Hào khí Nam bộ kháng chiến sống mãi

23/09/2021 - 07:27

Hoàng Kỳ (*)

 - Cách đây 76 năm, ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng tấn công Sài Gòn, quyết trở lại xâm lược nước ta. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân Nam Bộ đã đồng lòng, quyết tâm, nhất tề đứng lên, mở ra trang sử oanh liệt mới: Nam Bộ kháng chiến.

Cách đây 76 năm, ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng tấn công Sài Gòn, quyết trở lại xâm lược nước ta. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân Nam Bộ đã đồng lòng, quyết tâm, nhất tề đứng lên, mở ra trang sử oanh liệt mới: Nam Bộ kháng chiến.

Đêm 22 rạng sáng ngày 23-9-1945, 6.000 quân Pháp dựa vào hơn 1 vạn quân Anh đã trắng trợn gây hấn ở Sài Gòn, bắt đầu cuộc xâm lược nước ta lần thứ hai, với âm mưu biến Nam Bộ làm bàn đạp đánh chiếm cả nước. Trước tình hình đó, giữ vững lời thề “Độc lập hay là chết”, nhân dân Sài Gòn nói riêng và Nam Bộ nói chung đã anh dũng bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Giữa lúc tiếng súng nổ ra nhiều nơi trong thành phố, vào sáng ngày 23-9, Xứ ủy Nam Kỳ, Ủy ban nhân dân và Ủy ban kháng chiến Nam Bộ triệu tập cuộc họp tại nhà số 629 đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh) thông qua “Lời kêu gọi của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ” và tuyên bố “Cuộc kháng chiến bắt đầu!”1.

Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam Kỳ, quân đội cách mạng và Nhân dân Sài Gòn sôi sục xông ra mặt trận quyết chiến với quân xâm lược. Khắp thành phố, lập tức tổng bãi công, bãi khóa, bãi thị, tản cư; mọi sinh hoạt chợ búa, giao thông, trường học đều ngưng hoạt động, công nhân nhà máy nghỉ việc đồng loạt, nhà đèn bị phá. Hàng vạn thanh niên, học sinh, người lao động, thợ thuyền, quần chúng yêu nước tự nguyện xông ra các tuyến đường. Các công sự, chướng ngại vật được Nhân dân đắp lên khắp nơi, bao vây cắt đường giao thông, triệt phá các đường tiếp tế lương thực của địch. Bên trong thành phố, gần 350 đội tự vệ bám sát các vị trí chiến đấu. Bên ngoài các lực lượng vũ trang siết chặt vòng vây, lấy súng địch đánh địch... Ngày 23-9-1945, giặc Pháp đã vấp phải những trận chiến đấu anh dũng, quật cường của quân và dân ta. Tiếng súng kháng chiến ở Sài Gòn chấn động cả nước; nhiều tỉnh Nam Bộ đưa lực lượng về góp sức Sài Gòn chống quân xâm lược, mở đầu một trang sử mới oanh liệt.

Nhận điện báo của Nam Bộ, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra ngay huấn lệnh: “Hỡi đồng bào Nam Bộ! Lòng cương quyết dũng cảm của Nhân dân Nam Bộ chống lại quân đội xâm lăng của Pháp... làm cho đồng bào toàn quốc cảm phục... Đồng bào phải cương quyết, phải giữ vững sự tin tưởng ở tương lai và lập tức thi hành triệt để những lời thề quả quyết trong Ngày Độc lập”2.

Ngày 26-9-1945, trên làn sóng Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch  Hồ Chí Minh khen ngợi: “Lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ” và khẳng định: “Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và Nhân dân hiện đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà”3.

Đáp lại lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, bằng sự kiên cường, bất khuất, quân và dân Nam Bộ nói chung, Nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định nói riêng, tuy chịu nhiều tổn thất hy sinh nhưng với ý chí sắt đá vì độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, lực lượng vũ trang cùng Nhân dân Nam Bộ đã cầm chân quân viễn chinh Pháp, đánh đòn đầu tiên vào âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp, khiến chúng không thể nhanh chóng đưa quân ra chiếm miền Bắc tạo điều kiện cho ta đấu tranh với quân Tưởng. Đồng thời, có thêm thời gian 15 tháng cực kỳ quý báu cho cả nước tiến hành cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập và chuẩn bị cho cuộc trường kỳ kháng chiến.

Lãnh đạo tỉnh dự lễ công bố thành lập lực lượng truy vết dịch COVID-19 Công an tỉnh. Ảnh: NGUYỄN HƯNG

Trong những ngày Sài Gòn “trong đánh, ngoài vây”, các tỉnh Nam Bộ một mặt cử quân chi viện cho chiến trường Sài Gòn - Chợ Lớn, mặt khác tiếp đón và giúp đỡ đồng bào từ thành phố tản cư về, đồng thời tích cực chuẩn bị lực lượng, lên kế hoạch sẵn sàng chiến đấu. Tại An Giang, thực hiện sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam Kỳ, Đảng bộ Long Xuyên, Châu Đốc đã lãnh đạo việc thành lập Ủy ban kháng chiến trong toàn tỉnh. Ở Long Xuyên, các đơn vị tự vệ chiến đấu quân được tổ chức thành từng trung đội, tiểu đội, được trang bị vũ khí thô sơ, tự tạo và một số khẩu súng thu giữ được của địch; lập phòng tuyến chiến đấu ở rạch Cái Sao, rạch Bà Bầu, xếp Bà Lý; xây dựng các công sự do các tổ tự vệ chiến đấu quân phối hợp cộng hòa vệ binh tỉnh đóng giữ; tổ chức đội cảm tử quân gồm những người dũng cảm, không quản hy sinh. Ở Châu Đốc, thanh niên được vận động tham gia vào lực lượng Cộng hòa vệ binh, Quốc gia tự vệ cuộc hay được tổ chức trong những đội tự vệ chiến đấu quân. Dọc hai bờ sông Tiền, sông Hậu cũng hình thành những xã chiến đấu do quân địa phương đảm nhiệm. Nhân dân được vận động sơ tán khỏi tỉnh lỵ, thực hiện chủ trương “vườn không nhà trống”, “bất hợp tác với giặc Pháp”, đồng thời, khắp nơi, các ụ chiến đấu được đào đắp, các cây to 2 bên đường bị đốn ngã để làm chướng ngại vật ngăn địch...

