Hành trình thầm lặng tri ân

26/07/2022 - 19:18

Chiến tranh đã qua đi gần nửa thế kỷ nhưng với nhiều gia đình liệt sĩ, nỗi đau chưa thể nguôi ngoai khi hài cốt của người thân vẫn còn nằm lặng lẽ ở đâu đó trên các chiến trường. Mong muốn được đồng hành cùng các thân nhân và tỏ lòng tri ân liệt sĩ, một nhóm tình nguyện đã kết nối với nhau để cùng làm một công việc thầm lặng mà vô cùng ý nghĩa: tìm kiếm thông tin mộ liệt sĩ.

KTS Nguyễn Xuân Thắng (phải) và CCB Đặng Hà Thụy (giữa) thực địa tại đồi Xuân Sơn (Bình Định) nơi tìm thấy mộ tập thể 60 hài cốt liệt sĩ.

“Thủ lĩnh tìm mộ” trên mạng

Cuối năm 2016, Đại tá Mai Xuân Chiến, nguyên Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo khảo sát, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (HCLS) tỉnh Đồng Nai tiếp nhận bộ tư liệu vô cùng quý giá từ kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Xuân Thắng về ngôi mộ tập thể tại sân bay Biên Hòa. Ông Chiến đã không kìm được xúc động vì sau mấy thập kỷ tìm kiếm không có kết quả, giờ đây ông có đủ cơ sở để tin tưởng về một cuộc “trở về” đặc biệt của các liệt sĩ. Hơn một tháng triển khai tìm kiếm, mộ tập thể của 150 cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đoàn 4, Sư đoàn 5 và Đại đội đặc công Biên Hòa hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân 1968 đã được tìm thấy.

Từ kết quả này đã mở ra một hướng tìm kiếm mới HCLS, mang đến những cuộc “trùng phùng” cho hàng nghìn thân nhân, gia đình liệt sĩ trên khắp cả nước.

KTS Nguyễn Xuân Thắng, người đã lặng lẽ sưu tầm hàng chục nghìn bức không ảnh, ảnh vệ tinh, bản đồ quân sự; người đã hỗ trợ hiệu quả các cơ quan chức năng trong công tác tìm kiếm HCLS không thể nhớ hết có bao nhiêu liệt sĩ đã được tìm thấy trong các mộ tập thể. Anh chỉ nhớ rằng, có ngôi mộ từ lúc bắt đầu nghiên cứu tới khi có kết quả phải mất hơn bốn năm, trường hợp nào may mắn cũng phải mất vài tháng, có trường hợp phải tìm đi tìm lại nhiều lần mới thấy, mộ nào cũng từ mấy chục đến mấy trăm liệt sĩ. “Thời khắc tìm thấy các liệt sĩ vừa đau thương vừa hạnh phúc”.

Theo Đại tá Mai Xuân Chiến, Đồng Nai là địa phương triển khai rất quyết liệt việc tìm kiếm HCLS, tuy nhiên do nguồn thông tin chủ yếu từ tài liệu quân sự trong nước, lời kể của các cựu chiến binh (CCB) và người dân nên hiệu quả thấp. Từ khi một số tình nguyện viên kết nối được với các CCB Mỹ, khai thác ảnh vệ tinh, bản đồ quân sự và tài liệu giải mật của Mỹ, công tác tìm kiếm HCLS đạt hiệu quả rất tốt. Sau khi hỗ trợ tìm kiếm HCLS ở sân bay Biên Hòa, anh Thắng tiếp tục cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan chức năng về một số ngôi mộ tập thể ở sân bay Tân Sơn Nhất và các tỉnh: Bình Định, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai với số lượng hàng nghìn liệt sĩ.

KTS Nguyễn Xuân Thắng, sinh năm 1973, hiện sinh sống tại TP Hồ Chí Minh, có cậu ruột là liệt sĩ. Những năm qua, anh và gia đình nhiều lần đi tìm kiếm mộ người thân nhưng vẫn chưa thể tìm thấy. Thấu hiểu nỗi đau mất mát và sự chờ đợi mòn mỏi của các gia đình liệt sĩ, anh đã tình nguyện hỗ trợ các cơ quan chức năng và thân nhân tìm kiếm thông tin mộ liệt sĩ.

