Tiếp nối truyền thống của gia đình, bà Cao Thị Thu Loan ở ấp Trường An, xã Trường Tây truyền dạy điệu múa trống Chhay-dăm cho thanh thiếu niên trong xã.
Độc đáo điệu múa trống Chhay - dăm
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh, múa trống Chhay-dăm là điệu múa theo phong tục của đồng bào được biểu diễn trong những ngày lễ hội, Tết cổ truyền của người Khmer như: Tết Chôl Chnăm Thmây, lễ hội Ok Om Bok, lễ Sene Dolta, cúng, đón rước thần linh... Múa trống Chhay-dăm ở xã Trường Tây khác với múa trống Chhay-dăm của dân tộc Khmer miền Tây Nam Bộ là diễn viên múa trống không cần hóa trang khuôn mặt khi biểu diễn, không cần nhạc đệm. Động tác múa được thể hiện theo nhiều thế võ như xuống tấn, nhào, lộn, đánh trống, song đấu, từng động tác dứt khoát, mạnh mẽ.
Nhạc cụ phục vụ tiết mục múa trống Chhay-dăm thường có từ 4 - 6 chiếc trống Chhay-dăm, hai chiếc Cuôl (chiêng) cùng Chul (chũm chọe) và Krap (gõ sênh). Trong đó, trống Chhay-dăm là loại trống được bịt da một mặt, thân trống làm bằng thân cây được đục rỗng ruột. Khi múa, người múa đeo trống trước bụng, múa trống Chhay-dăm có động tác đánh trống, múa trống và múa tay, lúc múa đơn, lúc múa đôi, múa ba, múa tư và múa tập thể. Đánh trống gồm những động tác đơn giản như vỗ lên mặt trống đến phức tạp hơn là đánh bằng cùi chỏ, gót chân hoặc bất ngờ đánh vào trống của nhau, rồi vừa múa vừa làm xiếc với trống.
Tập trống từ nhỏ, đến nay, anh Cao Văn Tha Ni đã nhuần nhuyễn mọi thế múa chiếc trống Chhay-dăm. Anh Tha Ni cho biết, ngày bé, anh đã được tập múa trống. Mỗi ngày, anh 3 lần, mỗi lần 30 phút. Ban đầu tập múa trống Chhay dăm anh rất nản vì phải tập đánh trống bằng gối, chỏ, rồi lăn lộn múa trống đến sưng tay chân. Nhờ các thầy động viên, truyền cảm hứng, anh quyết tâm học bằng được điệu múa này.
Những ngày được ôm trống nhảy múa biểu diễn tại Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen cho hàng ngàn du khách thập phương xem, anh Tha Ni không giấu nổi niềm tự hào chia sẻ, mọi người trân trọng, tán dương điệu múa của dân tộc mình, anh thấy rất hạnh phúc.
Bà Cao Thị Thu Loan (40 tuổi, người Khmer, ở ấp Trường An, xã Trường Tây, nghệ nhân dạy trống Chhay-dăm) cho biết, thời gian gần đây, nhóm nghệ nhân biểu diễn múa trống Chhay-dăm ở xã Trường Tây thường được mời tham gia biểu diễn tại Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen hay tại dịp lễ hội của tỉnh. Múa trống Chhay-dăm được địa phương quan tâm, tạo điều kiện để bảo tồn, phát triển, tuy nhiên việc duy trì cũng như thu hút thanh thiếu niên tại địa phương tham gia tập luyện múa trống còn khó khăn…
Bà Cao Thị Thu Loan mong muốn, các sở, ban, ngành quan tâm, tạo điều kiện để điệu múa trống Chhay-dăm được biểu diễn nhiều hơn, mang lại thu nhập ổn định, từ đó thu hút thanh thiếu niên trong phum, sóc tham gia nhằm gìn giữ điệu múa trống độc đáo này.
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản
Thanh thiếu niên đồng bào Khmer là tầng lớp kế thừa điệu múa trống Chhay-dăm ở xã Trường Tây.
Ông Nguyễn Văn Minh, cán bộ phụ trách văn hóa xã Trường Tây cho biết, thời gian qua, chính quyền xã đã quan tâm, tạo điều kiện để bà con người Khmer ấp Trường An giữ gìn điệu múa trống Chhay-dăm. Địa phương xây dựng Nhà văn hóa dân tộc Khmer tại ấp Trường An để đồng bào có nơi sinh hoạt và tập luyện; đồng thời tài trợ kinh phí mua trống, trang phục biểu diễn.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Minh, thời gian tới, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã Trường Tây sẽ tạo điều kiện để đồng bào được vay vốn làm ăn, ổn định kinh tế, từ đó nỗ lực giữ gìn, phát huy nét văn hóa truyền thống của người Khmer trên địa bàn.
Bà Trần Thị Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh cho biết, Sở tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể múa trống Chhay-dăm ở xã Trường Tây, trong đó chú trọng phát triển loại hình nghệ thuật múa trống Chhay-dăm trở thành sản phẩm đặc trưng phục vụ phát triển du lịch địa phương; đồng thời tập trung truyền dạy cho thế hệ kế thừa nhằm bảo tồn di sản. Hiện lớp truyền dạy múa trống Chhay-dăm tại Nhà văn hóa dân tộc Khmer xã Trường Tây được duy trì thường xuyên (với trên50 học viên là con em đồng bào Khmer tham gia). Ngoài ra, việc truyền dạy múa trống Chhay-dăm trong cộng đồng và gia đình được địa phương khuyến khích.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh có chính sách đưa loại hình này vào phục vụ trong các hoạt động cộng đồng, lễ hội, Tết, sự kiện văn hóa của tỉnh và trình diễn tại cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng cấp tỉnh, toàn quốc, khu vực. Tỉnh phối hợp cùng Công ty cổ phần Mặt trời Tây Ninh, đưa nghệ thuật múa trống Chhay-dăm vào phục vụ khách du lịch tại Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen.
Thời gian tới, để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể múa trống Chhay-dăm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khuyến khích công tác truyền dạy, tạo không gian trình diễn di sản múa trống Chhay-dăm tại các sự kiện trong và ngoài tỉnh, thông qua sự kiện văn hóa cấp khu vực, toàn quốc. Đồng thời tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan đưa loại hình di sản múa trống Chhay-dăm vào phục vụ tại điểm đến du lịch.
Cùng với việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng địa phương tu bổ, mua sắm trang thiết bị hoạt động cho Nhà văn hóa dân tộc Khmer để nâng cao chất lượng hoạt động, trong đó có công tác truyền dạy múa trống Chhay-dăm. Sở tổ chức tập huấn nâng cao hiểu biết của đồng bào Khmer trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng chính sách dành cho nghệ nhân đang lưu truyền, gìn giữ di sản văn hóa dân tộc, trong đó, có loại hình nghệ thuật múa trống Chhay-dăm tại xã Trường Tây.
Theo TTXVN