Hạn chế lãng phí nguồn lực lao động

20/07/2023 - 06:18

 - Đây là nội dung được nhắc đến rất nhiều trong xã hội hiện nay. Nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề, kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh An Giang đã đưa thành nội dung chất vấn và trả lời chất vấn trọng tâm. Nhưng sau chất vấn, sau những câu hỏi và câu trả lời, phải là hành động thiết thực, hiệu quả để xốc lại thị trường lao động, chặn đứng nguy cơ lãng phí tài nguyên đặc biệt quan trọng này.

Vướng mắc đan xen

Nguyễn Ngọc Huân (Chi đoàn khóm Mỹ Tân, thị trấn Mỹ Luông, huyện Chợ Mới) bày tỏ trăn trở về thực trạng “giấu bằng đại học đi làm công nhân”. Nhiều cử nhân, kỹ sư, thậm chí là thạc sĩ, tiến sĩ tạm “cất” tấm bằng để làm hồ sơ xin việc, làm công nhân, tài xế xe công nghệ…

“Đối với gia đình nông dân, tấm bằng đại học trị giá từ vài chục đến vài trăm tấn lúa, trái cây. Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm cho những tổn thất này: Gia đình, nhà trường, xã hội hay chính thanh niên lựa chọn học đại học? Chính phủ đã biết thực trạng này chưa? Thời gian tới, ngành chức năng có biện pháp, hành động gì để giải quyết vướng mắc trong thị trường lao động hiện nay, đặc biệt là miền Tây Nam Bộ?” - Huân đặt rất nhiều câu hỏi trong buổi tiếp xúc đại biểu Quốc hội tỉnh vừa qua.

Có 3 vấn đề vướng mắc trong thị trường lao động, được chỉ ra trong thời gian gần đây. Thứ nhất là khâu đào tạo nghề chưa gắn với giải quyết việc làm cho người lao động (NLĐ). Quy mô tuyển sinh, số lượng đào tạo luôn đạt và vượt kế hoạch, nhưng đào tạo xong rồi sử dụng được bao nhiêu, hiệu quả đến đâu, cần phải được rà soát một cách đầy đủ, khách quan.

 Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội An Giang Châu Văn Ly, toàn tỉnh có 25 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hơn 900 cán bộ, quản lý, nhà giáo, có trọng trách đào tạo 48.500 người/năm. Năm 2022, tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề gần 31.000 người (đạt hơn 150% kế hoạch); 6 tháng đầu năm 2023 tuyển sinh khoảng 8.500 người (đạt 107% so cùng kỳ 2022).

Hướng nghiệp cho học sinh từ sớm

“Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho trường cao đẳng, trung cấp từ ngân sách tỉnh chưa tương xứng với sứ mệnh và nhiệm vụ được giao; trang thiết bị đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu tình hình mới, đầu tư chưa đồng bộ. Dĩ nhiên, nền tảng này chưa cho phép các cơ sở bắt tay và chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp” - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội An Giang Châu Văn Ly bày tỏ.

Thứ hai, hành trình đưa NLĐ làm việc ở nước ngoài gặp nhiều khó khăn, phần lớn thuộc về chính bản thân NLĐ (tâm lý ngại xa quê, ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật lao động chưa tốt, nặng gánh chi phí đăng ký ban đầu…). Thứ ba, “đòn giáng” nặng nề nhất vào thị trường lao động, khi 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có hơn 10.500 NLĐ bị ảnh hưởng việc làm (thôi việc, mất việc làm, tạm hoãn hợp đồng lao động, giảm giờ làm). Nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp gặp khó khăn về thị trường hàng hóa, ảnh hưởng sản xuất - kinh doanh, buộc phải giảm lao động, việc làm.

Tháo gỡ linh hoạt

Để giải quyết các vướng mắc trên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng cho rằng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh công tác phân luồng, định hướng giáo dục tiếp cận nghề nghiệp cho học sinh ngay từ cấp THCS, THPT. Từ đó, góp phần hình thành đội ngũ nhân lực theo quy mô, cơ cấu nghề nghiệp, trình độ đào tạo, đáp ứng nhu cầu cơ cấu nhân lực cần sử dụng của thị trường lao động.

Đồng thời, phối hợp cơ quan truyền thông xây dựng chương trình phát sóng, chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền định kỳ, định hướng nghề nghiệp cho học sinh; bồi dưỡng nâng cao tay nghề, đặc biệt là bồi dưỡng về kỹ năng nghề, công nghệ thông tin và ngoại ngữ cho đội ngũ giáo viên cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Có việc làm ổn định tại địa phương không chỉ là mong mỏi của nhân dân, mà còn là mục tiêu lãnh đạo tỉnh đang hướng đến, là một trụ cột trong an sinh xã hội. UBND tỉnh đã tăng kinh phí cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, mở rộng ngành nghề đào tạo. Là tỉnh đông dân thứ 8 cả nước, đứng đầu ĐBSCL, An Giang có lợi thế về nguồn lao động dồi dào, thời kỳ “dân số vàng”. Đáng tiếc, do thiếu việc làm tại chỗ, buộc hàng ngàn người phải xa quê tìm kế sinh nhai. Bài toán đầy trăn trở này được nhắc đến nhiều lần, nhưng vẫn chưa được giải quyết căn cơ.

Vì thế, thực tiễn đang đặt ra yêu cầu rà soát, phân tích, đánh giá đúng thực trạng nguồn lao động; điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, xác định đúng danh mục nghề cần đào tạo, xây dựng kế hoạch đào tạo sát thực tế, nâng cao chất lượng đào tạo nghề; tăng cường quản lý, kiểm định chất lượng đào tạo nghề…

“Lực lượng lao động thì nhiều, nhưng lao động qua đào tạo nghề vẫn chưa nhiều. Chúng ta cần xác định rằng, đào tạo nghề phải gắn với thực tiễn; phải gắn với giải quyết việc làm, nếu không sẽ lãng phí vô cùng. Đào tạo nghề mà xã hội cần, chứ không phải đào tạo nghề chúng ta có. Ngành chuyên môn cần phối hợp cơ sở giáo dục thành lập đoàn công tác trực tiếp đến khu công nghiệp, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, thậm chí các nước có nhu cầu tuyển dụng lao động Việt Nam, để xem họ cần gì, ký kết hợp đồng, có số lượng lao động cụ thể.

Trên cơ sở đó, triển khai chiêu sinh, đào tạo nguồn lao động. Sau đào tạo, nhanh chóng cung ứng nhân lực cho các doanh nghiệp đã ký kết. Cách làm này, nhiều tỉnh, thành phố đã làm tốt và An Giang cần học hỏi, áp dụng. Chúng ta phải chủ động đi gõ cửa doanh nghiệp, thay vì chờ đợi doanh nghiệp tìm đến” - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình gợi mở.

AN KHANG