Hiểu đúng về bệnh dịch tả heo Châu Phi

13/06/2019 - 07:48

 - Khi xác định mẫu bệnh phẩm heo dương tính với bệnh dịch tả heo Châu Phi và buộc phải tiêu hủy đàn, người chăn nuôi được hỗ trợ 38.000 đồng/kg heo hơi, cao hơn mức giá thị trường hiện nay. Do đó, người dân tuyệt đối không được giấu dịch, cần thông báo sớm và phối hợp tốt với cơ quan chức năng, nhằm tránh bệnh dịch lây lan nhanh.

Thực hiện an toàn sinh học

Tính đến nay, bệnh dịch tả heo Châu Phi đã lan rộng hầu khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại An Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư ký quyết định công bố dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn toàn tỉnh từ ngày 10-6-2019.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Võ Thị Thanh Vân, sở dĩ công tác phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu Phi gặp khó khăn bởi đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, heo bị nhiễm mầm bệnh có thể gây chết 100%. Đến nay, chưa có vaccine phòng bệnh cũng như chưa có thuốc đặc trị khi heo mắc bệnh. Virus dịch tả heo Châu Phi lây nhiễm vào cơ thể heo qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp (từ heo mắc bệnh hoặc sản phẩm heo mang mầm bệnh sang heo khỏe) hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm virus như: chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo, giày dép, thức ăn thừa (đặc biệt là thức ăn thừa từ quán ăn, hộ gia đình không qua xử lý nhiệt độ cao), nước uống chứa mầm bệnh (từ nguồn nước sông, kênh, rạch nhiễm mầm bệnh). “Thời gian ủ bệnh từ 3-5 ngày. Heo có biểu hiện sốt cao (từ 40,5-42oC), bỏ ăn, lười vận động, ủ rũ, nằm chồng đống, thích nằm chỗ mát hoặc gần nước. Trước khi chết, heo có triệu chứng thần kinh, di chuyển không vững, thở gấp, khó thở. Nếu heo khỏi bệnh, chúng sẽ là vật chủ mang virus dịch tả heo Châu Phi suốt cuộc đời” - bà Vân lưu ý.

Heo bệnh phải được xử lý đúng cách

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT khuyến cáo người dân, doanh nghiệp thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, sử dụng thức ăn có nguồn gốc rõ ràng, không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt. Nguồn nước cho heo uống phải được xử lý chlorine với liều 5-10ppm ít nhất 24 giờ hoặc sử dụng nước máy, nước giếng, tuyệt đối không được sử dụng nước từ sông, kênh, rạch trong chăn nuôi heo. Khi phát hiện heo có biểu hiện bất thường (sốt, bỏ ăn, khó thở, da xuất huyết…), cần cách ly và thông báo ngay với UBND xã, phường, thị trấn hoặc nhân viên chăn nuôi và thú y để được hướng dẫn xử lý kịp thời. Người chăn nuôi tuyệt đối không bán heo nghi mắc bệnh, heo bệnh, heo chết, không vứt xác heo bừa bãi ra môi trường (xác heo chết phải được thu gom, xử lý đúng quy định).

Quyết liệt hành động

Cùng với công bố dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn toàn tỉnh, UBND tỉnh đã triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống, từng bước khống chế và dập dịch một cách hiệu quả. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh và các địa phương phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm, xem công tác xử lý, khống chế bệnh dịch tả heo Châu Phi là nhiệm vụ cấp bách, hàng đầu. Các lực lượng chức năng được yêu cầu tăng cường chốt chặn, thiết lập thêm các vị trí chốt kiểm tra heo và sản phẩm từ heo ra vào vùng dịch, cũng như các cửa ngõ của tỉnh. Các địa phương có dịch cần tăng cường theo dõi tình hình, nắm kỹ số lượng các hộ chăn nuôi và đàn heo trong bán kính 1km cách ổ dịch để quản lý nghiêm, tránh trường hợp hộ chăn nuôi bán heo chạy bệnh, đồng thời xây dựng các phương án cụ thể, kịp thời xử lý đối với vùng có nguy cơ cao bán kính 3km cách vùng dịch.

Các địa phương được yêu cầu chủ động làm tốt công tác tuyên truyền để doanh nghiệp, người dân hiểu rõ về tình hình dịch bệnh, chủ động phối hợp phòng, chống dịch bệnh lây lan, đồng thời yên tâm sử dụng thịt heo sạch bệnh, an toàn. Đối với các địa phương chưa có dịch, cần tiếp tục tăng cường giám sát, triển khai các chốt kiểm dịch động vật tạm thời, thực hiện tốt việc kiểm soát giết mổ, tiêu độc môi trường chăn nuôi nhằm ngăn chặn dịch.

Tính đến ngày 7-6, trên địa bàn tỉnh An Giang đã có 13 điểm xuất hiện bệnh dịch tả heo châu Phi tại 7/11 huyện, thị xã, thành phố (Long Xuyên, Thoại Sơn, Tịnh Biên, Châu Phú, Tri Tôn và Chợ Mới). UBND tỉnh đã cấp bổ sung cho Sở NN&PTNT gần 17 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh năm 2019 để thực hiện chống dịch tả heo Châu Phi. Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang đã tổ chức 11 lớp tập huấn về công tác phòng, chống dịch, cấp 7.500 lít hóa chất để tiêu độc, khử trùng, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền đến cơ sở.

Do bệnh dịch tả heo Châu Phi không lây bệnh trên người nên người tiêu dùng không nên e ngại thịt heo. Tuy nhiên, nên mua thịt heo có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch, kiểm soát giết mổ của ngành thú y và chế biến đúng cách

 

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN