Góp phần rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền về công tác giáo dục

04/05/2021 - 08:35

Sau gần hai năm triển khai, Chương trình “Phòng giúp phòng, trường giúp trường, bộ môn giúp bộ môn” do ngành giáo dục Nghệ An phát động, bước đầu đã tạo điều kiện cho các trường học vùng miền núi nâng cao chất lượng chuyên môn cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Chương trình nhằm rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền về công tác giáo dục.

Kỳ Sơn là một trong ba huyện thuộc diện 30a khó khăn nhất của Nghệ An, có 71 trường học và hàng chục nghìn học sinh. Nơi đây còn thiếu thốn về cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học. Năm học 2019 - 2020, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) TP Vinh nhận giúp đỡ phòng GD và ĐT huyện Kỳ Sơn. Ngay sau đó, Phòng GD và ĐT thành phố Vinh đã phân công cụ thể từng trường của đơn vị mình giúp các trường miền núi. 

Trưởng phòng GD và ĐT huyện Kỳ Sơn Phan Văn Thiết chia sẻ: Với hình thức tư vấn đa dạng trong nhiều lĩnh vực của Phòng GD và ĐT thành phố Vinh, giáo viên huyện miền núi Kỳ Sơn đã có nhiều thay đổi trong cách soạn giáo án, phương pháp dạy học, hình thức tổ chức dạy học... Cô Bùi Thị Hồng Vân, giáo viên môn Lịch sử (Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Hữu Kiệm) cho biết: Qua giao lưu với các giáo viên dạy sử ở TP Vinh, tổ chuyên môn đều nhận thức đầy đủ hơn về phương pháp truyền thụ của giáo viên để học sinh tiếp thu bài giảng hiệu quả.

Đối với các trường vùng sâu, vùng xa của huyện Kỳ Sơn, trước thềm năm học mới, nhiều giáo viên còn bỡ ngỡ khi tiếp cận Chương trình giáo dục phổ thông mới. Hiểu được điều đó, ngành GD và ĐT thành phố Vinh đã tư vấn về cách thức thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, về sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường ở cấp tiểu học. Hiệu trưởng Trường tiểu học Chiêu Lưu 2 Lê Quỳnh Lưu cho biết: Trước đây, sinh hoạt chuyên môn theo hình thức tổ bộ môn ở từng trường cho nên thường dẫn đến tình trạng “con hát, mẹ khen hay” nay chuyển qua sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường đã giúp có được nhiều ý kiến thảo luận để hoàn thiện nội dung, hình thức và phương pháp dạy học, nhất là đối với đối tượng học sinh lớp 1. 

Đại diện Trường THPT Hà Huy Tập (TP Vinh, Nghệ An) trao trang thiết bị dạy học tặng Trường THPT Quỳ Châu (huyện Quỳ Châu, Nghệ An).

Cô Nguyễn Thị Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Hưng Lộc (TP Vinh) cho biết: “Trường được phân công giúp đỡ hai trường tiểu học ở thị trấn Mường Xén và Mường Típ 2. Về chuyên môn, trường chúng tôi đã giúp trường bạn xây dựng kế hoạch trong công tác quản lý giáo dục; tập trung về giáo dục ngoài giờ lên lớp và cách tổ chức các câu lạc bộ để trang bị kỹ năng sống cho học sinh”. 

Bên cạnh đó, các trường kết nghĩa ở TP Vinh còn giúp Kỳ Sơn trong các cuộc thi giáo viên và học sinh giỏi tỉnh. Kết quả đạt được trong kỳ thi giáo viên dạy giỏi tỉnh Nghệ An năm học 2020 - 2021, toàn huyện Kỳ Sơn có 14 giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh bậc THCS, đứng vị trí thứ 3 toàn đoàn; trong đó, nhiều người đạt thứ hạng cao hơn so với những năm trước. Về phía học sinh, có 13 lượt học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh. 

