Kế hoạch hỗ trợ người trồng lúa năm 2024 hướng tới mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giảm chi phí sản xuất, tạo ra sản phẩm lúa gạo an toàn, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Qua đó, góp phần tăng thu nhập, nâng cao nhận thức của nông dân về sản xuất lúa chất lượng cao, an toàn, giảm tác động đến môi trường, hướng đến nền nông nghiệp xanh, bền vững. Đây cũng là cơ sở để ngành nông nghiệp triển khai, nhân rộng Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030.
Kế hoạch đề ra mục tiêu vận động 10 hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia thực hiện mô hình, tổng diện tích 50ha. Trong đó, hướng tới mục tiêu áp dụng lượng lúa giống gieo sạ tối đa 80kg/ha; tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa khi tham gia mô hình đạt tối thiểu 30% so canh tác truyền thống; tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa đồng bộ đạt tối thiểu 50%; phấn đấu khoảng 40% diện tích được thu gom rơm khỏi đồng ruộng. Đồng thời, phấn đấu 1.800 nông dân trong, ngoài mô hình được nâng cao kiến thức, thông qua việc tổ chức 60 lớp tập huấn, 10 cuộc hội thảo về tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa.

Nông dân được hỗ trợ kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao
Trung tâm Khuyến nông An Giang đã thực hiện các mô hình ứng dụng tổng hợp tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa thương phẩm, bao gồm: Mô hình ứng dụng thiết bị drone 3 trong 1 để gieo sạ; mô hình ứng dụng thiết bị sạ cụm để gieo sạ tại TX. Tân Châu, TX. Tịnh Biên, huyện Thoại Sơn. Trong vụ thu đông 2024, vụ đông xuân 2024 - 2025, tổng diện tích thực hiện 350ha. Các mô hình được hỗ trợ 50% thiết bị drone 3 trong 1, có 50% lượng giống xác nhận, 50% phân vô cơ và 30% thuốc bảo vệ thực vật.
Kết quả, chi phí ruộng mô hình thấp hơn ruộng đối chứng 4,6 triệu đồng/ha, do giảm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và chi phí thuê mướn lao động trong quá trình sản xuất. Lợi nhuận bình quân ruộng trong mô hình sử dụng thiết bị drone đạt hơn 29,7 triệu đồng/ha, cao hơn đối chứng khoảng 5,9 triệu đồng/ha. Khi tham gia, nông dân có cơ hội tham dự tập huấn, hướng dẫn, cập nhật kiến thức về quy trình canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp, quy trình ứng dụng cơ giới hóa, tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất. Qua đó, góp phần thay đổi nhận thức của bà con về ứng dụng cơ giới hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Với việc ứng dụng thiết bị sạ cụm, Trung tâm Khuyến nông An Giang thực hiện 3 mô hình, tổng diện tích 150ha trong vụ thu đông 2024 tại huyện Thoại Sơn. Các mô hình được hỗ trợ 50% thiết bị gieo sạ cụm, 50% lượng giống xác nhận, 50% phân vô cơ và 30% thuốc bảo vệ thực vật.Kết quả, chi phí sản xuất ruộng mô hình thấp hơn đối chứng hơn 3,4 triệu đồng/ha. Lợi nhuận bình quân đạt hơn 24,7 triệu đồng/ha, cao hơn ruộng đối chứng hơn 4,6 triệu đồng/ha.
Nông dân tham gia mô hình cũng được cập nhật, giới thiệu tiến bộ kỹ thuật, sử dụng thiết bị công nghệ từ gieo sạ đến thu hoạch trong sản xuất lúa; nội dung, quy trình thực hiện tiêu chuẩn trong sản xuất lúa hiện nay, như: “1 phải 5 giảm”, SRP, quy trình cấp mã số vùng trồng, quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp…
Nhìn chung, các mô hình triển khai trong Kế hoạch hỗ trợ người trồng lúa năm 2024 đã giúp nông dân thấy được việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng cơ giới hóa vào khâu sản xuất mang lại hiệu quả thiết thực, giúp giảm chi phí sản xuất, nhưng vẫn đảm bảo năng suất và lợi nhuận so với canh tác truyền thống. Bên cạnh đó, giúp nông dân hạn chế tiếp xúc trực tiếp với hóa chất độc hại, bảo vệ sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Trên cơ sở kết quả đạt được, Trung tâm Khuyến nông An Giang đề xuất cần tiếp tục hỗ trợ thực hiện mô hình sản xuất lúa thương phẩm theo hướng ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa và tổng hợp các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, như: Quy trình “1 phải 5 giảm” kết hợp công nghệ sinh thái; quy trình sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp; ứng dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rơm rạ sau thu hoạch song song với việc tập huấn cho nông dân kỹ thuật này.
Ngoài ra, cần nhân rộng mô hình; đẩy mạnh tuyên truyền trên báo chí, mạng xã hội, nhằm vận động nông dân tích cực tham gia sản xuất lúa chất lượng cao, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị hạt gạo An Giang trên thị trường.
THANH TIẾN