Thành phố New York ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 gia tăng bất chấp đạt tỉ lệ cao về tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: AP
Bùng phát ca nhiễm mới trong mùa đông do biến thể Omicron gây ra khiến các nhà kinh tế cắt giảm triển vọng tăng trưởng của Mỹ và toàn cầu cho giai đoạn ba tháng đầu năm 2022, do các doanh nghiệp phải vật lộn với tình trạng nhân công khan hiếm vì cách ly dịch bệnh, người tiêu dùng ở nhà để tránh lây nhiễm.
Một số chuyên gia gần đây đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Mỹ, sau khi xuất hiện tín hiệu ban đầu về xu hướng ca nhiễm mới tăng mạnh, gây đứt gãy ở một số ngành kinh tế. Nhiều hãng hàng không đã phải hủy hàng nghìn chuyến bay trong dịp nghỉ lễ Giáng sinh cuối tuần qua, do thiếu hụt nhân công trong ngành vì tác động của lây nhiễm COVID-19.
Tại châu Âu, giới chức chính quyền đã tiến hành rà soát khả năng áp đặt quy định hạn chế mới về giãn cách, đi lại khi dịp đón năm mới đang tới gần. Chính phủ Anh đã quyết định không siết chặt hạn chế sau khi rà soát dữ liệu về tình trạng nhập viện do nhiễm COVID-19 với biến thể mới Omicron. Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Sajid Javid cũng nhận định người dân cần thận trọng khi đón năm mới.
Mark Zandi, chuyên gia kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics, đã hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ quý 1 năm 2022 xuống còn 2,2% so với kỳ vọng 5,2% trước đó, do tác động kinh tế đã thẩm thấu và sẽ lộ diện trong ba tháng đầu năm. “Có sự chuyển động tương tự như khi làn sóng Delta xuất hiện”, ông Zandi so sánh tác động của Omicron với biến thể Delta từng tấn công nước Mỹ hồi mùa hè vừa qua.
Giới phân tích kinh tế gặp khó trong việc dự báo tác động của COVID-19 với các nền kinh tế trong suốt thời gian đại dịch vừa qua, trong đó có kinh tế Mỹ - nơi những thay đổi trên thị trường lao động khiến chính phủ và các chuyên gia dự báo bị bất ngờ. Tuy nhiên, số này cho rằng Omicron sẽ đẩy hồi phục hoạt động kinh tế từ quý 1 sang quý 2, với tác động nhỏ hơn so với các làn sóng lây nhiễm trước đó. Cục Dữ trữ liên bang (FED) đầu tháng này dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng 4% trong năm 2022.
Dữ liệu cập nhật cho thấy chi tiêu đối với một số ngành liên quan đến dịch vụ như hàng không, nhà hàng vẫn ở mức thấp trong tuần trước. Theo Ian Shepherdson, chuyên gia kinh tế trưởng tại Pantheon Macroeconomics, cộng thêm sự lây lan mạnh của biến thể Delta như hiện nay sẽ khiến hành vi của người tiêu dùng suy yếu, làm giảm nhu cầu chi tiêu về dịch vụ - ngành vốn có đóng góp lớn đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ. Pantheon Macroeconomics mới đây giảm tăng trưởng GDP của Mỹ xuống còn 3% trong quý 1 năm 2022, so với mức 5% của kỳ dự báo trước đó.
Dữ liệu về chi tiêu gần đây cho thấy bùng phát của biến thể Omicron có thể là nguyên nhân khiến người dân thắt chặt chi tiêu bên ngoài. Hoạt động ăn uống tại nhà hàng ở Mỹ trong tháng 12 đã giảm mạnh. Trong tuần kết thúc ngày 26/12, số lượng khách ăn nhà hàng buổi tối tại Mỹ giảm 27% so với cùng thời điểm năm 2019, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 4. Chi tiêu mua sắm trực tiếp tại các siêu thị bán lẻ, nhà hàng cũng suy yếu trong tháng 11 và đầu tháng 12.
Điểm sáng là chi tiêu dùng tại Mỹ về tổng thể vẫn duy trì được đà tích cực, nhất là trong mùa mua sắm cuối năm. Tổng doanh số bán lẻ tăng 8,5% trong quãng thời gian từ ngày 11/11 đến 24/12/2021 so với cùng kỳ năm ngoái – theo dữ liệu của Mastercard SpendingPulse, đơn vị chuyên về theo dõi doanh số bán hàng dựa trên nền tảng hệ thống thanh toán Mastercard, cũng như theo ước tính khảo sát về chi tiền mặt, chi séc trên thực tế.
Đầu tháng này, nhà kinh tế trưởng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cảnh báo một khi Omicron có khả năng kháng các loại vaccine hiện hữu, kinh tế thế giới có thể sẽ phải đối diện với mức suy giảm mạnh hơn so với các dự báo trước đó. Tại Anh, số ca nhiễm tăng cao kỉ lục trước dịp lễ Giáng sinh buộc Thủ tướng Boris Johnson phải tính đến giải pháp siết chặt hạn chế. Tuy nhiên, do phản ứng ngay trong nội bộ đảng cầm quyền, ông đã xuống thang, không áp dụng trong dịp Giáng sinh, đón năm mới.
Ở thời điểm hiện tại, các nhà kinh tế đánh giá tác động của Omicron đối với tiêu dùng và tăng trưởng tại Mỹ mang tính ngắn hạn. Nó xuất hiện trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương trên toàn cầu bắt đầu lên kế hoạch tăng lãi suất trong năm tới để kiềm chế lạm phát. FED đã đặt ra lộ trình với ba đợt tăng lãi suất trong năm 2022, bắt đầu từ mùa xuân tới.
Theo TUẤN LINH (Báo Tin Tức)