Cần hiểu đúng…
Bạn N.A (một nhân viên làm trong ngành truyền thông) chia sẻ: “Bản thân mình chỉ thích phong trào giảm thiểu chất thải nhựa chứ không thích phong trào mang tên “Phòng, chống rác thải nhựa”. Bởi, trong đời sống bao năm nay đã chứng minh các sản phẩm làm từ nhựa, cao su rất bền chắc, mang lại sự tiện lợi trong sinh hoạt hàng ngày và trong biết bao ngành nghề sản xuất. Chẳng hạn, 1 chiếc áo mưa, 1 đôi giày, 1 chiếc xe gắn máy… nếu không có vật liệu nhựa làm sao ta sử dụng nhẹ nhàng, linh hoạt được. Vấn đề là chúng ta chỉ nên giảm sử dụng những sản phẩm nhựa dùng 1 lần để hạn chế lượng rác thải ra môi trường. Quan trọng nhất vẫn là các doanh nghiệp phải hạn chế sản xuất đồ nhựa, phải có đơn vị thu gom tái chế đồ nhựa như các nước trên thế giới đang làm”.
Ở góc độ khác, một số bạn trẻ hiện nay hưởng ứng phong trào giảm thiểu rác thải nhựa rất mạnh mẽ. Điều này là tốt nhưng cách thức thực hiện có vẻ như quá “kỳ thị” đồ nhựa, dẫn đến gây khó chịu cho người xung quanh. Một số người đã thay đổi các vật liệu bằng nhựa vẫn còn tốt trong gia đình và thay thế bằng các sản phẩm thân thiện khác, điều này vô hình chung thải ra một lượng rác thải nhựa cho môi trường. Mặt khác, nếu ta không thay đổi thói quen sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vô tư sử dụng những sản phẩm không thân thiện với môi trường thì nguy cơ gây ô nhiễm vẫn sẽ xảy ra. Chẳng hạn, nếu ta không sử dụng ống hút nhựa và ly nhựa thay vào đó là ống hút tre, ly giấy nhưng với thói quen thường xuyên thì quá trình làm ra các vật liệu thay thế vẫn thải ra môi trường các phế phẩm, khói bụi, chất thải nguy hại. Do vậy, nếu muốn sống xanh thì người dân nên từ bỏ, thay đổi thói quen dùng sản phẩm nhựa 1 lần, tận dụng sản phẩm nhựa an toàn nhiều lần, sử dụng tiết kiệm các vật liệu thay thế, thân thiện với môi trường.
Đoàn viên tích cực nhặt rác thải nhựa bị vứt bừa bãi ven kênh, rạch
…để làm đúng
Năm 2018, Liên Hiệp Quốc đã đưa vấn đề rác thải nhựa trở thành vấn đề nhức nhối toàn cầu. Đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi cả nước, tất cả các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương chung tay giảm thiểu chất thải nhựa. Từ ngành y tế đến ngành giáo dục đã bắt tay vào triển khai các chỉ thị, kế hoạch giảm thiểu rác thải nhựa. Điều này làm chúng ta nhớ đến các phong trào được cho là khó nhưng với sự kiên trì, quyết tâm lan tỏa vẫn làm được như tuyên truyền về an toàn giao thông, toàn dân đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…
Chính việc tăng cường thời lượng thông tin về giảm thiểu rác thải nhựa, các mô hình hay của các địa phương như: Thừa Thiên Huế không sử dụng nước uống đựng bằng nhựa 1 lần trong cuộc họp; Khu du lịch Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) không cho khách mang nước uống đựng bằng chai nhựa vào khu tham quan; các tổ chức cá nhân tự nguyện thu gom rác thải; phong trào “Đổi 1kg rác lấy 1kg hải sản” để làm sạch bờ biển ở Nam Du (Kiên Giang)... đã tác động mạnh mẽ và làm thay đổi dần nhận thức của người dân về rác thải nhựa.
Có ý kiến cho rằng, việc thay đổi thói quen từ người dân vẫn chưa đủ trong khi các sản phẩm nhựa vẫn tràn lan trên thị trường. Do vậy, cần có những quy định, chế tài phù hợp để các cơ sở sản xuất không làm ra những sản phẩm nhựa dùng 1 lần, nhựa không an toàn thì phong trào giảm rác thải nhựa mới thật sự đồng loạt và hiệu quả. Quan niệm này là hoàn toàn đúng, bởi gần đây Bộ Tài nguyên và Môi trường và các thành viên của Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (Packing Recycling Organzation Viet Nam - PRO Việt Nam) đã ký kết biên bản ghi nhớ nhằm chia sẻ mục tiêu, tầm nhìn và trách nhiệm trong việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, thông qua các hoạt động giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế chất thải. Nội dung biên bản tập trung vào thúc đẩy, hỗ trợ các hoạt động giảm thiểu, phân loại chất thải tại nguồn; hỗ trợ, tăng cường năng lực, hiệu quả của hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý và tái chế chất thải; tăng cường trách nhiệm của nhà sản xuất, chủ sở hữu thương hiệu, nhà phân phối, bán lẻ hiện đại, truyền thống và nhà nhập khẩu trong việc quản lý rác thải sau tiêu dùng và tái chế; thúc đẩy hình thành ngành công nghiệp tái chế và hỗ trợ các sản phẩm tái chế, thân thiện môi trường. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế chất thải.
Bài, ảnh: NGỌC GIANG