Từ nguồn vốn hỗ trợ về việc làm giúp người dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống
Hỗ trợ thiết thực
Thời gian qua, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm luôn được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp tại địa phương. Các chương trình cho vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm kết hợp với nguồn vốn tại địa phương đã tạo lập nguồn vốn làm cơ sở để thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội.
Chị Huỳnh Thị Út (xã Phú Bình, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) gắn bó với nghề sản xuất chổi bông sậy từ nhiều năm nay. Trong quá trình sản xuất, chị Út gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn vốn để đầu tư mua nguyên liệu và mở rộng sản xuất. Được hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi từ Quỹ Quốc gia về việc làm đã tạo điều kiện cho gia đình chị ổn định sản xuất, phát triển kinh doanh. Theo chị Út, thủ tục vay vốn nhanh gọn, phù hợp với nguyện vọng những hộ dân có nhu cầu mở rộng sản xuất.
Khác với chị Út, chị Đỗ Thị Kiều Loan (xã Tân Trung) tham gia tư vấn và chọn đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn tại Hàn Quốc. Nhờ vốn vay ban đầu từ Quỹ quốc gia về việc làm, gia đình có thể trang trải chi phí học tập và thủ tục cần thiết để xuất cảnh thuận lợi, không phải lo vay nhiều nguồn từ bên ngoài.
Không chỉ riêng huyện Phú Tân, những năm qua, chương trình cho vay giải quyết việc làm từ nguồn vốn của tỉnh và nguồn Quỹ Quốc gia về việc làm ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã góp phần quan trọng trong việc duy trì, mở rộng và giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2016-2020 hoạt động cho vay hỗ trợ tạo việc làm đã hỗ trợ cho 10.127 lao động có việc làm.
Các dự án vay vốn tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, nghề truyền thống, nghề thủ công mỹ nghệ, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cho hộ vay chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, SXKD...
Trợ lực phát triển kinh tế
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội An Giang, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã phát huy hiệu quả tích cực. Nhiều mô hình SXKD phù hợp điều kiện kinh tế, tự nhiên của địa phương được áp dụng mang hiệu quả, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Chương trình cho vay hỗ trợ vốn cho các cơ sở SXKD, hợp tác xã để mở rộng sản xuất, thu hút tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ, người tàn tật... Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người lao động, hạn chế tình trạng “tín dụng đen” nhất là khu vực nông thôn, góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Nguồn vốn tín dụng chính sách nói chung và vốn giải quyết việc làm đã đến với 100% các khóm, ấp, phum, sóc trong toàn tỉnh, tác động toàn diện đến mọi mặt của đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới khó khăn; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện và ổn định.
Các cấp hội đoàn thể đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên tham gia các mô hình sản xuất, liên kết phù hợp với ngành nghề, lĩnh vực thế mạnh của địa phương. Ngoài ra, việc tham gia vào công tác quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách, giúp cho tổ chức hội có thêm kinh phí hoạt động, tăng uy tín trong cộng đồng, thu hút hội viên làm cho hoạt động hội ngày càng lớn mạnh...
Từ những kết quả đạt được, thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội An Giang sẽ tiếp tục tham mưu HĐND, UBND và Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp sẽ tập trung nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch của tỉnh. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong nhân dân về nguồn vốn để người dân tiếp cận, nắm rõ mục đích của nguồn vốn và sử dụng vốn vay có hiệu quả. Đồng thời, xây dựng dự án hướng vào các ngành nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao và sử dụng nhiều lao động, xác định mức vay đáp ứng nhu cầu vốn của dự án, hạn chế cho vay dàn trải; tạo điều kiện cho các dự án thực hiện đúng tiến độ...
ĐỨC TOÀN