Hiệu quả tín dụng chính sách giảm nghèo ở An Giang

28/09/2022 - 07:17

 - Qua 20 năm triển khai thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, các cấp ủy Đảng, chính quyền luôn quan tâm chăm lo đến đời sống của người nghèo và các đối tượng chính sách. Thông qua tín dụng chính sách xã hội, tỉnh đã khơi dậy ý thức vươn lên, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trong suốt quá trình hoạt động, Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh An Giang đã tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tạo điều kiện, phối hợp triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, huy động tốt các nguồn lực cùng thực hiện tín dụng chính sách, đảm bảo an sinh xã hội, tạo sự công khai, dân chủ trong việc bình xét đối tượng vay vốn.

Ngoài ra, thực hiện hiệu quả mô hình quản lý vốn thông qua ủy thác từng phần cho các tổ chức chính trị - xã hội. Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác là cầu nối giữa nhà nước và nhân dân thông qua việc tổ chức thành lập, chỉ đạo hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn tại cơ sở, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện thuận lợi tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi.

Sau 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, Chi nhánh NHCSXH tỉnh An Giang đã giải ngân với tổng số tiền hơn 9.694 tỷ đồng, có 674.814 lượt khách hàng được vay vốn. Với kết quả giải ngân trên đã giúp 132.172 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, 193.521 lao động được giải quyết làm, 3.805 người xuất khẩu lao động, 79.689 học sinh sinh viên được vay vốn đi học, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn để trả lương do ảnh hưởng dịch COVID-19 cho 7.159 lao động.

Trong đó, tập trung chủ yếu vào chương trình cho vay hộ nghèo hơn 1.930 tỷ đồng; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hơn 1.691 tỷ đồng; hộ cận nghèo hơn 1.674 tỷ đồng; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn hơn 1.287 tỷ đồng; hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là 843,2 tỷ đồng; hộ mới thoát nghèo 827 tỷ đồng; hộ sản xuất - kinh doanh vùng khó khăn hơn 626 tỷ đồng; nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL hơn 340 tỷ đồng; nhà ở hộ nghèo theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg và Quyết định 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là 136,4 tỷ đồng; xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài là 103,4 tỷ đồng; dân tộc thiểu số nghèo ĐBSCL theo Quyết định 74/2008/QĐ-TTg, Quyết định 29/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là 92 tỷ đồng,…

Hoạt động tín dụng chính sách xã hội của tỉnh đạt được kết quả như trên là do được sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, của Ban đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH tỉnh, của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang, sự phối hợp tích cực của các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể trong công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, đặc biệt là sự tham mưu chỉ đạo và ý chí, nỗ lực vượt khó đi lên của đội ngũ cán bộ, viên chức NHCSXH tỉnh.

Khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong việc thực hiện thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP

Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về tín dụng chính sách xã hội. Trong đó, Sở Tài chính làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh hàng năm cân đối ngân sách tỉnh chuyển sang NHCSXH hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao. MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, của tỉnh về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

NHCSXH tỉnh chủ trì phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể tiến hành rà soát các nguồn vốn cho vay ưu đãi có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, các nguồn tài trợ chuyển giao hoặc ủy thác tập trung vào một đầu mối thực hiện là NHCSXH tỉnh quản lý và cho vay theo một phương thức thống nhất. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội, xây dựng hình ảnh NHCSXH phục vụ tận tình, chu đáo, chuyên nghiệp, với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”.

Đối với chính quyền các địa phương, cần tiếp tục làm tốt công tác khuyến nông, công, lâm, ngư nghiệp, kỹ thuật sản xuất cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; nhân rộng các mô hình vay vốn làm ăn hiệu quả; các mô hình sản xuất - kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng; nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của NHCSXH các cấp...

TRUNG HIẾU

 

Liên kết hữu ích