Gỡ khó cho thu hoạch và tiêu thụ nông sản

22/07/2021 - 06:49

 - Việc áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đang ảnh hưởng đến sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ nông sản trên địa bàn An Giang, đặc biệt là thu hoạch lúa vụ hè thu và xuống giống vụ thu đông 2021. Do vậy, cần giải pháp đồng bộ để giải phóng hàng hóa, tránh ùn ứ nông sản, ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống nông dân.

Đảm bảo tiến độ thu hoạch

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư vừa ký ban hành Kế hoạch 434/KH-UBND về tổ chức thu hoạch và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh An Giang trong tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay. Kế hoạch nhằm tập trung tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn và tổ chức thu hoạch, lưu thông, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh, không để chuỗi sản xuất và cung ứng nông sản bị đứt gãy, trong đó tập trung các sản phẩm: lúa, gạo, nếp, rau màu, cây ăn trái…

Về thu hoạch, UBND cấp huyện chủ động rà soát, thống kê và thông tin sản lượng nông sản trên địa bàn, sản lượng dự kiến thu hoạch theo từng thời điểm, tiêu chuẩn chất lượng, nhu cầu kết nối tiêu thụ, giá cả; thống kê các đội, nhóm nhân công thu hoạch, máy gặt đập liên hợp, doanh nghiệp (DN), người thu mua; ai là đầu mối chịu trách nhiệm phân phối, kết nối, thương thảo tiêu thụ hàng hóa; báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Sở Công thương trước thời gian dự kiến thu hoạch ít nhất 10 ngày để phối hợp, hỗ trợ kết nối tiêu thụ (nếu gặp khó khăn).

Tạo thuận lợi cho phương tiện thu mua nông sản trên địa bàn An Giang

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang yêu cầu các địa phương tập trung tối đa cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và xây dựng phương án “4 tại chỗ” trong tổ chức thu hoạch và tiêu thụ nông sản; bố trí các các tổ, đội chống dịch ở các tuyến đường, cửa ngõ ra vào vùng nông sản tập trung của địa phương để hỗ trợ phương tiện, người thu mua ra vào thu hoạch thuận tiện, đồng thời để kiểm soát tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong suốt thời gian thu hoạch và tiêu thụ.

Trong trường hợp thiếu hụt nhân công, trang thiết bị, vật tư phải có ngay phương án tăng cường hỗ trợ lực lượng cho địa phương. Các địa phương cần triển khai việc thành lập các tổ liên kết giữa các hộ trồng từng loại nông sản theo khu vực, địa bàn để hỗ trợ trong thu hoạch, vận chuyển. Trong trường hợp cần thiết, chủ động đề nghị các lực lượng đoàn viên, thanh niên, quân sự tham gia nhưng đảm bảo về phòng, chống dịch...

Tăng cường liên kết

UBND tỉnh giao Sở Công thương làm đầu mối tham mưu UBND tỉnh triển khai các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ các mặt hàng nông sản trên địa bàn được thuận lợi, phù hợp với diễn biến, tình hình dịch bệnh COVID-19. Sở Công thương trao đổi, thống nhất với các đơn vị thu mua nông sản; tổ chức quảng bá, chương trình kết nối cung cầu các mặt hàng nông sản tại thị trường trong nước và xuất khẩu; chủ động liên hệ, thường xuyên trao đổi, vận động xúc tiến, mời gọi các chợ đầu mối toàn quốc, các đối tác tiêu thụ lớn, như: hệ thống siêu thị (Co.opmart, VinMart, Bách Hóa Xanh, MM Mega Market Vietnam, Tứ Sơn, Satra...), trung tâm thương mại, các DN chế biến nông sản thực phẩm đến tỉnh khảo sát, liên kết, ký hợp đồng tiêu thụ các mặt hàng nông sản. Đồng thời, tập trung xúc tiến thương mại cho tiêu thụ, chào bán sản phẩm nông sản (đặc biệt là các sản phẩm rau màu, cây ăn trái) trên các sàn thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số (online), như: Tiki, Sendo, Shopee, Voso, Postmart, Alibaba…

Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra phương tiện vận chuyển nông sản để hướng dẫn, tạo thuận lợi lưu thông

Sở NN&PTNT được giao nhiệm vụ chủ động và thường xuyên liên hệ Bộ NN&PTNT cùng các đơn vị trực thuộc để có sự ủng hộ, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thu hoạch, chế biến và xúc tiến tiêu thụ các mặt hàng nông sản của tỉnh. Căn cứ biên bản thỏa thuận hợp tác giữa UBND tỉnh An Giang và Tập đoàn Lộc Trời được ký ngày 16-7-2020, Sở NN&PTNT phối hợp UBND cấp huyện hỗ trợ Tập đoàn Lộc Trời tiếp cận địa bàn để triển khai thực hiện “phương án thu hoạch, thu mua và vận chuyển lúa trên địa bàn tỉnh An Giang vụ hè thu 2021”, với sản lượng thu mua khoảng 250.000-300.000 tấn.

Về vận chuyển nông sản, Sở Giao thông - Vận tải tham mưu UBND tỉnh có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố tạo điều kiện cho con người, phương tiện vận chuyển nông sản của tỉnh đi qua địa bàn, đến nơi tiêu thụ (người tham gia, phương tiện vận tải đã áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định Bộ Y tế); tổng hợp, rà soát các đơn vị cung ứng dịch vụ vận tải, báo cáo UBND tỉnh có chỉ đạo huy động lực lượng vận chuyển tiêu thụ nông sản trong trường hợp dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Sở Công thương thông báo đến các DN khẩn trương lập danh sách phương tiện vận tải và người điều khiển phương tiện vận tải, lộ trình vận tải gửi về Sở Giao thông - Vận tải để hướng dẫn, hỗ trợ DN đăng ký cấp logo cùng mã nhận diện QR Code cho việc tham gia “luồng xanh”, đồng thời có hướng dẫn cụ thể, áp dụng chung trên địa bàn 11 huyện, thị xã, thành phố cho các DN trong và ngoài tỉnh trong quá trình vận chuyển, giao nhận hàng hóa nông sản qua các chốt kiểm dịch tại An Giang.

An Giang thực hiện hỗ trợ xét nghiệm COVID-19 cho các đối tượng là tài công vận tải đường thủy ngoài tỉnh đến An Giang thu mua lúa (DN đăng ký danh sách với Sở Công thương) và công nhân làm dịch vụ thu hoạch trên địa bàn tỉnh (đăng ký với UBND cấp huyện). Sở Y tế được giao làm đầu mối hướng dẫn địa phương thực hiện quy trình lấy mẫu kiểm tra RT-PCR và xét nghiệm theo hình thức mẫu gộp cho các đối tượng được hỗ trợ. Đồng thời, chỉ đạo tuyến cơ sở thống nhất cách thức thực hiện đối với nông dân, thương lái, DN từ địa bàn khác đến chăm sóc, thu hoạch, mua bán nông sản tại địa bàn giãn cách theo Chỉ thị 16 nhằm giúp sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ không gián đoạn và vẫn đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

 

NGÔ CHUẨN