tục được bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống đương đại. Từ đó, góp phần xây dựng Hội An trở thành thành phố sinh thái-văn hóa-du lịch đến năm 2030; hướng đến xác lập vai trò Hội An là động lực trong phát triển du lịch-dịch vụ của khu vực duyên hải miền trung và cả nước, vươn tầm ra khu vực châu Á, là điểm đến hấp dẫn của thế giới.

Theo Báo Nhân Dân