Nhờ được tư vấn, giáo viên, học sinh huyện Kỳ Sơn đổi mới cách thức thực hiện giáo dục ngoài trời qua các hoạt động trải nghiệm. Đến nay, tất cả 71 trường của huyện đều thực hiện tốt nội dung này, trong đó chú trọng đa dạng hóa các hình thức hoạt động như ngoại khóa, tạo sân chơi cho học sinh, tham quan tìm hiểu di tích lịch sử; tạo không khí vui vẻ cho học sinh khi đến trường. Ngược lại, qua phong trào nêu trên, giáo viên, học sinh ở TP Vinh đã có dịp được giao lưu, tìm hiểu về con người, vùng đất, văn hóa đồng bào các dân tộc Kỳ Sơn, nhất là tình thầy trò, chăm chút cảnh quan môi trường ở các trường học tại huyện rẻo cao biên giới. Trưởng phòng GD và ĐT thành phố Vinh Hoàng Phương Thảo cho biết: “Vượt hơn 300 km lên với các trường học ở Kỳ Sơn mới cảm nhận được sự khó khăn vất vả của người dân cũng như các giáo viên và học sinh. Phần lớn người dân tộc thiểu số đều thuộc hộ nghèo, trình độ dân trí thấp, giao thông đi lại khó khăn. Tuy vậy, những giáo viên cắm bản vẫn ngày đêm miệt mài dạy học với mong muốn các em có được cơ hội thay đổi tương lai… Vì thế chúng tôi càng thấy trách nhiệm của mình trong việc giúp đỡ không chỉ chuyên môn mà còn hỗ trợ cơ sở vật chất như thiết bị nghe nhìn, bàn ghế, dụng cụ sinh hoạt, đồ dùng bán trú, áo ấm mùa đông, sách vở, đồ dùng học tập”.

Không chỉ Kỳ Sơn, các huyện vùng cao khác như Tương Dương, Quế Phong… cũng được các phòng GD và ĐT thành phố Vinh, huyện Diễn Châu, huyện Đô Lương… cùng các trường, tổ bộ môn liên quan tập trung giúp đỡ về sinh hoạt tổ chuyên môn các cấp học, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà trường và dạy học; khả năng tổ chức các hoạt động giáo dục và hoạt động trải nghiệm cho trẻ; hỗ trợ đồ dùng trang, thiết bị dạy học và kinh phí. Cùng với đó, các trường THPT ở miền xuôi cũng chung tay giúp đỡ các trường THPT các huyện miền núi cao.

Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục Nghệ An Đặng Văn Hải cho biết: Đầu năm học 2019 - 2020, Sở GD và ĐT và Công đoàn ngành giáo dục Nghệ An đã phát động phong trào “Phòng giúp phòng, trường giúp trường” và sau này bổ sung thêm tổ bộ môn giúp tổ bộ môn trong giai đoạn 2019 - 2022. Sau gần hai năm thực hiện, chương trình bắt đầu chú trọng hơn nữa vào chiều sâu, có sức lan tỏa và đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đối với công tác chuyên môn, chất lượng dạy học của các đơn vị có sự chuyển biến tích cực. Chất lượng đội ngũ giáo viên được nâng lên; nhiều giáo viên được giúp đỡ về chuyên môn đã đạt giáo viên giỏi cấp tỉnh. Các nhà trường đã chủ động tổ chức các buổi trao đổi chuyên môn để tư vấn, giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, dạy học. Thông qua chương trình, các lãnh đạo nhà trường, tổ bộ môn, giáo viên đã kết nối với nhau qua mạng xã hội, điện thoại, thư điện tử để thường xuyên trao đổi công tác quản lý, chuyên môn; các tổ bộ môn, giáo viên trao đổi kinh nghiệm dạy một tiết học hay, giải một bài toán khó; cách luyện học sinh khá giỏi, kèm học sinh yếu; hay hướng dẫn tìm kiếm, sử dụng tài liệu tham khảo, trao đổi kinh nghiệm viết sáng kiến kinh nghiệm…

Bên cạnh đó, các đơn vị đã chủ động hỗ trợ các đơn vị khó khăn hơn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và điều kiện dạy học. Thời gian tới, ngành giáo dục Nghệ An tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác giúp đỡ chuyên môn. Động viên cán bộ quản lý, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên cốt cán các đơn vị thuận lợi đến các đơn vị khó khăn để hỗ trợ; tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh thăm hỏi, giao lưu để chia sẻ lẫn nhau. Đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực xã hội hóa trong việc giúp đỡ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, hỗ trợ dạy học và sinh hoạt của học sinh và giáo viên vùng cao…

Theo THÀNH CHÂU (Báo Nhân Dân)