Góp sức phát triển kinh tế - xã hội

28/11/2023 - 22:48

 - Nửa nhiệm kỳ qua, 11 huyện, thị xã, thành phố quyết tâm cao, nỗ lực lớn, vượt qua khó khăn, thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, góp sức cùng tỉnh phát triển kinh tế, chăm lo an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh.

Khai thác tiềm năng du lịch

An Giang có lợi thế đặc biệt về du lịch (DL), với nhiều danh lam, thắng cảnh, khu di tích lịch sử, văn hóa, ẩm thực thu hút du khách. Tỉnh có tín ngưỡng thờ mẫu nổi tiếng, có vùng Thất Sơn hùng vĩ, huyền bí, có 2 di tích quốc gia đặc biệt (Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng và Di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê). Từ năm 2020 đến nay, An Giang đón hơn 22 triệu lượt khách, trong đó hơn 2 triệu lượt khách lưu trú; doanh thu từ hoạt động DL ước đạt hơn 14.000 tỷ đồng.

TP. Châu Đốc đa dạng hóa hoạt động du lịch tâm linh

Đồng hành cùng quan điểm của Đảng bộ tỉnh, xác định DL là ngành kinh tế mũi nhọn, Đảng bộ TP. Châu Đốc đặt mục tiêu huy động tốt các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng, xây dựng đô thị theo tiêu chuẩn đô thị loại I, tạo nền tảng phát triển đô thị DL thông minh. “Thành phố tăng cường quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, nhất là Lễ hội quốc gia Vía Bà Chúa xứ núi Sam - di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và quần thể di tích văn hóa - lịch sử được xếp hạng.

Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá về Khu du lịch  quốc gia núi Sam trong kế hoạch chung của tỉnh và vùng Tây Nam Bộ. Tăng cường tuyên truyền văn minh thương mại, bảo vệ môi trường, ứng xử văn hóa trong hoạt động DL, đảm bảo an ninh trật tự tại các khu, điểm DL để nâng cao sự hài lòng của du khách” - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Lâm Quang Thi nhấn mạnh.

Tại huyện miền núi Tri Tôn, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đặt mục tiêu phát triển DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Thời gian qua, huyện đã tập trung chỉnh trang, tôn tạo các điểm tham quan, di tích lịch sử - văn hóa trọng điểm, cải tạo các khu vui chơi, giải trí phục vụ người dân, du khách. Tri Tôn đã đón hơn 938.000 lượt khách năm 2022 và ước khoảng 1,1 triệu lượt khách trong năm 2023.

“Huyện phối hợp tổ chức thành công các hoạt động biểu diễn dù lượn, diều lượn, thả diều nghệ thuật, lễ hội khinh khí cầu, đua môtô địa hình, Hội đua bò Bảy Núi… thu hút đông đảo du khách đến tham quan, thưởng ngoạn. Ngoài ra, hạ tầng giao thông được nâng cấp, mở rộng và hệ thống cơ sở lưu trú, quán ăn, khu vui chơi dần nâng cao chất lượng phục vụ du khách. Huyện Tri Tôn tiếp tục đầu tư đa dạng các sản phẩm DL, tập trung phát huy các giá trị truyền thống, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa” - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm thông tin.

 Huyện Thoại Sơn đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế về du lịch

Nhằm đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế về DL, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Thoại Sơn nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã thực hiện bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa địa phương. Thoại Sơn có các điểm tham quan được nhiều du khách biết đến, như: Khu du lịch hồ Ông Thoại, đền thờ Thoại Ngọc Hầu, Thiền viện Trúc Lâm An Giang (thị trấn Núi Sập), Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê (thị trấn Óc Eo)… Huyện tích cực tham gia các chương trình quảng bá, xúc tiến chung của tỉnh; phối hợp đón tiếp các đoàn khảo sát sản phẩm DL, giới thiệu tiềm năng DL của huyện trên nhiều kênh thông tin. Nhất là, khai thác hiệu quả việc kết nối các đoàn du khách đến với Khu di tích Óc Eo - Ba Thê, tiềm năng trở thành Di sản văn hóa thế giới.

Đánh thức kinh tế biên mậu

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đến giữa nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện biên giới An Phú đã thực hiện đạt trên 50% đối với 12/13 chỉ tiêu cả nhiệm kỳ; kinh tế - xã hội (KTXH) đạt nhiều kết quả, tạo động lực phát triển mới; đời sống Nhân dân được nâng lên, thu nhập bình quân tăng từ 40 triệu đồng/người (năm 2020) lên 59 triệu đồng/người, mục tiêu đến cuối năm 2025 là 65 triệu đồng/người/năm.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị giữa nhiệm kỳ Đảng bộ huyện An Phú, đại tá Lâm Phước Nguyên (Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh) đề nghị Đảng bộ huyện lãnh đạo các ngành, địa phương bảo vệ vững chắc biên giới, giữ vững nội địa; tạo môi trường ổn định để thu hút đầu tư, sản xuất - kinh doanh, phát triển KTXH, khai thác tiềm năng biên giới…