Ngày 23-9 đã đi vào lịch sử là “Ngày Nam Bộ kháng chiến”, mở đầu cho cuộc chiến đấu “gian lao mà anh dũng” trong suốt 30 năm trường kỳ của Nam Bộ “đi trước về sau”. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược của quân và dân ta trong những ngày đầu ở Nam Bộ có ý nghĩa to lớn, ngăn chặn một bước xâm lược của thực dân Pháp, đánh đòn mạnh mẽ đầu tiên vào âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh, làm tiêu hao một bộ phận sinh lực địch, hoàn thành tốt nhiệm vụ kìm giữ quân địch trong thành phố và các thị xã trong một thời gian dài, góp phần to lớn vào công cuộc đấu tranh giữ vững chính quyền nhân dân, chủ quyền, độc lập dân tộc. Ghi nhận và biểu dương tinh thần chiến đấu kiên cường của quân dân Nam Bộ, tháng 2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng đồng bào Nam Bộ danh hiệu vẻ vang: “Thành đồng Tổ quốc”.

76 năm đã qua đi, nhưng Ngày Nam Bộ kháng chiến mãi là mốc son lịch sử vẻ vang của dân tộc, là bản tráng ca bất hủ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, động lực vô cùng to lớn, mãi thắp sáng con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong những hoàn cảnh khó khăn, gian khổ của đất nước.

Ngày nay, những tiếng bom đạn của kẻ thù xâm lược đã lùi vào quá khứ, Nhân dân nước ta được thừa hưởng những giá trị đích thực của hòa bình, độc lập, tự do và hạnh phúc. Song, cũng như nhiều nơi khác trên thế giới, Nam Bộ nói chung và An Giang nói riêng đang đối mặt với một kẻ thù mới, thầm lặng, lạnh lùng, vô hình nhưng vô cùng nguy hiểm. Làn sóng đại dịch COVID-19 lần thứ 4 với biến thể Delta siêu lây nhiễm đang áp đặt luật chơi cho loài người, có sức tàn phá nặng nề, gây ra nhiều đau thương, mất mát ngoài sức tưởng tượng cả về tính mạng, tài sản, tinh thần và không gì có thể bù đắp được. Trong cuộc chiến đấu với đại dịch COVID-19, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc nhanh chóng, quyết liệt và đồng bộ của các cấp, các ngành, các địa phương và sự đồng tình ủng hộ của mọi tầng lớp Nhân dân, chúng ta đã đạt được những kết quả rất quan trọng.

Ngay khi dịch COVID-19 mới xuất hiện, lãnh đạo tỉnh đã nghiêm túc đánh giá tình hình, triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc những chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương; đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp, địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp tăng cường, như: Chủ động áp dụng sớm Chỉ thị 15/CT-TTg, Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên toàn địa bàn; người dân không ra ngoài từ 18 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau; tổ chức tốt việc tiêm ngừa vaccine theo phân bổ của Trung ương; bố trí lực lượng kiểm soát tốt tuyến biên giới; huy động và triển khai kịp thời các lực lượng công an, quân sự, biên phòng, y tế... để hỗ trợ các địa phương khoanh vùng, dập dịch; tái bố trí, sắp xếp hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở nhằm khám và chữa trị cho bệnh nhân; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch; đảm bảo an ninh trật tự và an sinh xã hội cho người dân... từ đó bước đầu tỉnh đã kiểm soát tốt dịch bệnh, hạn chế tốc độ lây lan, giảm thiểu những tổn thất về tính mạng và tài sản của Nhân dân, từng bước khôi phục, phát triển kinh tế - xã  hội, được Nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp, khó lường. Do đó, với tinh thần Nam Bộ kháng chiến, chúng ta xác định "Chống dịch như chống giặc", bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết; Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân An Giang tiếp tục phát huy ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, lòng quả cảm với phương châm “mỗi người dân là một chiến sĩ; mỗi nhà, cơ quan, đơn vị, địa phương là một pháo đài vững chắc”; chấp hành nghiêm các quy định trong phòng, chống dịch, nhất là các biện pháp “5K”; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân phải ưu tiên cao nhất cho phòng, chống dịch, đã cố gắng rồi phải cố gắng hơn nữa, đã đoàn kết thì đoàn kết hơn, đã quyết liệt rồi phải quyết liệt hơn nữa, đã trách nhiệm rồi phải trách nhiệm hơn nữa; quyết tâm ngăn chặn, kiểm soát tốt dịch bệnh, không để lan rộng, bùng phát trong cộng đồng, sớm đưa cuộc người dân trở lại trạng thái “bình thường mới”. Với nỗ lực đó, chúng ta có niềm hy vọng lớn lao về tương lai tốt đẹp phía trước. Ngày mai, trời lại sáng!

(*) TS Lê Hồng Quang|
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang

1 Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, tập I, Nxb CTQG Sự thật, Hà Nội, 2010, tr.237.
2 Báo Cứu quốc (Hà Nội), số 50, ngày 25-9-1945.
3 Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, tập 4, tr 29.