Hơn một tháng sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều, trong khi Mỹ vẫn đang gây sức ép buộc Triều Tiên có các bước đi cụ thể hướng đến tiến trình phi hạt nhân hóa, thì chính phủ Hàn Quốc đang tìm mọi cách thúc đẩy cải thiện quan hệ với nước láng giềng.
Khu công nghiệp chung Kaesong nằm ở biên giới liên Triều. Ảnh: AP.
Với các dự án về du lịch, đầu tư và kinh tế với Triều Tiên, chính phủ Hàn Quốc đang tạo ra các nền tảng quan trọng để thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc hôm 19-7 cho biết, các công nhân Hàn Quốc đang tích cực sửa chữa lại cơ sở hạ tầng tại thị trấn biên giới của Triều Tiên để làm một văn phòng liên lạc chung vào tháng 8 tới. Việc mở văn phòng liên lạc tại Kaesong được cho là một phần trong nỗ lực thúc đẩy hợp tác giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.
Các cơ sở tại Kaesong đã không được sử dụng kể từ khi Hàn Quốc rút nhân viên ra khỏi khu công nghiệp chung Kaesong vào tháng 2-2016. Một nhóm doanh nghiệp Hàn Quốc vận hành khu công nghiệp chung Kaesong cũng đang tìm kiếm sự ủng hộ của chính phủ, nối lại hoạt động của khu công nghiệp - vốn được coi là biểu tượng hợp tác kinh tế giữa hai bên.
Ngoài ra, các tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Lotte, Huyndai, Hyosung và KT đã thông báo thành lập lực lượng đặc biệt để tìm kiếm các cơ hội hợp tác liên Triều. Tháng 6 vừa qua, hai nước cũng nhất trí đàm phán về hợp tác kết nối và hiện đại hóa các tuyến đường sắt đi qua biên giới hai nước. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết, nếu tiến trình phi hạt nhân hóa diễn ra suôn sẻ, Hàn Quốc sẽ xây dựng một cộng đồng kinh tế với Triều Tiên:
"Nếu Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tiếp tục giữ cam kết về phi hạt nhân hóa, ông có thể giúp đưa đất nước phát triển thịnh vượng. Con đường này không hề dễ dàng, nhưng nếu thỏa thuận tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều được thực hiện với sự chân thành, thì các mục tiêu có thể đạt được. Dựa trên tiến trình phi hạt nhân hóa và hòa bình hoàn toàn trên Bán đảo Triều Tiên, Hàn Quốc sẽ thiết lập một lộ trình kinh tế mới với Triều Tiên. Hai bên sẽ cùng thúc đẩy một Cộng đồng kinh tế”, ông Moon Jae-in nói.
Không chỉ là các vấn đề kinh tế, Hàn Quốc và Triều Tiên thời gian qua cũng thúc đẩy các dự án nhằm tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực du lịch, văn hóa, thể thao…như thành lập nhóm thi đấu chung tại Á vận hội sắp tới, cũng như tổ chức các trận đấu bóng rổ hữu nghị. Điều này cho thấy, từ thể thao ngoại giao đến các hợp tác kinh tế, Hàn Quốc đang dần dỡ bỏ tất cả các rào cản để thúc đẩy hợp tác với Triều Tiên.
Theo Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu Wilson tại Hàn Quốc Jean Lee, thay vì cố buộc Triều Tiên phải thực hiện ngay lập tức các cam kết về phi hạt nhân hóa như Mỹ, Hàn Quốc lại theo đuổi các kế hoạch hòa giải với Triều Tiên thông qua việc từng bước cải thiện quan hệ với quốc gia láng giềng này.
Tổng thống Hàn Quốc từ lâu đã tìm cách thúc đẩy mối quan hệ hợp tác song phương thông qua các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch vào trao đổi văn hóa. Theo một khảo sát từ Viện Asan, tại Seoul, thiện cảm của người dân Hàn Quốc với Triều Tiên đang ở mức cao kỉ lục sau Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều và Mỹ-Triều. Tỉ lệ ủng hộ Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hàn Quốc cũng cao mức vượt cả Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng nhận định, để duy trì động lực này cũng sẽ là thách thức đối với chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in. Nếu không có các bước tiến cụ thể trong các cuộc đàm phán hòa bình và nếu Triều Tiên không tuân theo các cam kết đưa ra, xu hướng này có thể bị đảo ngược ngay lập tức.
Giới phân tích cũng nhận định, trong nỗ lực thúc đẩy các dự án hòa giải với Triều Tiên, Hàn Quốc cũng cần thận trọng, tránh làm chệch tiến trình đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên. Với việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, Hàn Quốc có thể hướng đến việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên. Điều này có thể làm rạn nứt mối quan hệ đồng minh với Mỹ, nếu các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên về tiến trình phi hạt nhân hóa không diễn ra suôn sẻ.
Theo VOV