Huy động các nguồn lực
Phú Tân là huyện thuần nông, trên 70% lao động sống bằng sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là độc canh cây lúa, nếp. Dân số trên 189.000 người với 53.206 hộ, đứng thứ 4 của tỉnh. Toàn huyện có 7.287 đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng, 1.858 hộ nghèo, 3.935 hộ cận nghèo. Công tác xã hội trong hỗ trợ người nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội được sự quan tâm chăm lo của cả hệ thống chính trị, từ huyện đến cơ sở và sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp.
Trợ giúp hoàn cảnh yếu thế
Sự quyết tâm được thể hiện bằng nghị quyết của các cấp ủy Đảng, chỉ tiêu phấn đấu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của chính quyền các cấp. Đây còn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống MTTQ, đoàn thể, ưu tiên bố trí ngân sách hàng năm cho chương trình giảm nghèo và hỗ trợ các đối tượng yếu thế tại địa phương… Nhằm tạo nguồn lực cho công tác an sinh xã hội, năm 2017, Huyện ủy Phú Tân đã ban hành Kế hoạch 39-KH/HO, phát động đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thực hành tiết kiệm góp phần chăm lo an sinh xã hội và giao cho UBMTTQVN huyện làm đầu mối tiếp nhận. Tính riêng năm 2022, UBMTTQVN huyện đã tiếp nhận 1,3 tỷ đồng, đã chi 690 triệu đồng; tổng tồn quỹ đến nay hơn 2,8 tỷ đồng.
Chủ tịch UBMTTQVN huyện Phú Tân Nguyễn Thành Ân thông tin, trong năm 2022, hoạt động chăm lo cho người nghèo được các cấp, ngành quan tâm thực hiện. Toàn huyện đã vận động hơn 21,5 tỷ đồng (huyện vận động trên 2,9 tỷ đồng; xã, thị trấn vận động trên 18,6 tỷ triệu đồng). Qua đó, đã trợ giúp cho 29.128 hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn; cất mới 194 căn và sửa chữa 7 căn nhà Đại đoàn kết; trợ cấp thường xuyên và đột xuất cho 11.843 lượt hộ. Quý I/2023, huyện vận động hơn 12,2 tỷ đồng, đã hỗ trợ cho 10.288 hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn, với tổng số tiền trên 9 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đã cất mới 66 căn, sửa chữa 6 căn nhà cho người nghèo; hỗ trợ học hành, khám, chữa bệnh, trợ giúp sản xuất, cứu trợ khó khăn 1.015 lượt hộ… giúp cho các hộ nghèo giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.
Nhiều mô hình hiệu quả
Phó Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Phú Tân Dương Bảo Lộc cho biết, nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh đã hỗ trợ trên địa bàn huyện thực hiện 8 mô hình giảm nghèo, kinh phí hơn 1,3 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 300 lao động. Một số mô hình giảm nghèo đã được triển khai thực hiện trong thời gian qua, như: Chăn nuôi dê, dịch vụ phun thuốc bảo vệ thực vật, may công nghiệp tại nhà… Hầu hết các mô hình được đánh giá đã phát huy tốt hiệu quả, giúp thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, nguồn vốn Quỹ Vì người nghèo ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội đến nay được 4,2 tỷ đồng, hỗ trợ trên 150 mô hình giảm nghèo, giải quyết việc làm trên 250 lao động hộ nghèo thực hiện các mô hình nuôi bò vỗ béo, nuôi dê, nuôi lươn, dịch vụ, mua bán…
Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo
Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” triển khai trên địa bàn được đồng tình hưởng ứng. Huyện đã lập bảng dữ liệu địa chỉ nhân đạo theo Trung ương Hội Chữ thập đỏ hướng dẫn. Đến nay, đã cập nhật được 631 địa chỉ nhân đạo ở các xã, thị trấn. Các nhà hảo tâm gắn với từng địa chỉ nhân đạo cụ thể đã giúp đỡ 3.546 lượt hộ nghèo bằng tiền mặt, vật phẩm… trị giá trên 629 triệu đồng. Các tổ chức hội, địa chỉ nhân đạo còn giúp đỡ người già neo đơn và trẻ mồ côi, gia đình chính sách, tổng trị giá hơn 850 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, các ngành luôn chủ động rà soát, nắm chắc các đối tượng nghèo trong từng địa phương cần trợ giúp. Từ đó, đã vận động tương trợ tại chỗ về lương thực, thực phẩm, giúp cho 17.718 lượt hộ gia đình nghèo, hộ khó khăn với tổng trị giá 2,9 tỷ đồng. Đặc biệt, chương trình “Mẹ đỡ đầu” của hội liên hiệp phụ nữ các cấp trong huyện mang nhiều ý nghĩa, nhận được sự đồng cảm, chung tay của cộng đồng đối với trẻ em. Các cấp hội đã đăng ký nhận đỡ đầu 34 trẻ mồ côi do COVID-19 bằng nhiều hình thức: Hỗ trợ mỗi trẻ ít nhất 200.000 đồng/tháng; hỗ trợ cung cấp kiến thức về y tế, tư vấn sức khỏe; hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, tặng học bổng. Ngoài ra, các em còn được hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu, đồ dùng, trang thiết bị học tập, tạo điều kiện tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí…
Tuy đạt được những kết quả tích cực, song công tác hỗ trợ người nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội vẫn còn những rào cản. Đáng lưu ý là điều kiện của các hộ nghèo về học vấn, tư liệu sản xuất, tay nghề còn hạn chế… Do đó, huyện Phú Tân đã đề ra các giải pháp trọng tâm, chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục tuyên truyền để nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng về tình trạng đói nghèo, các chính sách bảo trợ xã hội, quyền lợi của người nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội. Đồng thời, xây dựng hệ thống thông tin, tư vấn để hướng dẫn người nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội về các chính sách, quy định, thủ tục, hỗ trợ. Huyện sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực, tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong quản lý và thực hiện các chính sách bảo trợ xã hội, đẩy mạnh vai trò của cộng đồng trong quản lý và thực hiện các chính sách bảo trợ xã hội, tạo ra sự đồng thuận trong cộng đồng.
HOÀI ANH