Tuần trước, giá lúa, gạo nguyên liệu và gạo thành phẩm đều tăng khá mạnh tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vì nguồn cung không còn nhiều. Vì giá gạo Việt Nam cao nên Philippines đành ra về tay trắng trong phiên đấu thầu ngày 27-4.
Xuất khẩu lúa gạo trong tháng 4 ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc. Ảnh: IT.
Theo số liệu của Cục Trồng trọt - Bộ NNPTNT, tính đến thời điểm cuối tháng 4.2018, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã thu hoạch được 1,550 triệu ha lúa vụ Đông Xuân 2017 – 2018 với năng suất khoảng 6,7 – 6,8 tấn/ha. Trong khi đó, vụ Hè Thu 2018 đã xuống giống được 650.000 ha trên tổng diện tích kế hoạch 1,650 triệu ha
Tuần trước, giá gạo 5% tấm của Việt Nam giao tại cảng Sài Gòn tăng lên 445 – 450 USD/tấn (giá FOB), tăng 7 – 10 USD so với tuần trước nữa. Điều đáng nói là, nhu cầu mua hàng rất cao nhưng nguồn cung lại đang giảm dần. Trước đó, ngày 27.4, phía Philippines đã gặp gỡ các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam và Thái Lan để thảo luận về hợp đồng nhập khẩu 250.000 tấn gạo nhưng do giá gạo Việt Nam tăng quá cao nên cuộc thương thảo đã thất bại.
Trong khi giá gạo Việt Nam đang trên đà khởi sắc thì gạo của Thái Lan và Ấn Độ lại có xu hướng giảm. Cụ thể, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ tuần qua giảm 8 USD về 409 – 413 USD/tấn, mức thấp nhất trong hơn 4 tháng qua.
Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm xuất tại cảng Bangkok cũng giảm về 440 – 445 USD/tấn, giảm 5 – 9 USD so với tuần trước nữa.
Trong khi đó, việc Tổng thống Philippines quyết định bỏ hạn ngạch nhập khẩu gạo, cho phép doanh nghiệp tư nhân mua nhiều gạo hơn để đảm bảo có đủ nguồn cung cho thị trường trong nước cũng được đánh giá sẽ tác động lớn đến thị trường lúa gạo khu vực trong thời gian tới.
Với quyết định bỏ hạn ngạch nhập khẩu gạo, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho rằng có thể tránh được tình trạng thiếu hụt gạo trong nước. Thực tế, mới đây Philippines đã thất bại trong việc đàm phán mua 250.000 tấn gạo từ chính phủ Việt Nam và Thái Lan vì giá chào bán lần đầu cao hơn nhiều giá tham chiếu mà Philippines đưa ra.
Theo đó, Thái Lan chào 530 USD/tấn cho 120.000 tấn gạo 25% tấm; Việt Nam chào 530 USD/tấn cho 50.000 tấn gạo 15% tấm và 521 USD/tấn cho 100.000 tấn gạo 25% tấm. Từ diễn biến của phiên đấu giá này cho thấy, gạo Việt Nam ít nhiều đã được nâng tầm so với gạo Thái Lan.
Xuất khẩu gạo trong quý 1 năm nay biến động liên tục, sau khi tăng mạnh trong tháng đầu năm, thì tháng 2 sụt giảm, tuy nhiên sang tháng 3/2018 lại tăng đến 93,9% so với tháng trước, đạt 658.818 tấn, kim ngạch cũng tăng trên 100%, đạt 338,44 triệu USD. Giá gạo xuất khẩu tháng 3 tăng 3,3%, đạt 513,7 USD/tấn.
Tính chung trong cả quý 1/2018, lượng gạo xuất khẩu của cả nước tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 1,49 triệu tấn và kim ngạch tăng 31,8%, đạt 744,96 triệu USD. Giá xuất khẩu gạo trung bình trong quý 1 tăng 14,2% so với quý 1/2017, đạt mức 501 USD/tấn.
Điều đáng chú ý là, quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở các địa phương đã giúp nâng cao chất lượng lúa gạo. Cơ cấu gạo đã chuyển dịch theo hướng giảm phân khúc gạo chất lượng trung bình và thấp, tăng phân khúc gạo chất lượng cao theo từng năm. Nhờ đó, từ cuối năm 2017 đến nay, giá gạo xuất khẩu của nước ta liên tục tăng trưởng và hiện đạt mức cao hơn các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ từ 50 - 100 USD/tấn.
Theo các chuyên gia, việc chuyển dịch cơ cấu gạo xuất khẩu là điều bắt buộc để phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện nay trên thế giới. Trong một cuộc họp báo, Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn cũng khẳng định: Giá xuất khẩu gạo có xu hướng tăng nhờ chất lượng gạo Việt Nam được nâng cao. Trước đây, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu gạo thường như IR 50404, nhưng nay chủ yếu là gạo nếp, gạo thơm, jasmine… Năm 2017, trong cơ cấu gạo xuất khẩu 81% là gạo chất lượng cao.
Dự báo thời gian tới, nguồn cung gạo thế giới giảm, trong khi nhu cầu tăng. Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhận định, năm 2018, Việt Nam có khả năng xuất khẩu được 6,5 triệu tấn gạo, tăng 700.000 tấn so với năm qua. Để giữ vững giá trị gạo Việt Nam trong xuất khẩu, cơ cấu gạo chất lượng cao vẫn chiếm chủ yếu, gạo thường không quá 20% trong xuất khẩu.
Theo KHÁNH NGUYÊN (Dân Việt)