Với hơn 300 năm đồng hành cùng lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai, nghề gốm truyền thống Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đã khẳng định được nét riêng mà không có một làng gốm nào có được.
AA
Sản phẩm gốm Biên Hòa được định danh trên thị trường quốc tế bởi màu "men đồng trổ bông" và màu đỏ đá ong. Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN
Theo các nhà nghiên cứu, gốm Biên Hòa là thương hiệu gốm Việt duy nhất được định danh trên trường quốc tế bởi chất liệu men đặc trưng “men xanh đồng trổ bông”. Những nét tinh xảo cùng nước men đặc trưng được nghệ nhân thổi hồn vào từng sản phẩm đã giúp gốm Biên Hòa được người yêu gốm trong và ngoài nước đón nhận.
Năm thế hệ gìn giữ lò gốm cổ 200 tuổi
Dọc theo hai bên bờ sông Đồng Nai thơ mộng, làng gốm Biên Hòa với hàng chục cơ sở sản xuất, trải dọc từ huyện Vĩnh Cửu xuôi theo hạ nguồn đến thành phố Biên Hòa, trong đó tập trung chủ yếu ở các phường Tân Hạnh, Hóa An, Bửu Hòa, Tân Vạn, Hiệp Hòa (hay còn gọi là Cù lao Phố) của thành phố này.
Nằm đối diện Cù lao Phố (thương cảng sầm uất một thời) bên kia bờ sông Đồng Nai là lò gốm cổ Phong Sơn, được xây dựng khoảng những năm cuối thế kỷ XIX, cách đây gần 200 năm.
Dù nhiều hạng mục bị mục nát theo thời gian, mái lò lỗ chỗ những lỗ thủng, cây dây leo trùm kín cả ống khói, nhưng phần thân chính của lò gốm cổ Phong Sơn vẫn còn nguyên vẹn.
“Đến thế hệ chúng tôi là đời thứ 5 của gia đình vẫn giữ được gần như nguyên vẹn lò gốm mà cha ông để lại. Chúng tôi vẫn quyết tâm gìn giữ để thế hệ hiện tại và mai sau biết được lịch sử và truyền thống của nghề gốm Biên Hòa”, chị Mai Ngọc Nhi, nghệ nhân đời thứ 5 lò gốm Phong Sơn, Biên Hòa, Đồng Nai chia sẻ.
Theo chị Nhi, hàng ngày lò gốm cổ Phong Sơn vẫn mở cửa để đón các đoàn khách là học sinh, sinh viên, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu và trao đổi học thuật về nghề gốm cổ Biên Hòa.
Chị Mai Ngọc Nhi cho biết, những dòng gốm làm nên tên tuổi của gốm Biên Hòa là gốm đất đen và gốm mỹ nghệ. Nguyên liệu chính để sản xuất gốm Biên Hòa là đất sét và cao lanh. Trong đó, gốm đất đen được nung trong lò truyền thống, đốt bằng củi. Công đoạn nung được đánh giá là khâu quan trọng nhất quyết định thành công hay thất bại của mẻ gốm. Mỗi mẻ gốm thường được nung trong khoảng thời gian 10 ngày ở nhiệt độ 1.200 độ C.
Chị Mai Ngọc Nhi cho biết, với lịch sử lâu đời, gốm Biên Hòa đã khẳng định được tên tuổi trên thị trường thế giới. Sản phẩm gốm Biên Hòa đã xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới, được các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ rất ưa chuộng.
Nghệ nhân gốm Nguyễn Thành Phi (lò gốm Phong Sơn) cho biết, công đoạn để tạo ra một sản phẩm gốm là đánh đất, tạo hình, chấm men, họa tiết và nung gốm.
“Mỗi công đoạn đều có những kỹ thuật và sự khéo léo riêng. Tại các lò gốm, thường mỗi người làm một công đoạn. Công việc đòi hỏi sự tỷ mỷ và tập trung. Để có một sản phẩm đẹp, người thợ phải dành tâm huyết và sự chú tâm, gửi gắm tình cảm vào sản phẩm”, nghệ nhân Nguyễn Thành Phi chia sẻ.
“Men xanh đồng trổ bông” đặc trưng
Giáo sư, Tiến sỹ Phan Thị Thu Hiền – Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, gốm Biên Hòa có truyền thống hơn 300 năm, lâu đời như lịch sử của thành phố Biên Hòa. Giá trị mà gốm Biên Hòa để lại không chỉ bao gồm những di sản vật thể như đồ gia dụng, sản phẩm mỹ nghệ, hay những công trình kiến trúc…, mà còn là thương hiệu gốm Việt duy nhất được định danh trên trường quốc tế, với chất liệu men đặc trưng “men xanh đồng trổ bông” (vert de Bien Hoa).
Theo các chuyên gia nghiên cứu về gốm Biên Hòa, để có được màu men xanh đồng trổ bông, ban đầu những nghệ nhân sử dụng chất liệu đất sét vùng Sông Bé, đá trắng An Giang, vôi Càn Long, cùng với tro rơm, tro củi, tro trấu, thủy tinh, mạt đồng, bột màu để tạo nên sắc màu riêng của gốm Biên Hòa.
