Hiệu quả mô hình Hội quán Nông dân

14/02/2020 - 07:52

 - Thấy được tầm quan trọng của mô hình Hội quán Nông dân (gọi tắt là Hội quán) theo phương châm “vừa làm, vừa rút kinh nghiệm”, từ 1 Hội quán ban đầu, huyện Chợ Mới (An Giang) đã thành lập 18 Hội quán, tổ hợp tác trong ứng dụng công nghệ cao, chuyển giao khoa học - kỹ thuật ở các xã, thị trấn, với hơn 563 thành viên và ban chủ nhiệm 137 thành viên hoạt động rất hiệu quả.

Đây là mô hình mới trong công tác vận động quần chúng, tập hợp nhân dân của hệ thống dân vận và Hội Nông dân, tạo sân chơi lành mạnh để trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, tiêu thụ nông sản. Đồng thời, Hội quán là nơi để Đảng, nhà nước, các ngành, hội, đoàn thể chuyển tải các nội dung trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, phòng chống tệ nạn xã hội, chăm sóc sức khỏe, phát triển giáo dục, văn hóa…

Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch UBMTTQVN huyện Chợ Mới Huỳnh Văn Sáu cho biết: "Sau khi “Hội quán GAP cù lao Giêng” ở xã Bình Phước Xuân được thành lập vào tháng 11-2018, với 45 thành viên, nay toàn huyện đã có 18 Hội quán. Nơi đây đã trở thành cầu nối, trao đổi, chia sẻ thông tin về tình hình phát triển của địa phương, an ninh trật tự, kinh nghiệm làm ăn, các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, xây dựng nông thôn mới...

Qua thực tiễn hoạt động, mô hình Hội quán phát huy hiệu quả tích cực trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN), nhà khoa học, chuyên gia về nông nghiệp đến trao đổi với nông dân về những kỹ thuật sản xuất mới, các phương thức kinh doanh hiệu quả, nâng cao chất lượng, liên kết với các DN nhằm bao tiêu sản phẩm...".

Hội quán là nơi chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, giúp nhau làm giàu

Các thành viên Hội quán hoạt động đa ngành nghề như: làm vườn (trồng các loại cây ăn trái như: xoài, mãng cầu, nhãn, bưởi, sầu riêng…); trồng hoa màu (các loại rau ăn lá, củ cải, bí đao…); trồng lúa; trồng hoa kiểng (hoa lan, cúc, vạn thọ, hoa hồng, xương rồng…); kinh doanh vật tư nông nghiệp…

Riêng “Hội quán GAP cù lao Giêng” ở xã Bình Phước Xuân còn tập hợp nhiều thành viên áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tiêu chuẩn sản xuất VietGAP, chứng chỉ an toàn trong sản xuất nông nghiệp. Thành viên Hội quán là lực lượng nòng cốt trong các phong trào ở địa phương; gần 100% thành viên Hội quán đều đạt danh hiệu nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp huyện, tỉnh, Trung ương hàng năm.

Không chỉ là nơi trao đổi kinh nghiệm sản xuất, nhiều Hội quán còn tổ chức liên kết với DN, ký kết hợp đồng cung cấp vật tư nông nghiệp cho thành viên Hội quán. Điển hình như: Hội quán GAP cù lao Giêng đã ký kết với Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền 2, Công ty Tín Tâm trị giá gần 500 triệu đồng mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bằng hình thức trả chậm cho nông dân.

Từ khi thành lập đến nay, tất cả Hội quán đều tổ chức sinh hoạt lệ hàng tháng, mỗi tháng 1 lần. Số thành viên tham dự mỗi kỳ sinh hoạt khá đông đủ, chiếm từ hơn 2/3 số thành viên trở lên. Tại các buổi sinh hoạt hàng tháng đều có đại diện lãnh đạo Đảng ủy, UBND, Hội Nông dân, các ban, ngành, đoàn thể của các xã, thị trấn tham dự.

Tại đây, các thành viên được nghe triển khai kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp; thông tin về tình hình thị trường; các tiến bộ khoa học - kỹ thuật có thể áp dụng vào sản xuất; kiến thức về bảo vệ môi trường;… Tư vấn về kỹ thuật sản xuất an toàn, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, chính sách vay ngân hàng nhằm hỗ trợ sản xuất...

Một số Hội quán mời kỹ sư, nông dân giỏi truyền đạt kỹ thuật, kinh nghiệm về thiết kế vườn cây ăn trái, chăm sóc hoa kiểng… Thời gian sinh hoạt của Hội quán rất linh hoạt, tùy theo điều kiện, các thành viên tự thỏa thuận, không ảnh hưởng đến việc sinh kế, mùa màng, ruộng vườn, chăm lo gia đình...

Nơi tổ chức sinh hoạt khá gần gũi, thân thuộc, tại nhà của thành viên trong Hội quán. Một số Hội quán chọn nơi sinh hoạt hàng tháng tại quán cà phê. Các Hội quán xã Long Điền B, An Thạnh Trung, Kiến Thành... đã trang bị được một số sách, báo có nội dung về: pháp luật, kỹ thuật nông nghiệp, Báo Nông thôn ngày nay... Tại Hội quán Đoàn kết Long Điền B và Hội quán Rau an toàn xã Mỹ An còn được Phó Bí thư Huyện ủy Chợ Mới Nguyễn Như Anh vận động tài trợ 2 ti-vi 40inches để phục vụ sinh hoạt.

Ông Sáu cho biết thêm, một số Hội quán nông dân tổ chức cho nhiều nông dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất đối với các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả trong và ngoài huyện để về áp dụng cho chính bản thân mình, góp phần phát triển kinh tế gia đình. Vận động các thành viên học các lớp dạy nghề, nâng cao kiến thức sản xuất nông nghiệp, các biện pháp kỹ thuật canh tác mới… Một số ban chủ nhiệm Hội quán mời gọi các DN, làm cầu nối ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nông sản cho thành viên.

Bí thư Huyện ủy Chợ Mới Võ Nguyên Nam chia sẻ, kết quả hoạt động của mô hình Hội quán góp phần tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Qua đó, yêu cầu các ban, ngành huyện hỗ trợ tìm đầu ra cho các sản phẩm nông sản của Hội quán; lựa chọn các Hội quán kiểu mẫu để nhân rộng mô hình; thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn cho nông dân. Các Hội quán cần thường xuyên cập nhật thông tin, theo dõi diễn biến thị trường, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang chuyên canh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu.

HẠNH CHÂU