Đam mê lịch sử quân sự, trong quá trình tìm hiểu các trận đánh từ tài liệu cả hai phía ta và địch, anh Thắng nhận ra rằng nhiều trận đánh bộ đội ta hy sinh với số lượng lớn và thường được lính Mỹ thu gom, chôn cất trong hố chôn tập thể. “Do lệch múi giờ, nhiều đêm phải thức trắng để trao đổi với các CCB Mỹ về từng trận đánh, từng chiến dịch, rồi xem bản đồ vệ tinh, hình dung lại chiến sự đã xảy ra ở đâu, sau đó thế nào, các hố chôn bộ đội ta ở khu vực nào”, anh Thắng nói.

“Mỗi lần tìm được mộ các liệt sĩ, chứng kiến hình ảnh những người vợ, người con sau nửa thế kỷ mòn mỏi trông chờ mới tìm thấy chồng, cha của mình, tôi lại có thêm động lực để tiếp tục hành trình tìm kiếm”.

Những người đồng hành thầm lặng

Kỹ sư công nghệ thông tin Lâm Hồng Tiên, sinh năm 1975, ở Hà Nội cũng có bác ruột là liệt sĩ, cho đến nay vẫn chưa rõ thông tin về đơn vị, nơi và ngày hy sinh. “Chứng kiến nỗi vất vả và có cơ hội đồng hành cùng gia đình trên hành trình tìm kiếm thông tin về bác khiến tôi mong muốn giúp đỡ nhiều gia đình liệt sĩ khác”, anh Tiên nói.

Năm 2013, anh lập trang blog: http://www.kyvatkhangchien.com để đăng thông tin, tài liệu về các đơn vị quân đội trong chiến tranh, kỷ vật kháng chiến và hỗ trợ tìm kiếm thông tin liệt sĩ.

Anh còn dành nhiều thời gian nghiên cứu, tổng hợp từ các báo cáo của quân đội Mỹ đã được giải mật về các trận đánh, nơi an táng ban đầu của liệt sĩ, những ngôi mộ tập thể để cung cấp cho các đơn vị chính sách của quân đội, các đội quy tập HCLS, các hội CCB. Năm 2018, anh đã tìm được một số tài liệu giải mật quan trọng, trong đó có bản danh sách báo tử 59 liệt sĩ thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 724, hy sinh năm 1966, do phía Mỹ thu giữ, hiện đang lưu bản chụp tại website Đại học Kỹ thuật Texas (Mỹ). Đây chính là cơ sở chứng minh ông Đặng Thành Tuấn, người từng dùng máu viết đơn tình nguyện tham gia chiến đấu và anh dũng hy sinh tại chiến trường miền nam, nhưng nhiều năm qua chưa được công nhận là liệt sĩ.

Mới đây, anh Tiên có văn bản gửi cơ quan chính sách quân đội cung cấp thông tin về bốn ngôi mộ tập thể liệt sĩ tại hai tỉnh: Gia Lai và Kon Tum. Anh cũng đang cùng KTS Nguyễn Xuân Thắng, CCB Đặng Hà Thụy và một số CCB Mỹ tiến hành phân tích xác định mộ tập thể liệt sĩ Tiểu đoàn đặc công D40 hy sinh trong trận bãi cát Đồng Chu ngày 3/11/1969, tại Bình Định.

“KTS Nguyễn Xuân Thắng và kỹ sư Lâm Hồng Tiên là những người rất tâm huyết, đã tình nguyện bỏ thời gian, công sức và tiền bạc cá nhân để tìm kiếm, mua các tài liệu được giải mật phía Mỹ, tài liệu trên internet rồi phân tích, tổng hợp, xác định vị trí chôn cất HCLS, qua đó, kết nối được các CCB Mỹ giúp đỡ chúng tôi trong việc tìm kiếm. Họ đã cung cấp cho chúng tôi nhiều thông tin, tài liệu, hồ sơ về các ngôi mộ tập thể ở nhiều nơi”, Đại tá Chiến chia sẻ.

