Hiệu quả từ mô hình trồng sầu riêng ở An Thạnh Trung

16/03/2022 - 03:27

 - Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, ông Nguyễn Thanh Tùng (xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang canh tác cây sầu riêng. Dù được đánh giá là loại cây trồng khó tính, chi phí đầu tư cao nhưng ông Tùng vẫn kiên trì thực hiện, đến nay, mô hình trồng sầu riêng đã giúp gia đình ông có được nguồn thu ổn định.

Bén duyên với vùng đất mới

Đến thăm vườn sầu riêng của gia đình ông Nguyễn Thanh Tùng vào thời điểm này, cây đang cho trái bằng cổ tay. Để ra trái, ông phải xử lý ra hoa từ tháng 8 (âm lịch). Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết, sau khi xử lý gặp mưa buộc ông phải xử lý 2 đợt (cách nhau 1 tháng) cây mới ra hoa. Do đó, vụ sầu riêng năm nay sẽ thu hoạch muộn hơn so với năm trước. Dù vậy, năng suất và chất lượng trái không bị ảnh hưởng mà ngược lại sẽ khả quan hơn.

Cây sầu riêng bắt đầu bén duyên với gia đình ông Tùng cách đây 10 năm. Thời điểm đó, sẵn dịp đến tham quan vườn cây ăn trái ở tỉnh Bến Tre nên ông Tùng mua thử nghiệm vài cây giống về trồng ở vườn nhà. Sau khi trồng một thời gian, ông Tùng nhận thấy đây là loại cây trồng mới, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương nên ông Tùng quyết định chuyển đổi 5 công đất đang trồng lúa kém hiệu quả của gia đình sang trồng cây sầu riêng.

Ông Tùng cho biết, giống sầu riêng được chọn là Ri6, trái có hình dạng thuôn tròn, da xanh; khi chín, trái có trọng lượng khoảng 3-5kg; cơm trái sầu riêng khô ráo, dày, thịt có màu vàng tươi bắt mắt, vị ngọt và béo, hương thơm vừa phải. Để “lấy ngắn nuôi dài”, tạo thu nhập thường xuyên, ông Tùng đã cải tạo đất để trồng thêm cây chanh. Hiện nay, diện tích cây sầu riêng của gia đình đã được 7 năm, thu hoạch trái 3 đợt, ông Tùng đang tiến hành cắt bỏ dần những cây chanh để tập trung phát triển loại cây ăn trái này.

Mô hình trồng sầu riêng của ông Tùng được dân địa phương đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm

Theo ông Tùng, trồng sầu riêng nên trồng với mật độ vừa phải, không trồng quá dày, bình quân 1 công đất trồng khoảng 20 cây. Muốn có năng suất cao, bên cạnh sử dụng nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, người trồng cần tăng cường bón các loại phân hữu cơ, phân chuồng nhằm bổ sung dinh dưỡng cho đất...

Trên cây sầu riêng thường gặp một số loại sâu, bệnh gây hại, như: Xì mủ trên thân, cháy lá, bọ trĩ và rầy xanh tấn công. Do đó, trong quá trình canh tác, ông Tùng thường xuyên thăm vườn, kịp thời phát hiện dịch bệnh, tiến hành phun thuốc định kỳ để hạn chế tình trạng sâu bệnh xâm nhập.

Để nâng cao hiệu quả trong quá trình canh tác, ông Tùng mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới nước tự động, giúp chủ động thời gian, tiết kiệm nhân công, chi phí, vừa đảm bảo cây ướt đều với lượng nước vừa đủ... Tuy nhiên, thay vì sử dụng mô-tơ điện, ông Tùng sử dụng máy dầu để tưới nước cho cây. Việc này nhằm chủ động thời gian tưới nước, không bị ảnh hưởng nếu bị mất điện đột xuất, đặc biệt vào thời điểm cây cần nước.

Sầu riêng cho “trái ngọt”

Để mang lại hiệu quả kinh tế cao, tránh bị “dội chợ”, ông Tùng xử lý sầu riêng cho trái sớm. Bắt đầu khoảng tháng 8, ông xiết nước kết hợp phun thuốc nhằm tạo mầm hoa. Khi cây đậu hoa, ông Tùng tiến hành bón phân, phun thuốc theo định kỳ để cây phát triển. Khi ra trái, ông Tùng tỉa bớt những trái xấu, tập trung dinh dưỡng nuôi các trái còn lại. Mỗi cây, ông chừa lại khoảng 50 trái.

“Vụ này, ngay thời điểm xử lý ra hoa gặp mưa nên bỏ lỡ hoa đợt đầu. Đến tháng 9 mới xử lý ra hoa một lần nữa nên năm nay sẽ thu hoạch trễ hơn 1 tháng so với năm rồi, khoảng cuối tháng 3 (âm lịch)” - ông Tùng chia sẻ.

Sau mỗi mùa vụ, để cây mau phục hồi sức sinh trưởng, ông Tùng xới đất quanh gốc cây rồi tiến hành bón phân. Nhờ cách làm này, thời gian qua, vườn cây ăn trái của gia đình ông Tùng luôn cho năng suất cao, chất lượng ổn định.

"Hiện nay, đầu ra của trái sầu riêng tương đối ổn định, thương lái ở tỉnh Bến Tre đến tận vườn thu mua với giá khá cao. Năm 2021, thương lái mua xô hết vườn với giá 55.000 đồng/kg. Ngoài ra, gia đình tôi còn bán trái cho khách hàng trong và ngoài địa phương, với giá bán bình quân 80.000-100.000 đồng/kg. Tính ra, mỗi cây sầu riêng gia đình tôi thu lợi nhuận khoảng 5-8 triệu đồng” - ông Tùng chia sẻ.

Cũng theo ông Tùng, năm nay, do dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp; giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật còn ở mức cao khiến người nông dân gặp khó khăn, chi phí sản xuất tăng cao. Ông Tùng hy vọng năm nay sầu riêng bán được giá, nông dân có thu nhập để tái sản xuất cho vụ mùa sau.

Hiệu quả kinh tế từ cây sầu riêng không chỉ giúp gia đình ông Nguyễn Thanh Tùng vươn lên khá giàu, mà còn là hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, nhất là quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương. Hiện nay, mô hình trồng cây sầu riêng của ông Tùng đang được nhiều nông dân đến tham quan học tập, áp dụng và nhân rộng.

Tuy nhiên, theo ông Tùng, để phát triển mô hình, nông dân cần trang bị kiến thức chăm sóc cây sầu riêng một cách cơ bản, nhất là kỹ thuật mới cũng như nắm bắt rõ “tính nết”, đặc điểm sinh trưởng của cây sầu riêng. Ngoài ra, do chi phí đầu tư mô hình khá cao, nông dân cần tính toán kỹ, thận trọng trước khi triển khai thực hiện để tránh tình trạng “được mùa, mất giá” dẫn đến thua lỗ trong sản xuất.

ĐỨC TOÀN