TX. Tịnh Biên đang đẩy mạnh phát triển kinh tế biên mậu, tạo điều kiện để Nhân dân 2 bên biên giới mua bán, trao đổi hàng hóa thuận lợi. Địa phương tập trung đầu tư, phát triển dịch vụ vận tải, kho bãi, thanh toán tiền tệ; tạo bước đột phá về giao thương biên mậu. Đảng bộ TX. Tịnh Biên tập trung thực hiện 3 khâu đột phá: Phát triển hạ tầng giao thông và đô thị; chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với phát triển dịch vụ DL; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển. Trong đó, tổng vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông - đô thị trên 1.420 tỷ đồng, vượt kế hoạch cả nhiệm kỳ (1.000 tỷ đồng), tạo nền tảng để TX. Tịnh Biên trở thành đô thị sầm uất vùng biên giới, thực hiện tốt vai trò là đô thị trung tâm tiểu vùng phía Tây của tỉnh An Giang.

Là địa bàn biên giới, TX. Tân Châu tiếp tục khẳng định vai trò là một trong 3 trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh. Đến nay, có 6/16 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch nhiệm kỳ, trong đó, bình quân thu nhập đầu người hơn 68 triệu đồng/năm, tăng 24,7% so năm 2020. KTXH tăng trưởng hợp lý; các ngành, lĩnh vực phát triển toàn diện và đồng bộ, huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng yêu cầu TX. Tân Châu tiếp tục thực hiện tốt 3 nghị quyết và 6 chương trình hành động của thị xã. Cùng với phát triển kinh tế, quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các lĩnh vực văn hóa, xã hội; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Làm tốt công tác xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong Nhân dân; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao…

Phát triển toàn diện tam nông

Đến giữa nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện Chợ Mới thực hiện đạt và vượt 7/13 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện. Bình quân thu nhập đầu người theo tiêu chí NTM đạt 70 triệu đồng/năm, tăng 19 triệu đồng so năm 2019. KTXH tăng trưởng khá, huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển. Huyện đã chuyển đổi 9.471ha đất trồng lúa kém hiệu quả, vườn tạp sang trồng rau màu và vườn cây ăn trái. Huyện đã xây dựng xã Hội An lên thị trấn Hội An; tất cả 15 xã đạt chuẩn NTM (4 xã NTM nâng cao); thị trấn Chợ Mới được công nhận đạt đô thị loại IV, thị trấn Mỹ Luông và Hội An đạt đô thị loại V... Chợ Mới quyết tâm thực hiện các khâu đột phá về huy động nguồn lực, thực hiện chính sách linh hoạt, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, DL, thương mại.

Huyện Thoại Sơn xác định mục tiêu tiếp tục phát huy nội lực của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của Nhân dân để xây dựng huyện NTM nâng cao. Đồng thời, thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng NTM theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, sản xuất theo chuỗi giá trị.

Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ huyện Châu Thành thực hiện đạt và vượt 11/15 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025. Huyện đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản. Một trong các khâu đột phá của huyện là phát huy thế mạnh nông nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Đảng bộ huyện tiếp tục thực hiện hiệu quả 5 đề án trọng điểm; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững; huy động mọi nguồn lực xây dựng huyện NTM vào năm 2025.

Đối với huyện cù lao Phú Tân, dù cách trở đò ngang nhưng chỉ tiêu vận động các nguồn quỹ an sinh xã hội của huyện đến giữa nhiệm kỳ đạt 191,7% so chỉ tiêu cả nhiệm kỳ 2020 - 2025, chăm lo tốt đời sống người dân còn khó khăn vùng nông thôn. Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Võ Nguyên Nam (Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách huyện Phú Tân) đề nghị Đảng bộ huyện tiếp tục khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh địa phương để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, nâng cao mức sống người dân; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng vào quản lý nhà nước ở các lĩnh vực, địa bàn; khai thác thế mạnh các làng nghề nông thôn... 

Là địa phương có thế mạnh nông nghiệp, huyện Châu Phú từng bước hình thành vùng sản xuất theo các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của huyện; nâng cao đời sống người dân, thu nhập bình quân đầu người trên 64 triệu đồng/năm. Đảng bộ huyện đang tập trung vào các khâu đột phá, như: Tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp và đẩy mạnh áp dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp gắn với các vùng sản xuất tập trung, kêu gọi đầu tư công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị sản xuất trong nông nghiệp; hoàn thiện hệ thống giao thông, tạo liên kết vùng, đảm bảo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh; khai thác tiềm năng, quy hoạch phát triển đô thị theo hướng hiện đại; thương mại - dịch vụ chất lượng, văn minh...

Đối với đô thị trung tâm Long Xuyên, hầu hết các chỉ tiêu nghị quyết đều đạt và vượt trên 50%, có 6/11 chỉ tiêu vượt so toàn nhiệm kỳ 2020 - 2025. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đề nghị Đảng bộ TP. Long Xuyên tiếp tục quán triệt quan điểm phát triển KTXH nhanh và bền vững là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thực chất là nhiệm vụ then chốt; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng và thuận lợi để vươn tầm phát triển…

HỮU HUYNH - THANH TIẾN