Nhiều giải pháp trước mắt
Từ đầu năm 2020 đến nay, Bộ NN&PTNT phối hợp các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN) duy trì và phát triển sản xuất, chế biến; tháo gỡ vướng mắc về lưu thông, đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Đặc biệt, phát triển mô hình liên kết sản xuất - kinh doanh (SXKD), trong đó HTX, DN đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Nhiều chính sách hỗ trợ được ban hành, như: Nghị quyết 42/NQ-CP, ngày 9-4-2020; Nghị quyết 84/NQ-CP, ngày 29-5-2020; Nghị quyết 154/NQ-CP, ngày 19-10-2020; Quyết định 15/2020/QĐ-TTg, ngày 24-4-2020; Quyết định 32/2020/QĐ-TTg, ngày 19-10-2020; Nghị quyết 105/NQ-CP, ngày 9-9-2021.
Hỗ trợ tiêu thụ nông sản
Qua đó, cả nước tập trung chỉ đạo sản xuất, điều chỉnh kế hoạch sản xuất linh hoạt, phù hợp với biến động thị trường; áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo để thúc đẩy xuất khẩu trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh. Từng ngành, địa phương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tháo gỡ rào cản thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu và khuyến khích tiêu dùng nội địa; nhân rộng chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc, dán tem truy xuất điện tử; tăng cường nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường để kịp thời định hướng tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản. Đẩy mạnh hoạt động của 2 Tổ công tác đặc biệt của Bộ NN&PTNT chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố bị dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề; xây dựng kênh kết nối nông sản địa phương và vùng, miền...
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT làm việc với cơ quan chức năng của các nước nhập khẩu nông sản, nhằm mở cửa thị trường cho nông sản Việt Nam. Cụ thể, tiếp tục đàm phán, mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều sản phẩm nông sản: Trung Quốc (sầu riêng, thạch đen, tổ yến, khoai lang tím, chanh leo, bơ, bưởi, na, roi, dừa), Hoa Kỳ (trái bưởi tươi), Nhật Bản (nhãn, bưởi, chanh leo), Hàn Quốc (tôm, thanh long ruột đỏ, bưởi, vú sữa, chôm chôm, thịt gia súc, gia cầm chế biến, trứng gia cầm chế biến), Myanmar (bưởi, xoài), Thái Lan (chôm chôm, bưởi, chanh leo, na, vú sữa), Úc (tôm tươi, nhãn, chanh leo), New Zealand (chanh ta, chanh leo, nhãn, vú sữa bưởi, vải, măng cụt, dưa hấu, mít)...
Điểm thành công tiếp theo là đẩy mạnh phân phối hàng hóa nông sản trên sàn thương mại điện tử lớn; DN ứng dụng giao hàng chuyên nghiệp; hỗ trợ địa phương tiếp cận kênh phân phối mới, có cơ hội tiếp cận số lượng lớn người tiêu dùng tại thị trường trong nước và quốc tế hiệu quả.
Và phương hướng dài lâu
Đến nay, dù đang trong trạng thái “bình thường mới”, nhưng sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Nhất là tình trạng chi phí lưu thông, giá vật tư đầu vào sản xuất ở các ngành hàng tăng cao; thiếu nguồn vốn để tái sản xuất... Do đó, Bộ NN&PTNT xác định một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để hỗ trợ người dân, HTX và DN sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.
Trước hết, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa, vật tư nông nghiệp, máy móc, trang thiết bị thông suốt giữa các địa phương. Phối hợp chặt chẽ Bộ Công thương, địa phương, yêu cầu DN SXKD phân bón, vật tư phục vụ sản xuất chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào, tăng cường năng lực ổn định sản xuất, phát huy tối đa công suất nhà máy chế biến để cung ứng nhanh, kịp thời cho thị trường trong nước, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa.
Hướng dẫn DN, HTX, hộ kinh doanh, người dân điều chỉnh phương thức kinh doanh, kế hoạch sản xuất phù hợp với bối cảnh sau giai đoạn giãn cách xã hội, biến động về thời tiết… hướng đến sản xuất, cung ứng nông sản ổn định, lâu dài; thiết lập điểm tập kết hàng hóa tạm thời; nâng cao năng lực cung ứng của hệ thống phân phối. Phát triển, nhân rộng mô hình hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị có hiệu quả; đẩy mạnh liên kết giữa vùng, địa phương trong tổ chức SXKD nông sản chủ lực, đến kết nối cung, cầu nông sản giữa các địa phương trong vùng và đô thị lớn.
DN, HTX, nông dân sẽ được phát triển SXKD, từ giảm chi phí đầu vào (chi phí logistics, giá nguyên vật liệu), duy trì và phục hồi hoạt động DN nhỏ, siêu nhỏ, tạo việc làm cho người lao động, thực hiện phương châm “Cứu DN như cứu người bệnh”, hỗ trợ tối đa cho DN giai đoạn hậu COVID-19; đến việc hỗ trợ cho HTX, DN phát triển khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số...
Điều quan trọng nhất là Bộ NN&PTNT tiếp tục nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ DN, HTX, người dân. Về cơ chế, chính sách tài chính, sẽ gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân; miễn, giảm tiền thuê bến bãi, dịch vụ kho lạnh, bảo quản nông, thủy sản...
Chính phủ hỗ trợ giá phân bón thông qua DN; giá giống cây trồng, vật nuôi thông qua DN sản xuất trong nước (không vi phạm cam kết trong WTO). Về cơ chế, chính sách tín dụng, sẽ thiết kế chính sách hỗ trợ tín dụng cho DN, HTX, hộ nông dân cơ cấu lại nợ, giảm chi phí dịch vụ ngân hàng, hỗ trợ mua máy nông nghiệp cho nông dân, DN sản xuất nông, lâm, thủy sản; hỗ trợ HTX xây dựng hạ tầng cơ sở, kho lạnh, bảo quản, chế biến nông sản...
AN KHANG