Ngoài màu men xanh đồng trổ bông, gốm Biên Hòa còn nổi tiếng với màu men đỏ đá ong. Đá ong được khai đào ở độ sâu nhất định, loại đá ong đặc trung của vùng này có chứa hàm lượng oxit sắt 25%, vì vậy khi trộn màu, đá ong có màu đỏ hơi đậm. Đá đỏ trộn với men trắng sẽ cho ra màu nâu, màu đỏ đậm, màu vàng đất tùy theo tỷ lệ trộn giữa đá và men.
Theo nghiên cứu, nghề gốm xuất hiện ở xứ Biên Hòa vào khoảng thế kỷ thứ XVII, khi những lưu dân người Việt và người Hoa vào khai khẩn vùng đất Đồng Nai. Trong đoàn người có những thợ gốm, sau đó họ lập nên các lò gốm tại Cù lao Phố.
Từ cuối thế kỷ XIX đến thế kỷ XX, nghề gốm phát triển mạnh và được xem là giai đoạn thịnh hành nhất của gốm Biên Hòa.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng, sản phẩm gốm Biên Hòa được ưa chuộng, ngoài các yếu tố trên, còn có sự giao thoa giữa 3 dòng gốm người Việt, người Hoa và người Chăm. Đây cũng chính là nét riêng của sự giao thoa văn hóa mà ít dòng gốm nào có được.
Kéo người trẻ đến với gốm để giữ nghề
“Điều đáng lo nhất để giữ nghề gốm truyền thống Biên Hòa hiện nay là con người. Nghệ nhân làm gốm ngày càng ít đi. Những người lớn tuổi gắn bó hàng chục năm nay giờ sức khỏe đã yếu. Trong khi, các bạn trẻ bây giờ thấy làm gốm vất vả nên ít người theo học nghề. Mong muốn của những người làm gốm như chúng tôi hiện nay là làm sao để người trẻ yêu gốm hơn, đến với gốm và theo nghề gốm, cùng chung tay giữ gìn nghề truyền thống hơn 300 năm cha, ông đã truyền lại cho vùng đất Biên Hòa này”, chị Mai Ngọc Nhi cho biết.
Là người làm gốm lâu năm, hơn ai hết những người được truyền lửa nghề như chị Nhi đang trăn trở để kéo giới trẻ gần hơn với gốm. Chị Nhi cho biết, lò gốm Phong Sơn đã mở những buổi hội thảo về gốm, tổ chức những đợt trải nghiệm thực tế tại các lò gốm để kéo người trẻ đến gần hơn với nghề này. “Từ việc tham gia trải nghiệm, họ sẽ tìm hiểu, thêm yêu, dần dần gắn bó, làm sao để lửa nghề gốm không bị nguội lạnh”, chị Nhi mong muốn và cho biết, điều đáng mừng là thời gian gần đây, có nhiều người trẻ tham gia, sau đó một số người đã tự mở được cửa hàng trưng bày gốm ở Thành phố Hồ Chí Minh và những tỉnh, thành phố lân cận.
Nghệ nhân Lê Thanh Nhạn (người gắn bó với nghề gốm hơn 30 năm ở vùng đất Tân Vạn, Biên Hòa), bày tỏ lo lắng về nghề gốm đang dần mai một. “Giới trẻ giờ rất ít quan tâm đến nghề gốm, không giống như thế hệ chúng tôi ngày trước. Con, cháu chúng tôi giờ cũng không theo học do thấy nghề này cực quá”, ông Nhạn tâm sự.
Tại hội thảo về bảo tồn và phát triển gốm Biên Hòa mới đây, Giáo sư, Tiến sỹ Phan Thị Thu Hiền cho rằng, hành trình gốm Biên Hòa đi cùng lịch sử của Đồng Nai nói riêng, Đông Nam Bộ nói chung, luôn luôn ở vị trí tiên phong, từ những ngày đầu mở cõi, qua các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, rồi đến công cuộc xây dựng đất nước. Gốm trong kiến trúc, điêu khắc, trang trí, đã góp phần quan trọng làm nên giá trị lịch sử, giá trị mỹ thuật, giá trị văn hóa của nhiều di tích lịch sử, nhiều công trình tiêu biểu của Biên Hòa.
Giáo sư, Tiến sỹ Phan Thị Thu Hiền cho rằng, để bảo tồn và phát triển nghề gốm, Biên Hòa nên gắn với phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo, thành phố sáng tạo. “Biên Hòa hội tụ đủ các yếu tố công nghệ, nghệ thuật và kinh doanh để xây dựng thành một thành phố gốm sứ như nhiều nước trên thế giới, trong đó có mô hình thành phố Cảnh Đức Trấn của Trung Quốc, thành phố Icheon của Hàn Quốc…”, bà Hiền đề xuất.
Ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa cho rằng, nghề gốm được xem là một trong những "báu vật" của Biên Hòa cần được gìn giữ và bảo tồn, nhằm phát huy và lan tỏa các giá trị độc đáo của nó. Một trong những cách thức có thể tôn vinh và nâng tầm giá trị sử dụng, giá trị biểu tượng của gốm Biên Hòa là việc tích hợp khai thác các giá trị của nghề gốm gắn với thực hành du lịch.
Theo TTXVN
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: