Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Rotterdam, Hà Lan. Ảnh: AFP-TTXVN
Viện Y tế và môi trường quốc gia Hà Lan (RIVM) đã phát hiện dấu vết của Omicron trong 2 mẫu bệnh phẩm được thu thập trong hai ngày 19-11 và ngày 23-11. Trong khi đó, WHO cho biết Nam Phi phát cảnh báo về biến chủng này (tên ban đầu là B.1.1.529) vào ngày 24-11.
Thông báo của RIVM cho biết: “Vẫn chưa rõ liệu những người mắc bệnh (trong 2 ca đầu tiên nói trên) từng có mặt ở miền Nam châu Phi hay không. Hiện các cơ quan chức năng của Hà Lan đang phối hợp để truy vết chuỗi lây nhiễm này. Nhiều nghiên cứu khác nhau cũng sẽ được thực hiện để đánh giá quy mô lây nhiễm của biến thể Omicron tại Hà Lan".
Trước đó, Hà Lan từng cho rằng những trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên mà nước này phát hiện là 14 hành khách trên các chuyến bay của hãng hàng không KLM từ Johannesburg và Cape Town của Nam Phi hạ cánh xuống sân bay ở Amsterdam ngày 26-11. Với tổng cộng 16 trường hợp đã được xác nhận tính đến thời điểm này, Hà Lan hiện là một trong số những nước có số ca nhiễm biến thể Omicron cao nhất tại châu Âu.
RIVM cho biết: "Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã xác định một số biến thể phụ khác nhau của Omicron. Điều này có nghĩa là mọi người rất có thể đã bị nhiễm độc lập với nhau, từ các nguồn khác nhau và ở các địa điểm khác nhau".
Thông báo mới nhất từ giới chức Hà Lan càng làm phức tạp thêm về câu hỏi Omicron xuất phát tại nước nào và vào thời điểm nào. Tới nay, giới khoa học vẫn chưa xác định được thời điểm và địa điểm bắt nguồn của Omicron. Nhưng với tâm lý lo ngại, một số nước vẫn ra quy định giới hạn các chuyến bay, đặc biệt là đối với hành khách tới từ miền Nam châu Phi.
Đến nay, biến thể Omicron đã lan ra hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như Botswana, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), Israel, Đức, Bỉ, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Đan Mạch, Hà Lan, Áo, Italy, Canada, Brazil... Ít nhất 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong số đó có Mỹ, đã áp đặt các hạn chế đi lại đối với một số quốc gia châu Phi do lo ngại về biến thể này.
WHO cảnh báo rủi ro toàn cầu từ Omicron là “rất lớn”, do các nghiên cứu sơ bộ cho thấy biến thể này có số lượng đột biến cao bất thường. Tuy không đồng tình với biện pháp đóng cửa biên giới của chính phủ nhiều nước hiện nay, WHO nhấn mạnh rằng trong lúc chờ đợi các nhà khoa học nghiên cứu biến thể mới, các nước nên đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng.
Theo các bác sĩ ở Nam Phi, đa số bệnh nhân nhiễm Omicron tại đây chỉ bị mắc COVID-19 thể nhẹ. Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo rằng hầu hết ca mắc mới là thanh thiếu niên - nhóm tuổi nhìn chung không mắc bệnh nặng như người cao tuổi.
Theo THANH PHƯƠNG (Báo Tin Tức)