Cùng là thành viên trong diễn đàn online Lịch sử quân sự Việt Nam (quansuvn.net), anh Nghiêm Văn Quang, sinh năm 1979 là một tình nguyện viên rất tích cực hỗ trợ tìm mộ liệt sĩ. Anh kể: “Năm 2008, tôi một mình khoác ba-lô vào Bình Định tìm mộ bác ruột. Sau hai tuần không tìm thấy tôi đã rút ra một số bài học kinh nghiệm và mong muốn chia sẻ với các gia đình liệt sĩ”. Từ đó, anh dành phần lớn thời gian rảnh rỗi tìm kiếm các nguồn thông tin để giúp thân nhân liệt sĩ bớt tốn kém công sức, tiền bạc trong hành trình tìm kiếm người thân. Là một doanh nhân bận rộn với công việc kinh doanh nhưng anh chưa bao giờ từ chối các thân nhân nhờ tìm kiếm giúp thông tin về liệt sĩ.

Ngày nào cũng vậy, Đỗ Duy Sơn, sinh 1983, kỹ sư thiết kế một công ty của Nhật ở Hà Nội, cũng bận rộn với việc tìm kiếm tài liệu, trả lời các câu hỏi của thân nhân liệt sĩ. Là con trai cựu tù binh Phú Quốc Đỗ Duy San, Sơn kể: “Đọc tự truyện của bố, em được biết trong trận Phước Quả 3, bố em là tù binh duy nhất, là người duy nhất địch tìm thấy còn sống, cùng với 134 thi thể. Năm 2014, khi chia sẻ thông tin lên mạng, em mới biết 134 liệt sĩ là đồng đội của bố vẫn chưa tìm thấy mộ. Từ đó, em bắt đầu công việc tìm kiếm và hỗ trợ thông tin các thân nhân liệt sĩ”.

Bác Nguyễn Như Thìn, em trai liệt sĩ Nguyễn Như Phong, nguyên pháo thủ Đại đội 17, Trung đoàn 88, hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Sau nhiều năm tìm kiếm, tháng 7/2021, qua Sơn và anh Quang, bác Thìn đã liên lạc với đồng đội của anh trai và biết được đơn vị, ngày hy sinh.

Từ các nguồn tài liệu sưu tầm qua sách báo, hồi ký, tài liệu phía Mỹ thu giữ và giải mật, Sơn đã tập hợp được bản danh sách đầy đủ các liệt sĩ hy sinh tại kênh Ngang, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An sáng mồng 1 Tết Canh Tuất 1970. Trong dịp khánh thành đền thờ các liệt sĩ Trung đoàn 88 hy sinh tại kênh Ngang, Ban Chỉ huy trung đoàn đã gửi thư cảm ơn em.

Bác Nguyễn Văn Cung ở Mỹ Đức, Hà Nội là CCB Trung đoàn 88, năm nay đã bước sang tuổi 83. Giọng bác vẫn hào sảng dù đã trải qua mấy lần đột quỵ. Bác kể rằng, nhờ có Sơn giúp, bác rất vui khi tìm được gia đình đại đội trưởng. Nhớ lại đêm 24/11/1967, đơn vị bác tấn công vào đồn Phước Lộc của địch. Đại đội trưởng Phạm Gia Đổng, quê ở Dân Chủ, Tứ Kỳ, Hải Dương đi đầu, hứng một loạt đạn rồi hy sinh, bác đi thứ ba nên chỉ bị thương.

“Bốn năm sau khi nghe câu chuyện của bác Cung, em mới tìm được địa chỉ chính xác gia đình liệt sĩ Phạm Gia Đổng, giúp bác Cung liên lạc và đến thăm gia đình liệt sĩ”, Sơn chia sẻ.

Dù thuộc thế hệ trẻ, chưa từng trải qua các cuộc chiến, nhưng các anh đã tình nguyện đồng hành cùng các CCB, thân nhân liệt sĩ trong hành trình tìm mộ liệt sĩ. “Đó là sự kế thừa, tiếp nối một cách tự nguyện, tự nhiên của lớp trẻ với quá khứ hào hùng, sự hy sinh của cả dân tộc và các liệt sĩ”, ông Hồ Đại Đồng, Trưởng Ban liên lạc CCB tìm đồng đội Sư đoàn 1 nói.

Chân dung liệt sĩ Nguyễn Như Phong và dòng cảm xúc của đồng đội-họa sĩ Bùi Đức Liễn, qua sự kết nối của anh Đỗ Duy Sơn.

Theo ANH THƠ (Nhân dân)