Gửi gắm niềm tin vào kỳ họp quan trọng

07/12/2021 - 05:51

 - Sáng nay (7-12), kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh An Giang, khóa X (nhiệm kỳ 2021-2026) được khai mạc bằng hình thức trực tuyến. Kỳ họp cuối năm là sự kiện quan trọng, để nhìn lại những điều đã đạt được trong một năm đầy biến động, với những trăn trở, băn khoăn và gửi gắm niềm tin tích cực cho năm mới.

Những mong mỏi của cử tri

Tình hình dịch bệnh COVID-19 khiến việc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp không được tổ chức theo thông lệ. Tuy nhiên, MTTQ các cấp đã tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, báo cáo đến HĐND tỉnh. Đó là những vấn đề gắn liền với cuộc sống hàng ngày của bà con, là chuyện sản xuất - kinh doanh, sinh hoạt, học tập, lao động… trong bối cảnh khó khăn hơn bao giờ hết.

Điển hình như, trong lĩnh vực nông nghiệp, cử tri huyện Tri Tôn, Chợ Mới, Thoại Sơn, An Phú, Châu Phú đề nghị các ngành chức năng có biện pháp bình ổn giá mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, để người dân an tâm sản xuất có lãi, ổn định đời sống. Cử tri huyện Thoại Sơn đề nghị ngành chức năng có giải pháp ổn định giống lúa khi chuyển đổi giống chất lượng cao và giá lúa sau thu hoạch. Cử tri huyện Châu Phú kiến nghị tỉnh có những giải pháp khôi phục sản xuất - kinh doanh để ổn định đời sống kinh tế, góp phần giảm gánh nặng an sinh xã hội của nhà nước; quan tâm bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản…

Tiêm vaccine cho trẻ em và bình ổn giá mặt hàng tiêu dùng thiết yếu là vấn đề được bàn thảo trong kỳ họp lần này. Ảnh: THANH HÙNG

Trong lĩnh vực giao thông - vận tải, cử tri huyện Tri Tôn đề nghị đầu tư xây dựng thêm hệ thống cống thoát lũ núi trên Tỉnh lộ 955B; sớm thi công công trình thoát nước lũ núi Dài. Cử tri huyện Chợ Mới phản ánh tình trạng sạt lở ở các đoạn đường giao thông nông thôn, ảnh hưởng đến nơi ở và giao thông, sinh hoạt, vận chuyển hàng hóa của người dân. Đề nghị tỉnh sớm khảo sát và có giải pháp khắc phục, nâng cấp, mở rộng đường giao thông nội đồng; xây dựng mới cụm, tuyến dân cư để di dời người dân vùng sạt lở đến nơi ở an toàn.

Trong lĩnh vực phòng, chống dịch COVID-19, cử tri huyện Phú Tân, Châu Phú, Chợ Mới đề nghị tỉnh có kế hoạch phân bổ và sớm tiêm vaccine cho trẻ em, tạo điều kiện cho các em trở lại trường. Việc hỗ trợ lao động tự do còn chưa đến được với một bộ phận người làm thuê trong lĩnh vực nông nghiệp (như: Xịt thuốc, làm cỏ, thu hoạch nông sản, thu hoạch thủy, hải sản), người se tơ; dệt chiếu, giúp việc nhà, làm thuê trong lĩnh vực xây dựng (như: Thợ sắt, thợ nhôm, thợ hàn, thợ sơn bê, thợ làm trần nhà, thợ mộc), người làm nghề đánh bắt thủy, hải sản (như: Chài, lưới, câu, cào cá, xúc cá), người mua bán nhỏ lẻ có địa điểm cố định (như: Bán rau, cá, tạp hóa…), cần có sự xem xét thấu đáo hơn. Đề nghị các ngành chuyên môn tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm vi phạm quy định trong phòng, chống dịch bệnh.

Nhiều vấn đề quan trọng được bàn thảo

Kỳ họp được tổ chức tại điểm cầu tỉnh (Hội trường Văn phòng UBND tỉnh) do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng chủ trì. Đồng thời, kết nối đến 11 điểm cầu huyện, thị xã, thành phố, do các Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND tỉnh chủ trì. “Kỳ họp lần này để kiểm điểm tình hình thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2021; xem xét ra Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2022 và một số vấn đề khác có liên quan, nhằm thúc đẩy phát triển KTXH, giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, tiếp tục cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân và quyết định xem xét thông qua nhiều nội dung quan trọng khác” - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Đỗ Tấn Kiết thông tin.

Theo chương trình dự kiến, ngày 7-12, thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc các sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường trình bày các báo cáo, tờ trình có liên quan đến lĩnh vực kinh tế - ngân sách. Lãnh đạo UBND tỉnh trình bày báo cáo kết quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh báo cáo thẩm tra các báo cáo, tờ trình và dự thảo nghị quyết liên quan đến lĩnh vực kinh tế - ngân sách.

Đại biểu biểu quyết tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh. Ảnh: G.K

Phiên làm việc buổi chiều, thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trình bày các tờ trình có liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo; Giám đốc Sở Nội vụ trình bày tờ trình giao biên chế công chức, hợp đồng lao động theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP, Nghị định 161/2018/NĐ-CP trong các cơ quan hành chính nhà nước; phê duyệt số lượng người làm việc, hợp đồng lao động theo Nghị định 68/2000/NQ-CP, Nghị định 161/2018/NĐ-CP trong các đơn vị sự nghiệp công lập và các hội có tính chất đặc thù trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2022; tờ trình thông qua Đề án thành lập thị trấn Đa Phước (huyện An Phú).

Trong phần thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường, kỳ họp dành thời gian để 5 “thủ lĩnh đầu ngành” trả lời theo các nhóm vấn đề cử tri quan tâm. Đó là Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Công an tỉnh, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng để cử tri và nhân dân dễ dàng theo dõi, chất vấn. Trước khi bế mạc kỳ họp (ngày 8-12), các vị đại biểu HĐND tỉnh sẽ biểu quyết thông qua các nghị quyết kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh, gồm: Nghị quyết về phát triển KTXH năm 2021, nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2022; Nghị quyết tổ chức các kỳ họp thường lệ HĐND tỉnh năm 2022; các nghị quyết thuộc lĩnh vực kinh tế - ngân sách, văn hóa - xã hội và pháp chế.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Đỗ Tấn Kiết đề nghị: “Với nhiều nội dung quan trọng, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị đại biểu ở các điểm cầu phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực nghiên cứu thảo luận, tham gia ý kiến có chất lượng. Đề nghị UBND tỉnh, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ chủ động nghiên cứu ý kiến thảo luận, giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu HĐND, cử tri quan tâm”.

Quá trình diễn ra kỳ họp, cử tri có phản ánh, kiến nghị hoặc trình bày nguyện vọng, đề nghị liên lạc vào số điện thoại (0296) 3.852.289.

 

GIA KHÁNH